Củ kiệu là củ của cây kiệu, là cây thảo nhỏ thuộc họ hành, có thân hành màu trắng, hình trái xoan thuôn. Lá mọc ở gốc, hình dải hẹp, nửa hình trụ, dài 15 – 60cm, rộng 1,5 – 4mm. Cụm hoa hình tán kép trên một cuống hoa dài 15 – 60cm, mang 6 – 30 tán hoa màu hồng hay màu tím), củ có màu trắng, hình tròn hoặc tròn dài giống củ hành nhưng thường nhỏ hơn, củ có nhiều vảy mỏng bọc bên ngoài.
Khí vị – Qui kinh:
Theo đông y, củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm; vào ba kinh phế, vị và đại tràng.
Công dụng:
Lý khí, chống tức ngực, thông dương khí, tán uất kết, kiện vị, tiêu thực.
Một số bài thuốc có sử dụng củ kiệu:
Chữa viêm mũi mạn tính: Dùng củ kiệu 9g, tân di hoa 6g, mộc qua 9g, nấu nước uống trong ngày.
Chữa chứng tức ngực, đau thắt tim, suyễn thở do hàn đàm ứ đọng gây nên: Dùng qua lâu 1 trái (giã nát), giới bạch 15g, rượu trắng 100 ml, nước 500 ml, cùng sắc uống, sắc lấy 200 ml dịch thuốc, chia ra uống dần; uống ấm – nếu nguội cần hâm lại.
Chữa tức ngực, đau tức ở vùng tim: Chỉ thực 4 trái, hậu phác 12g, giới bạch 15g, quế chi 9g, qua lâu 1 trái (giã nát). Năm vị đem sắc -với 100ml nước. Đầu tiên nấu chỉ thực và hậu phác, sắc lấy 500 ml dịch thuốc, bỏ bã, sau đó cho các vị thuốc còn lại vào, nấu nhỏ lửa thêm 20-30 phút là được. Chia ra 3 lần uống trong ngày, uống ấm.
Chữa đau thắt tim:Dùng củ kiệu 9g, qua lâu 18g, đan sâm 9g, khương hoàng 9g, ngũ linh 9g, quế chi 6g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, viễn chí 9g, trầm hương bột 3g (hòa vào sau), sắc nước uống trong ngày.
Chữa kiết lỵ, ỉa chảy, mót rặn:Dùng củ kiệu 9g, sài hồ 9g, bạch thược 12g, chỉ thực 6g, cam thảo 4g. sắc nước uống.
Chữa xích ly – đi lỵ phân lẫn máu:Dùng củ kiệu 12g, hoàng bá 6g, sắc nước uống. Hoặc dùng kiệu 1 nắm, thái nhỏ, nấu cháo ăn.
Chữa ỉa chảy, nôn khan không ngừng:Dùng kiệu 1 nắm, nước 500 ml, sắc cạn còn một nửa, chia thành nhiều lần uống.
Chữa hôn mê do trúng khí độc:Dùng kiệu giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào mũi.
Chữa lở ngứa:Dùng lá kiệu nấu nước rửa, hoặc giã nát đắp lên chỗ da bị bệnh.
Chữa bỏng:Dùng kiệu giã nhỏ, hòa với mật ong, vắt lấy nước bôi vào chỗ bị bỏng, giúp da chóng lành.
Trị tức ngực, khó chịu ở vùng dạ dày, nôn mửa, kiết lỵ, ung nhọt lở loét…
Trị chứng hay bị nôn khan: Củ kiệu 1 nắm, nước 500ml đem sắc còn 250ml, uống ngày 3 lần sáng, trưa, tối, uống lúc thuốc còn ấm, nếu nguội cần hâm lại để uống, uống trước bữa ăn. Uống trong 3 ngày.
Sản phụ bị kiết lỵ: Củ kiệu tươi đem xào với bầu dục lợn, ăn trong 5 ngày.
Chữa sưng đau cơ khớp: Củ kiệu 20g giã nát hòa với giấm, đảo đều hâm nóng đắp lên chỗ khớp sưng đau. Ngày đắp 2 lần.
Bổ khí, điều hòa nội tạng tăng cường sức đề kháng khi thời tiết giá lạnh: Hằng ngày ăn 15-20g kiệu muối với cơm.
Chữa bỏng nhẹ (không trợt da): Củ kiệu lột bỏ vỏ ngoài, giã nát, trộn mật đắp vào chỗ bị bỏng. Ngày đắp 3 lần, mỗi lần đắp cần vệ sinh sạch sẽ nơi bị bỏng.
Phụ nữ có thai bị lạnh đau bụng: Củ kiệu 32g, đương quy 8g, đem sắc với 300ml còn 100ml, uống thuốc còn ấm, ngày uống hai lần vào buổi sáng và tối, uống trong 2 ngày.
Liều dùng:
5 – 10g khô (tươi 30 – 60g), sắc hoặc tán bột, làm viên uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc vắt lấy nước bôi.
Kiêng kỵ:
Người phát nóng do “khí hư” hoặc “âm hư”, mồ hôi ra nhiều, đầu đau không nên dùng độc vị. Kiệu có tính hoạt lợi, không bị tích trệ cũng không nên dùng.