ĐẠI CƯƠNG

Tai nạn thường gặp ở trẻ em, nơi tai nạn thường là ở nhà, điện 220 volt, hiếm khi điện cao thế >1000 volt. Tổn thương tùy điện thế, cường độ dòng điện, thời gian tiếp xúc, tổn thương phối hợp như té ngã. Dòng điện xoay chiều nguy hiểm hơn 1 chiều, điện cao thế nguy hiểm hơn điện nhà. Tổn thương bao gồm: phỏng tại chỗ, và rối loạn nhịp tim tỉ lệ vào khoảng 10 – 20%.

Tử vong nhanh trong vòng vài phút đầu chủ yếu là do rung thất, ngừng tim, ngừng thở.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh

Trẻ tiếp xúc với nguồn điện thường là điện nhà:

  • Triệu chứng lúc phát hiện.
  • Vị trí cơ thể tiếp xúc.
  • Thời gian tiếp xúc.
  • Điện thế.

Khám lâm sàng

  • Nặng:
    • Ngừng thở do dòng điện đi ngang qua ức chế trung tâm hô hấp hoặc do co thắt cơ hoành, cơ ngực.
    • Ngừng tim do dòng điện đi qua tim.
    • Rối loạn tri giác, hôn mê, co giật.
    • Rối loạn nhịp tim.
    • Tiểu ít, tiểu đỏ myoglobine do tiêu cơ.
  • Nhẹ: không triệu chứng toàn thân hoặc lừ đừ, nhức đầu.
  • Tìm tổn thương phối hợp (khám toàn thân).
  • Bỏng tại chỗ nơi tiếp xúc điện:
    • Đánh giá mức độ bỏng.
    • Vết bỏng thường nhẹ độ 1, 2, tại chỗ nhỏ ở điện nhà trái lại, bỏng sâu độ 2,3, diện tích rộng ở điện cao thế.

Cận lâm sàng

  • Công thức máu.
  • Điện tâm đồ.
  • Ion đồ.
  • Creatine phosphokinase (CPK).
  • Tìm myoglobine trong nước tiểu.
  • Chức năng thận.
  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • Xét nghiệm phát hiện tổn thương kèm theo: X-quang sọ não, cột sống ngực, chi hoặc CT sọ não.

ĐIỀU TRỊ

  1. Nguyên tắc điều trị
    • Nhanh chóng tách trẻ ra khỏi nguồn điện.
    • Hỗ trợ hô hấp.
    • Phát hiện và xử trí kịp thời rối loạn nhịp tim.
    • Điều trị vết bỏng sâu.
    • Điều trị biến chứng.
  1. Tiêu chuẩn nhập cấp cứu
    • Ngừng thở, ngừng tim, bất tỉnh tại hiện trường.
    • Điện cao thế.
    • Rối loạn tri giác.
    • Rối loạn nhịp tim trên ECG.
    • Bỏng độ 2 trên 10% hoặc độ 3.
  1. Điều trị
    • Bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu:
      • Cấp cứu ngừng thở ngừng tim.
      • Hỗ trợ hô hấp.
      • Điều trị rối loạn nhịp: ngoại tâm thu thất, nhanh thất, rung thất với thuốc chống loạn nhịp và phá rung với máy phá rung (xem phác đồ điều trị rối loạn nhịp tim).
      • Hồi sức sốc:

+ Điều trị rối loạn nhịp nếu có (sốc do điện giật thường là do rối loạn nhịp nặng).

+  Bù dịch và thuốc vận mạch theo hướng dẫn CVP.

  • Điều trị co giật với Diazepam tĩnh mạch.
  • Điều trị biến chứng:

+  Rối loạn điện giải.

+ Tiểu myoglobine: truyền dịch gấp rưỡi nhu cầu cơ bản để tăng thải myoglobine và phòng ngừa suy thận cấp, theo dõi CVP và giữ nước tiểu 1- 2 ml/kg/giờ.

+  Điều trị tổn thương phối hợp.

  • Bệnh nhân ổn định:
  • Đo và theo dõi điện tim trong 24 giờ, kịp thời phát hiện và xử trí rối loạn nhịp, mặc dù rối loạn nhịp trễ thì hiếm gặp.
  • Theo dõi SpO2
  • Săn sóc vết bỏng.
  • Thuốc giảm đau paracetamol 10 – 15 mg/kg/lần ngày 3- 4 lần.
  • Điều trị tổn thương phối hợp.
  1. Điều trị ngoại trú

Điện nhà, không có triệu chứng toàn thân bất thường ngay và sau khi bị điện giật, phỏng độ 1-2 nơi tiếp xúc.

THEO DÕI

  • Dịch xuất nhập mỗi 6 – 8 giờ.
  • Mỗi 30 phút – 1 giờ khi hồi sức hoặc mới nhập viện.

PHÒNG BỆNH

  • An toàn khi sử dụng điện.
  • Không cho trẻ chơi gần nguồn điện, ổ điện.
  • Không lại gần đường điện cao thế.
0/50 ratings
Bình luận đóng