Cải hoang

Cây của vùng lục địa Đông Nam Á châu, mọc hoang ở rẫy, ruộng bỏ hoang, bãi sông, nơi ẩm ướt đến 2000m. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, phơi khô hoặc dùng tươi.

Cải hoang, Cải cột xôi, Cải ma lùn, Đình lịch – Rorippa indica (L.) Hiern (Nasturtium indicum (L.) DC.), thuộc họ Cải – Brassicaceae.

Mô tả: Cây thảo cao 20-50cm, thân phân nhánh từ gốc, có rãnh, nhẵn hay có lông. Lá mọc từ rễ, có cuống, có 2-4 tai; còn những lá khác đơn, thu hẹp ở gốc thành cuống ngắn, thon lại ở chóp, khía tai bèo có răng ở mép. Hoa vàng, nhỏ, xếp thành chùm đứng ở ngọn; cánh hoa 4, dài hơn lá đài, nhị 4 dài, 2 ngắn. Quả cải dạng sợi, dài 2-2,5cm, rộng 1mm, có vòi nhuỵ dài 1mm, chia 3 van với 3 gân mảnh. Hạt xếp 2 dãy, hình tim, trái xoan dẹp, màu hung hung, rất nhỏ.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Rorippae, thường gọi là Hân thái.

Nơi sống và thu hái: Cây của vùng lục địa Đông Nam Á châu, mọc hoang ở rẫy, ruộng bỏ hoang, bãi sông, nơi ẩm ướt đến 2000m. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, phơi khô hoặc dùng tươi.

Thành phần hóa học: Cây chứa rorifone, rorifamide. Còn có caroten, vitamin C.

Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng làm long đờm, ngừng ho, hoạt huyết, lợi tiểu, giúp tiêu hoá, tiêu tích.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Cảm mạo phát sốt, đau họng; 2. Ho, viêm khí quản mạn tính; 3. Phong thấp cấp; 4. Viêm gan, giảm niệu; 5. Tiêu hoá không bình thường.Cũng dùng chữa huyết hư kinh bế, mụn nhọt ung thũng và rắn cắn. Liều dùng 15-30g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài tuỳ lượng, lấy cây tươi giã đắp.

Đơn thuốc:

  1. Sốt nóng mùa hè, môi khô, nóng khát; đun sôi toàn cây Cải hoang lấy nước để uống thay trà.
  2. Chữa bệnh cổ trướng, dùng Cải hoang sao 12g, Trần bì 12g, vỏ rễ Dâu (lấy lớp trắng) 24g, Gừng sống 3 lát, sắc uống lúc đói. Hoặc dùng riêng một vị Cải hoang, sao và tẩm rượu 7 lần, tán nhỏ, uống mỗi lần 2 -3 thìa hoà với rượu vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).
  3. Chữa viêm gan thể giữ nước, viêm phổi tràn dịch màng phổi, ho suyễn ngực căng tức, phù tim mặt sưng thở gấp và viêm thận cấp, đái ít, phù to: Cải hoang 12g, Mạch môn chế bỏ lõi, Ý dĩ sao, Xa tiền, Ngưu tất, Mộc thông, Dành dành và Huyền sâm, đều 12g, sắc uống (Lê Trần Đức).

Cải kim thất

Cải kim thất, Rau lúi – Gynura barbaraefolia Gagnep., thuộc họ Cúc – Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo cao 80cm, có lông, thân non có cạnh. Lá xếp dọc theo thân, có lông, có thuỳ sâu, một thuỳ ở gốc cuống có dạng lá kèm; gân phụ 4 cặp. Ngù hoa kép, chia nhiều nhánh, mỗi nhánh có 1-3 hoa màu vàng, cao 1,5cm; lá bắc hẹp, cao 4-9mm. Quả bế cao 1,7mm, nhám; lông mào gồm nhiều tơ, trắng, mịn.Ra hoa tháng 1-4.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Gynurae Barbaraefoliae.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các đồi bãi, savan cỏ và cả trên núi đá, núi đất sa thạch, từ Nam Hà, Ninh Bình, qua Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đến Kontum, Lâm Đồng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá và ngọn non có thể ăn thay rau. Cả cây dùng chữa phong thấp, đau nhức xương.

Cải ngọt

Cải ngọt – Brassica integrifolia (West.) O.E. Schulz., thuộc họ Cải – Brassicaceae.

Mô tả: Cải trắng, cao 50-100cm, thân tròn, không lông. Lá có phiến xoan ngược tròn dài, chóp tròn hay tù, gốc từ từ hẹp, mép nguyên không nhăn, mập, trăng trắng, gân phụ 5-6 cặp; cuống dài, tròn. Chùm hoa như ngù ở ngọn, cuống hoa dài 3-5cm, hoa vàng tươi; nhị 6 (4 dài, 2 ngắn). Quả cải dài 4-11 cm, có mỏ, hạt tròn.

Bộ phận dùng: Hạt – Semen Brassicae Integrifoliae. Nơi sống và thu hái: Cây trồng để lấy lá làm rau.

Thành phần hóa học: Dầu của hạt chứa một glycerid của acid crucic. Tính vị, tác dụng: Hạt làm nóng, làm toát mồ hôi.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt được dùng làm thuốc trị bệnh co thắt, chứng đau dây thần kinh và đau khớp. Dầu được sử dụng như là một chất nước dùng chườm đắp trị phát ban da và mụn nhọt. Ở Trung Quốc, hạt được dùng trị sốt cao co giật, mất tiếng.

0/50 ratings
Bình luận đóng