VÀNG ĐẮNG
Tên khoa học của cây vàng đắng: Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr. (= C. usitatum Pierre), Họ tiết dê –  Menispermaceae.
Cây vàng đắng còn được gọi là cây mỏ vàng, hoàng đằng lá trắng, Loong tơ rơn (tiếng Bana).
Đặc điểm thực vật:
Cây vàng đắng là một loại dây leo to, có phân nhánh, leo lên những cây gỗ cao. Thân hình trụ, dài tới 10-15m, đường kính 1,5 – 10cm. Thân to, màu vàng, thân già màu ngà, xù xì, có đoạn có chỗ u phình to tròn và mắt (vết tích cuống lá). Vỏ thân nứt nẻ, màu xám trắng. Cành non, mặt dưới lá, cụm hoa và quả có phủ một lông mền màu trắng bạc. Lá đơn, nguyên, mọc so le, có cuống, hình tim, đầu lá thuôn nhọn, gân lá hình chân vịt, mặt trên lá màu xanh lục. Phiến dài 12-25cm, rộng 5-16cm, gân gốc 5; cuống lá dài 4-14cm, phình và cong ở gốc, hơi đính vào trong phiến lá. Hoa: cụm hoa là chùm xim trên thân già, dài 2-4cm; hoa nhỏ, đơn tính, bao hoa có 6 phiến, hoa đực có 6 nhị; hoa cái có nhị lép, bầu có 3 lá noãn, có lông. Quả: quả hạch hình cầu, đường kính 2-2,5cm. Mùa hoa, quả: tháng 1-5.
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang phổ biến ở vùng núi miền Đông Nam Bộ, nam Trung bộ, Tây Nguyên, còn thấy mọc nhiều ở trung và hạ Lào, Campuchia.
Thu hái gần như quanh năm. Hái về thái mỏng phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì khác.
Bộ phận dùng:
Thân và rễ cây (Caulis et Radix Coscinii)
+ Đoạn thân: hình trụ, dài từ 1,5 – 6 cm, dài ngắn không nhất định, mặt ngoài màu vàng,  có vết bạc loang lổ, có đoạn có bướu phình to tròn, có vết lõm tròn do vết tích của cành non và cuống lá, có vết khía và nứt dọc nhỏ, đôi chỗ bong mất lớp bần.
+ Đoạn rễ: hình trụ, màu vàng xẫm, không có bướu.
Mặt cắt ngang có lớp vỏ màu nâu nhạt, phần gỗ màu vàng có tia tủy hình nan hoa bánh xe, lỗ chỗ có nhiều chấm nhỏ (mạch lỗ), Không mùi, vị đắng
Vi phẫu thân: Lớp bần dày gồm nhiều hang tế bào hình chữ nhật, dẹt. Mô mềm vỏ, chiều dày khoảng 1/7 đường kính thân; chứa các tế bào mô cứng nằm rải rác và các đám sợi đứng trước libe (ngăn cách bởi vòng mô cứng), màng tế bào sợi dày màu vàng tươi. Vòng mô cứng ngoài bao quanh đầu các bó libe gỗ thành vòng liên tục, trong tế bào mô cứng có tinh thể hình lăng trụ. Libe gỗ cấp 2: xếp riêng lẽ thành từng bó, libe phía ngoài, gỗ phía trong, mạch gỗ to. Mô mềm gỗ: có màng tế bào dày. Tia tủy hẹp. Mô cứng trong: tạo thành vòng liên tục bao quanh tủy. Rải rác trong tủy có các tế bào mô cứng
Vi phẫu rễ: Thành phần các mô và sắp xếp thứ tự giống vi phẫu thân. Chỉ khác một số chi tiết sau: vòng mô cứng ngoài ở xa các bó libe gỗ. Đuôi các bó libe gỗ dính liền nhau từng nhóm 2 bó. Tia tủy rất rộng, có những ngấn đồng tâm, ở đó các tế bào bị hẹp lại.
Bột dược liệu: Màu vàng, không mùi, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: nhiều tế bào mô cứng màu vàng, thành dày có vân và có ống trao đổi rõ, lòng tế bào hẹp màu vàng cam; mảnh mạch điểm; hạt tinh bột hình tròn, rất ít hình chuông, đường kính 8 – 14μm. Tinh thể hình lăng trụ. Mảnh bần. Sợi hình thoi đứng riêng lẽ hoặc thành từng bó.
Thành phần hóa học:
Trong thân vàng đắng chứa chủ yếu là berberin (1,5 – 3,5%), ngoài ra có ít palmatin, jatrorizin.
Kiểm nghiệm
Có thể dùng phương pháp kiểm nghiệm berberin trong hoàng liên.
Ngoài ra có thể dùng phương pháp sắc ký lớp mỏng để định tính alcaloid trong vàng đắng. Dùng chất hấp phụ là silicagen G, hệ dung môi khai triển: n-butanol : acid acetic : H2O [70 : 10 : 20] phun hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff. Dịch chiết dược liệu phải có vết có Rf và màu giống với vết chấm dung dịch berberin chuẩn.
Công dụng và liều dùng
Nhân dân thường dùng thân và rễ cây làm thuốc hạ nhiệt, chữa sốt rét, chữa lỵ, đau mắt, dùng dạng thuốc bột hay thuốc viên, ngày uống 4 – 6g.
Dùng làm nguồn nguyên liệu chiết xuất berberin. Berberin hydroclorid dùng chữa ỉa chảy, lỵ trực khuẩn, viêm ruột, vàng da, hạ sốt, sốt rét, kém tiêu hóa, đau mắt. ngày uống 0,02 – 0,2g dưới dạng thuốc viên. Người ta còn dùng chữa bệnh về gan, mật, vàng da, ăn uống khó tiêu; hoặc pha dung dịch 0,5-1% dùng để nhỏ măt, chữa đau mắt hay để rửa mắt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng