LÔ HỘI
Aloe
Vị thuốc lô hội* là dịch chảy ra từ lá rồi cô đặc của một số loài thuộc chi Aloe, họ Lô hội – Asphodelaceae.
Trong khoảng 180 loài thì chỉ có 4 loài được dùng làm thuốc. Hai loài được chú ý nhiều:
Aloe ferox Mill. và
Aloe vera L. (= A. vulgaris Lam. = A. barbadensis Mill.)
Đặc điểm thực vật
Cây sống nhiều năm, thân có thể hóa gỗ, phần trên mang lá tập trung thành hình hoa thị. Lá hình mũi mác dày, mọng nước, có nhiều chất nhầy nên giữ nhiều nước làm cho cây thích ứng được nơi khô hạn. Khi ra hoa thì trục hoa nhô lên ở giữa bó lá, mang chùm hoa màu vàng hoặc đỏ.
Aloe ferox Mill. có thân cao từ 2 – 5m, lá mọc thành hoa thị dày, dài 15 -50cm, rộng 10cm ở gốc, có gai ở mặt dưới lá và ở mép lá. Hoa màu đỏ. Loài này là loài chủ yếu có ở nam Phi, cho “lô hội xứ ”
Aloe vera L. (= vulgaris Lam.) Có thân ngắn: 30 – 50cm. Lá chỉ có gai ở 2 mép. Hoa màu vàng. Cây nguồn gốc ở bắc Phi, di nhập vào Antille nhưng hiện nay chỉ trồng ở các đảo Aruba và Bonaire cho “lô hội Barbade”.
Ngoài hai loài trên ra người ta còn dùng A. perryi Baker. cho “lô hội Socotrin”, A. candelabrum Berger. cho “lô hội Natal”.
Đặc điểm vi phẫu
Lá cắt ngang có những đặc điểm: biểu bì dày, mô mềm phần ngoài gồm các tế bào thành mỏng chứa những hạt diệp lục, phần giữa lá thì mô mềm gồm các tế bào to hơn chứa chất nhầy. Một số tế bào mô mềm có chứa tinh thể calci oxalat hình kim. Ở ranh giới 2 vùng mô mềm thì có 1 vòng các bó libe gỗ. Mỗi bó libe gỗ gồm các mạch gỗ ở giữa và liber ở xung quanh. Phía ngoài liber thì có lớp tế bào to chứa các dẫn chất anthranoid. Các tế bào này chạy dọc bó liber gỗ, vì có vách ngang mỏng nên dễ rách làm cho dịch chứa hoạt chất dễ chảy ra sau khi thu hoạch lá.
Cách chế Lô Hội
Ở nam Phi không có cây trồng mà chỉ thu hoạch ở các cây mọc hoang. Người ta thu hoạch các lá mọc bên ngoài từ tháng 8 -10. Việc chế biến được làm tại chỗ và thô sơ. Người ta cắt tận gốc lá, xếp gốc các lá hướng vào một hố có dụng cụ chứa. Dịch trong lá tự chảy ra. Sau 24 giờ người ta chuyển dịch này sang nồi cô để bốc hơi từ 4 -5 giờ thì được. Để nguội sẽ thu được sản phẩm nhựa màu nâu đen ánh lục, vết bẻ bóng láng, mùi đặc biệt, vị đắng khó chịu, tan trong nước nóng để lại một ít cặn, tan trong cồn, hầu như không tan trong ether, chloroform, benzen, ether dầu. Hằng năm sản lượng 400 -500 tấn.
Ở Aruba hiện nay lá lô hội được thu hoạch bằng cơ giới. Trước đây việc chế lô hội cũng làm theo lối thủ công và lô hội thu được có màu nâu đỏ, vết bẻ không nhẵn. Trong phương pháp sản xuất hiện đại, người ta thu hoạch bằng cơ giới và dịch lô hội được bốc hơi bằng máy phun sương. Sản phẩm thu được ở dạng bột có màu nâu đỏ và xẫm lại ngoài ánh sáng. Mùi và vị cũng như lô hội nam Phi. Sản lượng cũng đến hàng trăm tấn.
Thành phần hóa học của nhựa lô hội
– Aloe emodin, chất này không có trong dịch lô hội tươi. Trong nhựa lô hội aloe emodin chiếm khoảng 0,05 – 0,50%. Chất này tan trong ether, chlorofom, benzen và kết tinh hình kim vàng cam.
– Barbaloin, chiếm 15 – 30% là thành phần chính của nhựa lô hội, công thức được nghiên cứu và sửa đổi nhiều lần. Hiện nay công thức được xác định là 1,8-dihydroxy-3-hydroxymethyl-10-b-D-glucopyranosyl anthron. Phần aglycon là anthron tương ứng của aloe emodin, phần đường là glucose nối với carbon số 10 theo dây nối C -glycosid. Nó là bột kết tinh hình kim màu vàng chanh đến vàng xẫm, vị đắng, đen dần ngoài không khí và ánh sáng, tan trong nước, cồn, aceton, ammoniac, hydroxyd kiềm, rất ít tan trong benzen, chloroform, ether. Barbaloin cũng như những loại C – glycosid khác, rất khó bị thủy phân bằng acid. Muốn thủy phân có hiệu suất cao thì phải thủy phân có kèm theo chất oxy hóa (như natri periodat hoặc sắt III chlorid).
Barbaloin là một hỗn hợp 2 đồng phân S và R (do carbon bất đối ở C-10). Aloin A là đồng phân 10S có năng suất quay cực phải. Aloin B là đồng phân 10R có năng suất quay cực trái. Bên cạnh hai chất trên còn có aloinosid B (= aloin 1” – O – a – L – rhamnopyranosid), cấu hình ở C -10 chưa xác định. Ngoài ra còn có một số anthranoid khác.
Aloin A và Aloin B R=H Aloinosid B R = rha |
Trong lô hội còn có aloenin, aloenin B là các dẫn chất phenyl pyran 2 – on; aloesin, aloesol là các dẫn chất benzo pyran 4 – on.
Định tính
– Phản ứng Börntraeger. Muốn phản ứng dễ lên thì cần thủy phân các anthraglycosid bằng HCl 4N có thêm FeCl3. Sau đó đem lắc dịch thủy phân với benzen rồi thêm ammoniac loãng, lớp kiềm sẽ có màu đỏ tím.
– Phản ứng với natri borat (phản ứng Schouteten): 0,50g lô hội hòa trong 100ml nước nóng, làm lạnh dưới vòi nước, lắc với 3-4g bột talc rồi lọc (dung dịch a). Lấy 10ml dịch lọc thêm 0,20g natri borat và đun đến tan. Lấy một ít dung dịch này cho vào ống nghiệm rồi pha loãng gấp nhiều lần bằng nước sẽ thấy có huỳnh quang xanh. Nếu soi dưới ánh đèn tử ngoại thì càng rõ. Đây là phản ứng rất nhạy, đặc trưng cho các dẫn chất anthranoid ở dạng khử.
– Các phản ứng để phân biệt lô hội xứ và lô hội Barbade:
Phản ứng Klunge: Lấy 10ml dung dịch lô hội 1p1000 trong nước, thêm 1ml dung dịch đồng sulfat 5%. Thêm 1g natri chlorid và 10ml cồn ethylic sẽ thấy màu đỏ kém bền chuyển sang vàng nếu là lô hội xứ , màu đỏ mận bền nếu là lô hội Barbade.
Dược điển Pháp (1972) thực hiện phản ứng phân biệt 2 loại lô hội một cách đơn giản hơn bằng cách thêm vào 10ml dung dịch a 1ml dung dịch acid periodic 1%, chỉ có lô hội Barbade có màu đỏ bền trong nhiều giờ còn lô hội xứ thì màu hồng và mất sau 1 giờ. Dung dịch periodat này cũng có thể dùng để phun trên bản sắc ký để phân biệt lô hội Barbade với các lô hội khác.
Sắc ký : Hòa 1g lô hội trong 10ml methanol lắc và đun nhẹ. Dùng dung dịch này để chấm sắc ký.
Trên sắc ký giấy theo chiều đi lên và thực hiện với hệ butanol – acid acetic – nước (4 :1 :5) thì aloin có vết màu vàng, Rf khoảng 0,70, dưới ánh đèn tử ngoại vết có màu đỏ gạch và sau khi phun dung dịch natri borat trong nước sẽ trở thành huỳnh quang vàng xanh. Nếu hiện màu bằng phun dung dịch cồn KOH thấy vết của aloe emodin có Rf khoảng 0,90. Chất nhựa cho 1 vết chính khoảng 0,85 có màu vàng nhạt ở ánh sáng thường và huỳnh quang xanh ở dưới ánh đèn tử ngoại. Sắc ký lớp mỏng dùng chất hấp phụ là silicagel G. Khai triển với hệ dung môi ethylacetat – methanol – nước (100 :16,5 :13,5). Sau khi khai triển, để khô ở 20° rồi phun dung dịch KOH 10% trong cồn, vết aloin có màu vàng với Rf 0,45 – 0,52. Soi dưới ánh đèn tử ngoại vết đó có huỳnh quang vàng.
Đánh giá chất lượng lô hội : Nếu lô hội tốt sẽ hòa tan gần như hoàn toàn trong dung dịch ammoniac loãng (ammoniac dược dụng pha loãng với 9 thể tích nước) hoặc trong cồn 60°.
Định lượng Barbaloin.
1. Tách bằng sắc ký trên giấy và định lượng bằng quang phổ kế hoặc đo trực tiếp vết trên sắc phổ bằng mật độ kế. Người ta tiến hành sắc ký giấy dung dịch lô hội (hòa tan trong cồn 60°) và đồng thời dung dịch barbaloin tinh khiết với lượng tăng dần. Sau khi khai triển, làm khô, xác định vị trí của các vết barbaloin bằng đèn tử ngoại, cắt phần có barbaloin và đẩy ra bằng cồn 60°. Mật độ quang của các dung dịch được đo bằng quang phổ kế ở 390nm. Có thể đánh giá so sánh mật độ quang vết barbaloin của mẫu kiểm nghiệm với các vết barbaloin chuẩn bằng mật độ kế.
2. Chuyển barbaloin thành aloe emodin và định lượng bằng phương pháp so màu: lô hội được thủy phân kèm theo oxy hóa bằng HCl 4N có mặt 4% Sắt III chlorid, barbaloin chuyển thành aloe – emodin. Dung dịch sau khi thủy phân được chiết bằng tetrachlorid carbon rồi lớp dung môi hữu cơ này lại được chiết lại bằng dung dịch NaOH N, sau đó đo màu ở bước sóng 500nm.
Tác dụng và công dụng
Nhựa lô hội với liều nhỏ: 0,02 – 0,06g là thuốc bổ giúp tiêu hóa vì kích thích nhẹ niêm mạc ruột, tác dụng thông mật. Liều trung bình: 0,10g có tác dụng nhuận. Liều 0,20 – 0,50g có tác dụng tẩy xổ. Vì tác dụng chậm nên dùng sau bữa ăn chiều để có tác dụng vào sớm hôm sau. Có tác dụng phụ: gây sung huyết ở ruột già và co bóp tử cung nên người bị trĩ và phụ nữ có thai thì không được dùng. Liều cao có thể gây nguy hiểm.
Ở Liên xô cũ có dùng nước ép lá lô hội để rửa vết thương có mủ, một số bệnh ngoài da. Dịch ép lá phối hợp với dầu thầu dầu và tinh dầu bạch đàn làm thành nhủ dịch để bôi ngoài da khi da bị tổn thương như bỏng do bức xạ. Ở Liên xô cũ còn dùng lá non để ở tối và lạnh để chế philatốp. Dịch lá tươi lô hội có tính kháng khuẩn lao invitro.
Trong mỹ phẩm cao lá lô hội, do tính chất giữ ẩm nên được dùng làm kem chống nắng, kem phấn bôi mặt, thuốc mỡ làm lành sẹo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
* Chú thích. Tên lô hội do chữ lô = đen, hội = tụ, có nghĩa là nhựa có màu đen đóng thành bánh.