Người mắc bệnh tiết niệu có thể biểu hiện bằng những triệu chứng cơ năng và thực thể. Phát hiện các triệu chứng thực thể đòi hỏi kỹ năng và do bác sỹ đảm nhiệm, được trình bày trong các bài cụ thể. Bài này chỉ trình bày những triệu chứng cơ năng và những bất thường về nước tiểu thường gặp trong bệnh lý tiết niệu.

TRIỆU CHỨNG CƠ NĂNG GẶP TRONG BỆNH THẬN TIẾT NIỆU

Đau bụng thận

  • Đau đột ngột ở vùng hố thận, đau từng cơn, đau lan xuống phía dưới.
  • Kèm theo có thể sốt nhẹ, nôn, bụng trướng.
  • Nguyên nhân do sỏi thận, niệu quản là chính.

Tiểu rắt

  • Tiểu rắt là tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, mỗi lần đi tiểu lượng nước tiểu rất ít.
  • Nguyên nhân:

+ Viêm bàng quang do sỏi, vi khuẩn.

+ Viêm tuyến tiền liệt ở nam giới.

Tiểu buốt

  • Tiểu buốt là cảm giác đau tức ở niệu đạo mỗi khi đi tiểu.
  • Nguyên nhân:

+ Viêm niệu đạo, viêm bàng quang.

+ Sỏi bàng quang, niệu đạo.

+ Viêm hoặc u tuyến tiền liệt.

Tiểu ra máu

  • Đi tiểu ra máu là hiện tượng trong nước tiểu có hồng cầu.
  • Nguyên nhân :

+ Niệu đạo: chấn thương niệu đạo ở tư thế ngồi.

+ Bàng quang: viêm, sỏi, ung thư bàng quang.

+ Thận: sỏi, lao, ung thư thận, thận đa nang.

+ Các bệnh về máu: suy tuỷ, bạch cầu cấp tính.

Tiểu ra mủ

  • Tiểu ra mủ là hiện tượng có mủ (bạch cầu đa nhân thoái hoá) trong nước tiểu.
  • Nguyên nhân:

+ Viêm niệu đạo bàng quang.

+ Viêm mủ đài bể thận.

Bí tiểu

  • Bí tiểu là hiện tượng bệnh nhân mót tiểu nhưng không đi tiểu được, nước tiểu có nhiều ở bàng quang không tống ra ngoài được.
  • Nguyên nhân:

+ Hẹp niệu đạo do dị dạng.

+ Sỏi bàng quang, niệu đạo.

+ Viêm hoặc ung thư tuyến tiền liệt ở nam, u dạ con ở nữ.

+ Chấn thương cột sống, lao cột sống, viêm não, viêm u tuỷ.

Vô niệu

  • Vô niệu là hiện tượng sau 1 ngày hoặc vài ngày bệnh nhân không đi tiểu được, đặt ống thông bàng quang không có nước tiểu hoặc có nước tiểu rất ít khoảng dưới 100 ml/24h.
  • Nguyên nhân:

+ Sỏi thận làm tắc niệu quản.

+ Viêm ống thận cấp do ngộ độc, truyền nhầm nhóm máu.

+ Suy thận cấp, suy thận mạn.

+ Truỵ tim mạch, suy tim nặng.

NHỮNG BẤT THƯỜNG VỀ NƯỚC TIỂU

Khối lượng nước tiểu

  • Bình thường: người trưởng thành đi tiểu một ngày từ 1,1 đến 1,8 lít, nam đi tiểu nhiều hơn nữ.
  • Bất thường:

+ Tiểu ít gặp trong: suy thận, suy tim, xơ gan, mất nước, ra nhiều mồ hôi, huyết áp hạ, ăn uống ít nước.

+ Tiểu nhiều gặp trong: đái tháo đường, đái tháo nhạt, tăng huyết áp, uống nhiều nước, dùng các chất lợi tiểu (như rau cải, râu ngô, trà, cà phê), thời kỳ hồi phục sau một số bệnh (như viêm phổi, viêm gan do virut, thương hàn).

Màu sắc

  • Bình thường nước tiểu trong không màu hoặc vàng nhạt.
  • Màu nước tiểu thay đổi nhiều phụ thuộc vào sinh lý hoặc bệnh lý.

+ Sinh lý:

o Màu nâu sẫm gặp trong: cơ thể mệt nhọc, sốt nhiễm khuẩn, ăn uống thái quá… o Màu vàng gặp trong: dùng một số thuốc như quinin, axit picric, antonin. o Nước tiểu màu đục màu phosphat gặp trong ăn nhiều thịt.

+ Bệnh lý:

o Màu đỏ trong tiểu ra máu. o Màu nâu trong tiểu ra hemoglobin, pocphyrin. o Đục trong tiểu ra phosphat, urat, mủ, dưỡng chấp.

Độ pH

  • Bình thường pH nước tiểu có tính axit nhẹ pH = 5,8 – 6,2.
  • pH kiềm: trong ăn nhiều rau, dùng thuốc kiềm.
  • pH axit: trong suy thận, nôn nhiều, mất nước.

Tỷ trọng

  • Bình thường: 1,018 – 1,020.
  • Giảm trong suy thận, đái tháo nhạt.
  • Tăng trong ăn nhiều protid, ăn nhiều rau, tiểu đường.

Phân tích sinh hoá nước tiểu

  • Protein, đường, dưỡng chấp hemoglobin, muối mật, sắc tố mật bình thường không có hoặc có không đáng kể trong nước tiểu. Khi có những chất này trong nước tiểu chứng tỏ có tổn thương bệnh lý.
  • Một số chất bình thường có trong nước tiểu với một giới hạn nhất định, ngoài giới hạn đó là bệnh lý. Gồm:

+ Urê:

o Bình thường 20 – 30gam/1 lít nước tiểu.

o Giảm trong suy thận.

o Tăng trong ăn nhiều thịt, một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.

+ Axit uric:

o Bình thường 0,5gam/1 lít nước tiểu.

o Tăng trong bệnh gút (gout).

Tế bào và các thành phần hữu hình qua kính hiển vi

  • Hồng cầu và bạch cầu: bình thường có rất ít, cứ 2-3 vi trường mới thấy 1-2 tế bào.
  • Thấy các tế bào biểu mô của bàng quang, niệu đạo nhưng thường không có dấu hiệu bệnh lý.
  • Trụ hình: có rất nhiều loại thường do bệnh lý tạo thành.

+ Trụ hình đơn: do protein, các hạt mỡ, các sợi huyết đọng lại tạo thành.

+ Trụ hình tế bào: là những trụ hình protein và một số tế bào tạo nên như trụ hình hạt, trụ hình hồng cầu, trụ hình bạch cầu. Có trụ hình chứng tỏ có tổn thương viêm của thận.

+ Thể chiết quang: là những giọt mỡ rất nhỏ đứng riêng lẻ hoặc thành đám phải soi bằng kính hiển vi nền đen mới thấy, thường gặp trong bệnh thận hư nhiễm mỡ.

+ Cặn kết tinh như phosphat, axit uric, oxalat…

  • Tuy nhiên để xác định các thành phần hữu hình kể trên một cách chính xác phải dùng phương pháp đếm cặn của Addis: sáng dậy yêu cầu người bệnh đi tiểu thật hết nước tiểu, nằm nghỉ trên giường, uống một cốc nước 200ml, 3 giờ sau cho đi tiểu hết vào một cốc thuỷ tinh có chia vạch, ghi lại khối lượng nước tiểu tiểu được trong 3 giờ (có giá trị khi lượng nước tiểu thu được trên 80ml) rồi tính khối lượng cho 1 phút. Lấy 10ml nước tiểu quay ly tâm hút bỏ 9ml phía trên, để lại 1ml cặn phía dưới lắc đều cho vào buồng đếm như đếm tế bào máu. Kết quả đếm được phải chia cho 10 rồi nhân với thể tích nước tiểu trong 1 phút để tính số lượng hồng cầu, bạch cầu, trụ hình trong một phút.

+ Bình thường: mỗi phút đi tiểu ra 1000 hồng cầu, 2000 bạch cầu.

+ Bệnh lý:

o 2000 – 3000 hồng cầu, bạch cầu, 20 – 30 trụ hạt chắc chắn có viêm thận nhưng ở giai đoạn ổn định. Nếu nhiều hơn là viêm thận đang tiến triển.

o Trên 100.000 hồng cầu và bạch cầu: nghi sỏi thận hoặc ung thư. o Tăng nhiều bạch cầu (200.000) tăng ít hồng cầu (5000); viêm bể thận hoặc bàng quang.

Vi khuẩn, ký sinh vật

  • Phải lấy nước tiểu vô khuẩn và bằng ống thông sau đó đem cấy ngay, có thể quay ly tâm soi tươi.
  • Các loại vi sinh vật thường tìm là: tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, trực khuẩn coli, trực khuẩn lao…
0/50 ratings
Bình luận đóng