LONG NÃO
Tên khoa học: Cinnamomum camphora (L.) Nees et Eberm.
Họ Long não – Lauraceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây gỗ, cao đến 15m, vỏ thân dày nứt nẻ. Tán lá rộng. Lá mọc so le có cuống dài, ở kẽ gân chính và gân 2 bên nổi lên 2 tuyến nhỏ. Hoa nhỏ màu vàng lục mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả mọng khi chín có màu đen.
Long não được trồng từ lâu đời và được khai thác camphor từ thế kỷ XIII. Nơi phát triển nhiều nhất là Đài Loan, Nhật Bản, các nước vùng Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Bắc Phi, và miền Nam nước Pháp.
Ở Việt Nam, long não được trồng từ thời Pháp thuộc ở Hà Giang và sau 1954 có được trồng ở các tỉnh miền núi. Ở các thành phố lớn, long não được trồng làm cây cho bóng mát.
Trồng trọt và khai thác
Trồng long não bằng quả, quả được thu hoạch từ cây có độ tuổi 50, gieo trong vườn ươm. Khi cây cao khoảng 50-70 cm thì đem trồng. 1 ha có thể trồng từ 2000 – 3000 cây.
Thường khai thác gỗ những cây đã già (trên25 tuổi). Lá có thể khai thác quanh năm.
Sản lượng thế giới hàng năm là 710 tấn (1990). Các nơi sản xuất chính là Đài Loan và Nhật Bản.
Bộ phận dùng
– Gỗ và lá dùng để cất tinh dầu. Ở Nhật Bản và Đài Loan người ta cất tinh dầu từ gỗ. Ở Ấn Độ lại khai thác từ lá.
– Camphor và các thành phần khác.
Thành phần hoá học
– Tinh dầu:
Gỗ của cây long não trưởng thành có chứa 4,4% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là camphor (64,1%), ngoài ra còn có cineol, terpineol, safrol, nerolidol.
Hàm lượng tinh dầu trong gỗ giảm dần từ gốc lên ngọn.
Lá có chứa 1,3% tinh dầu, trong đó camphor chiếm 81,5%, ngoài ra cineol (4,9%). Trong công nghiệp khi cất long não, thường thu được phần đặc (long não) và phần lỏng (tinh dầu long não). DĐVN IV qui đinh hàm lượng camphor trong tinh dầu long não không dưới 35%.
Theo những nghiên cứu mới ở Việt Nam, ngoài loại long não cho camphor còn phát hiện những loại khác trong lá không có camphor, mặc dầu về mặt hình thái thực vật chúng không có gì đặc biệt. Căn cứ vào thành phần hoá học của tinh dầu gỗ và đặc biệt của lá, có thể phân thành 6 nhóm như sau:
           
Nhóm
Tinh dầu gỗ thân
Tinh dầu lá
1
Camphor 60-80%
Camphor 70-80%
2
Camphor 68-71%
Sesquiterpen 50-60%
3
Camphor 29-65%
Cineol 15-45%
Sesquiterpen 50-75%  
4
Camphor 16-40%
Cineol 23-66%
Cieneol 30-65%
5
Linalol 66-68%
Cineol 11-13%
Linalol 90-93%
6
Phellandren 36-37%
Camphor 22-25%
Phellandren 71-73%    
p-cymen 21%  
Như vậy về giá trị khai thác sử dụng chỉ có nhóm 1 và nhóm 5 là có ý nghĩa. Ở Việt Nam nên khai thác tinh dầu từ lá, vừa có hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ được môi sinh.
Một công trình đã được công bố năm 1967 trên thế giới: Dựa vào thành phần hoá học tinh dầu của lá, người ta đã phân chia ra 5 týp long não khác nhau:
1. Cây long não Linalol – tinh dầu lá có chứa 80% linalol.
2. Cây long não Cineol – tinh dầu lá có chứa 76% cineol
3. Cây long não Sesquiterpen – tinh dầu lá có chức 40-60% nerolidol.
4. Cây long não Safrol – tinh dầu lá có chứa 80% safrol.
5. Cây long não Eucamphor – thành phần chủ yếu của tinh dầu lá là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic.
Công dụng
Gỗ và lá long não được dùng để cất tinh dầu cung cấp camphor thiên nhiên (D – camphor).
Camphor có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, kích thích tim và hệ thống hô hấp, dùng làm thuốc

hồi sức cho tim trong trường hợp cấp cứu. Ngoài ra còn dùng làm thuốc sát khuẩn đường hô hấp. Dùng ngoài xoa bóp chữa vết sưng đau, gây sung huyết. Tinh dầu long não được dùng để chế dầu cao xoa bóp.

Cây long não còn làm cây bóng mát, có tán rộng, lá xanh tốt quanh năm, ngoài ra lá có khả năng hấp thụ các ion kim loại nặng (như chì) làm sạch môi trường. Lá cây long não có thể khai thác quanh năm là nguồn nguyên liệu giàu camphor, linalol và cineol.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

0/50 ratings
Bình luận đóng