Mục lục
SÂM VIỆT NAM
Tên khác: Sâm Ngọc Linh, sâm Khu năm, thuốc dấu (Xê Đăng)
Tên khoa học: Panax vietnamensis Ha et Grushv.
Họ Nhân sâm (Araliaceae)
MÔ TẢ
Cây thảo nhỏ, có thân rễ dài, không phân nhánh, chia đốt, mang nhiều vết sẹo do thân khí sinh rụng để lại, tận cùng bằng một củ ngắn hình con quay. Thân khí sinh mảnh, mang 2 – 4 lá kép mọc vòng; lá kép hình chân vịt có 5 lá chét, mép khía răng nhỏ, lá chét giữa to hơn; cuống lá kép dài.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành tán đơn có cuống dài; hoa màu vàng lục, bao hoa gồm 5 lá đài, 5 nhị, bầu 1 ô.
Quả hạch, hình trứng hoặc bầu dục, khi chín màu đỏ sau đen, hạt hình thận, màu trắng.
Mùa hoa quả: tháng 4 – 10.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Sâm Việt Nam được phát hiện ở trạng thái hoang dại vào năm 1973 ở điểm duy nhất là vùng núi Ngọc Linh nằm giữa địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đó là loài đặc hữu của Việt Nam và là loài mới đóng góp cho khoa học thế giới. Thường gặp rải rác hoặc tập trung thành từng đám nhỏ dưới tán rừng ẩm, luôn có mây mù. Hiện nay, sâm Việt Nam đã được trồng nửa tự nhiên và nuôi cấy mô tạo sinh khối.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Thân rễ sâm Việt Nam, thu hái vào tháng 8 – 10, lúc này dược liệu chứa nhiều hoạt chất nhất, đem về rửa sạch, cắt những rễ nhỏ (để riêng), phơi hoặc sấy nhẹ cho khô.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Thân rễ sâm Việt Nam chứa hợp chất saponin gồm những chất đã biết và những chất mới được đặt tên là vina-ginsenosid; các hợp chất polyacetylen; các acid béo như acid palmitic, acid oleic, acid linoleic, acid stearic; các acid amin (tryptophan, lysin, arginin, threonin glycin, leucin…; các nguyên tố vi lượng (Ca, Fe, K, Mn…), hợp chất sterol (P-sitosterol, daucosterin); đường, tinh dầu, vitarnin c.
Lá sâm Việt Nam chứa saponin damaran, nguyên tố vi lượng.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Sâm Việt Nam có tác dụng tăng lực, giúp phục hồi sức lực; ở liều thấp thì kích thích thần kinh, tăng trí nhớ, nhưng liều cao lại ức chế thần kinh; tác dụng làm phục hồi số lượng hồng cầu và bạch cầu đã bị giảm.
Ngoài ra, sâm Việt Nam còn có tác dụng chổng tăng cholesterol máu, bảo vệ gan, chống viêm.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Sâm Việt Nam là cây thuốc quý của đồng bào Xê Đăng ở Kon Tum (Tây Nguyên). Trong thời kỳ nhân dân ta kháng chiến chống Mỹ, cây này đã được dùng làm thuốc bổ dưỡng, tăng lực cho bộ đội và nhân dân vùng Trung Trung Bộ.
Thân rễ sâm Việt Nam có vị đắng, ngọt và thơm rất giống mùi vị của nhân sâm và tam thất, có tác dụng bổ máu, tăng lực, chống mệt mỏi, khử độc hại, kháng khuẩn, làm cho cơ thể dẻo dai, ngủ ngon, chữa suy nhược cơ thể, thần kinh, thiểu năng sinh dục, huyết áp thấp, đái đường, viêm họng, hen phế quản, làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, làm giảm cholesterol máu chống xơ vữa động mạch.
Liều dùng hàng ngày: 5 – 10g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc viên.
Có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác như đinh lăng trong viên và chè sâm – đinh lăng với tỷ lệ 2/1 (2 phần sâm và 1 phần đinh lăng); đương quy và một số vị thuốc khác trong thuốc bổ sâm – quy dưỡng lực; với cao xương động vật trong sâm – cốt giao.
Nhiều dạng thuốc chế biến từ sâm Việt Nam của Trung tâm sâm Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh đã được sản xuất và được nhân dân ưa dùng như rượu ngọt Vinapanax (tinh sâm K5) 100ml với độ rượu 20°, ngày uống hai lần, mỗi lần lOml. Viên sâm Vinapanax, trọng lượng 0,5g dùng để ngậm, mỗi ngày 4 viên.
Ngoài ra, còn dạng thuốc uống, pha chế với mật ong lấy tên là Vinaginseng extractum, dạng trà Vinaginseng tea và dạng kem dưỡng da Vinaginseng cream cũng được thử nghiệm và sản xuất bán ra thị trường.
Chú thích: Do giá trị về khoa học, kinh tế và y học, sâm Việt Nam là cây thuốc đứng đầu bảng danh mục những cây thuốc thuộc diện quý, hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng, được ghi vào Sách Đỏ quốc gia.