CAM CHUA
Tên khác: Cam đắng
Tên khoa học: Citrus aurantium L.; thuộc họ Cam (Rutaceae).
Mô tả: Cây gỗ cao 4-5m hay hơn, phân nhánh nhiều, cành có gai dài và nhọn. Lá hình trái xoan nhọn, nguyên, hơi dai, bóng, phiến dài 5-10cm, rộng 2,5-5cm, có đốt trên cuống, nở thành một cánh rộng hay hẹp tuỳ thứ. Hoa màu trắng họp thành xim nhỏ ở nách lá. Quả hình cầu kích thước trung bình có đường kính 6-8cm, khi chín màu da cam, mặt ngoài sù sì. Ở var. amara Engl. hay Cam đắng, cuống lá có cánh rộng, quả màu da cam hay đỏ da cam, có trung tâm rỗng, vỏ dính, nạc chua.
Bộ phận dùng: ở Trung Quốc, người ta dùng quả chưa chín của loài Citrus aurantium L., mà họ gọi là Toan chanh làm thuốc gọi là Chỉ thực, và quả của thứ Cam đắng (Fructus Citri Aurantii Amarae), mà họ gọi là Đại đại hoa Chỉ xác. Bởi lẽ hiện nay, người ta dùng tên Citrus aurantium L. nói chung để chỉ Cam đắng, nên trong Dược điển Trung Quốc người ta ghi Chỉ thực là Fructus Aurantii lmmaturus và Chỉ xác là Fructus Aurantii. Người ta còn dùng cả hoa, lá và vỏ quả.
Phân bố sinh thái: Loài cây của châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam), mọc tự nhiên và cũng được trồng. Để có Chỉ thực, người ta hái quả lúc còn non, hoặc nhặt những quả đã rụng xuống dưới gốc cây, đen phơi hay sấy khô trong nắng vừa. Muốn có Chỉ xác, người ta hái quả vào lúc gần chín, còn xanh, đem bổ đôi rồi phơi hay sấy khô. Hoa lá và chồi non thường được hái dùng tươi.
Thành phần hóa học: Trong Chỉ thực có hesperidin, neohesperidin, nobiletin, auranetin, aurantiamarin, nuringin, synephrine, limonin. Trong Chỉ xác có linalyl acetat, nerolyl acetat, geranyl acetat, hesperidin và neohesperidin. Ở Pháp, người ta cho biết thành phần chính trong lá là hesperidin, trong hoa là tinh dầu và trong quả có các acid hữu cơ, các vitamin.
Tính vị, tác dụng: Chỉ thực có vị the đắng, mùi thơm, tính hơi hàn, có tác dụng tiêu tích, hạ khí, trừ đờm, tiêu thực (sao giòn) cầm máu (sao tồn tính). Chỉ xác có vị the đắng, mùi thơm, tính hơi hàn, có tác dụng thông khí trệ, thông trường vị, trừ đờm, tiêu thực. Lá, hoa, vỏ quả có tính chất an thần, chống co thắt, gây ngủ nhẹ, lợi tiêu hoá, trừ giun, hạ nhiệt, giảm biên độ co bóp tim. Người ta nhận thấy vỏ cam đắng có tác dụng đối với sự tăng độ acid dịch vị.
Công dụng: Ở Pháp, người ta dùng chữa trạng thái thần kinh dễ kích thích, đánh trống ngực, nuối hơi, bệnh thần kinh, mất ngủ, trằn trọc ban đêm, động kinh, đau nửa đầu, ho do thần kinh. Vỏ cam được dùng làm thuốc bổ dạ dày và giúp ăn ngon miệng; cũng dùng chữa ho. Nói chung, người ta sử dụng lá làm thuốc giảm đau, dễ tiêu hoá, tinh dầu của vỏ dùng trong hương liệu; hoa được dùng cất nước hoa và dùng chữa bệnh co thắt và làm thơm thuốc; vỏ dùng làm thuốc bổ đắng, dễ tiêu và thơm dùng chế nước hoa. Chỉ xác, Chỉ thực được dùng làm thuốc giúp tiêu hoá, ăn uống không tiêu, đầy hơi tích trễ, chữa ho, trừ đờm, làm thuốc đổ mồ hôi, lợi tiểu tiện.
Cách dùng: Hãm hoa; cho một thìa xúp hoa vào một tách nước sôi
để trong 10 phút. Hãm lá; cho 10-20g lá vào 1 lít nước sôi hoặc 3-4 lá vào một tách nước sôi, hãm trong 15 phút. Vỏ quả dùng với liều 45g sắc uống. Việt nam thường dùng Chỉ xác, Chỉ thực với liều 6-12g, dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc: Chữa táo bón: Dùng Chỉ thực 20g, Bồ kết 20g, hai vị tán khô, làm thành viên bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Ghi chú: Ở Việt Nam, quả của nhiều loài Citrus được dùng làm Chỉ xác và Chỉ thực, ví dụ như quả Bưởi non chẻ đôi phơi khô làm Chỉ xác. Còn ở Trung Quốc, người ta cũng dùng quả non của cây Cam hay Cam chanh làm vị thuốc Chỉ thực.