Thận
Sang chấn thận gây đau ở vùng thận, đái ra máu vi thể hoặc đại thể.
Tổn thương tới thận có thể gây xuất huyết nhiều và tình trạng sốc, nhất là nếu cuông thận bị tổn thương.
Chụp thận qua tĩnh mạch và chụp cắt lớp cho phép xác định mức độ tổn thương. Nếu thận câm ở hình ảnh chụp qua tĩnh mạch thì phải chụp động mạch cấp cứu.
Sẹo xơ rộng ở thận có thể gây cao huyết áp và suy thận.
Phần lớn các chấn thương thận chỉ cần theo dõi chặt chẽ và đôi khi phải truyền máu để phục hồi thể tích tuần hoàn. Mổ cấp cứu được chỉ định khi chẩy máu nhiều (sau phúc mạc hoặc trong ổ bụng) và trong trường hợp bị đứt cuông thận.
Niệu quản
Tổn thương niệu quản thường là do can thiệp ở vùng chậu hơn là do sang chấn ở bụng.
Chẩn đoán khó. Bệnh nhân kêu đau vùng thắt lưng và đau bụng. Vòng bụng tăng lên. Vận chuyển qua ruột bị chậm lại (dấu hiệu tắc hay bán tắc ruột). Không có máu trong nước tiểu. Lưu lượng nước tiểu giảm. Urê huyết và creatinin huyết tăng. Đôi khi có lỗ dò niệu quản ở vết thương thành bụng.
Không thấy bóng cơ đái chậu trên phim chụp bụng không chuẩn bị.
Chụp đường niệu qua tĩnh mạch cho thấy thận bị tổn thương bài tiết chậm hoặc không bài tiết, hệ thống đài thận-bể thận bất thường. Đôi khi có chất cản quang ở các mô nằm sau phúc mạc.
Chụp đường niệu ngược dòng là phương pháp hàng đầu để xác định vị trí tổn thương ở niệu quản. Điều trị ngoại khoa.
Bàng quang
Bàng quang có thể bị vỡ do chấn thương bụng, do vỡ xương chậu. Bàng quang có thể bị thủng khi phẫu thuật vùng chậu hoặc can thiệp vào đường niệu.
Vổ trong phúc mạc gây ra ngay lập tức các triệu chứng ở ổ bụng (phản ứng thành bụng ở dưới rôn, tắc ruột, tình trạng sốc). Đái ra máu đại thể, khó tiểu tiện, đái rắt là các triệu chứng thường gặp khi bàng quang bị vỡ.
Vỡ bàng quang ngoài phúc mạc gây ra các triệu chứng muộn hơn, có thiểu niệu, vô niệu, suy thận.
Chụp niệu đạo-bàng quang cho phép xác định vị trí bị thủng.
Nếu bị vỡ nhỏ ở ngoài phúc mạc thì dẫn lưu bàng quang bằng thông bàng quang. Nếu bị vỡ trong phúc mạc thì phải mổ và khâu vết thủng.
Niệu đạo
Phần sau niệu đạo (niệu đạo màng) có thể bị đứt trong trường hợp vỡ xương chậu; phần trước và phần hành niệu đạo có thể bị đứt khi đặt thông. Không bao giờ thông bàng quang khi chấn thương.
Đứt niệu đạo sau gây ra hội chứng nặng: đái ra máu, ứ nước tiểu, tình trạng sốc và sau vài giờ xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết cấp tính. Đứt hành niệu đạo gây ra khối máu tụ ở tầng sinh môn.
Chụp niệu đạo cho thấy tổn thương.
Biến chứng: chít hẹp niệu đạo, nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết. Đàn ông có thể bị liệt dương.
Điều trị: điều trị ngoại khoa: dẫn lưu nước tiểu qua thông đặt trên xương mu, sau đó tạo hình niệu đạo hoặc nối thông niệu đạo nếu đứt không hoàn toàn.