Thông thường, sau khi sinh đôi, thì điều đầu tiên các bậc cha mẹ nói tới là : làm thế nào để đủ nuôi các con đây ? Có lẽ cần phải tìm việc làm thêm vì trước mắt, khối lượng công việc săn sóc các cháu trong gia đình cái gì cũng đều gấp đôi cả.
Tuy vậy, sau khi giải quyết được những khó khăn về đời sống, bà mẹ lại thấy lòng mình tràn ngập tình yêu thương vì trên tay có những 2 đứa trẻ thay vì một đứa.
Riêng đối với các nhà tâm lý học thì điều đáng quan tâm hơn cả là : sự liên quan giữa những đứa trẻ song sinh.
Có một điều nổi bật là bao giờ những đứa trẻ song sinh cũng sinh hoạt có đôi từ nhỏ : lúc ăn, lúc tắm, đi chơi, đi ngủ, cùng nhau bập bẹ nói được câu đầu tiên, cùng chơi đồ chơi… Lúc nào cũng có một người làm, một người dự. Nhiều trẻ cảm thấy 2 người như một, nên mẹ gọi một đứa, cả hai đều thưa. Khi đã lớn, một số lại tự đặt tên chung để dùng chung và khi nói, mỗi người thích xưng là “chúng con” hơn là “con”; “chúng tôi” hơn là “tôi”, “chúng mình” hơn là “mình”.
Trẻ bình thường nhận ra mình trong gương lúc 2 tuổi. Trẻ song sinh, thì chậm hơn. Nhìn vào tấm hình chụp, chính chúng cũng khó nhận được ai là mình.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các trẻ song sinh dễ thông cảm với nhau. Hình như chúng có một khả năng gì đặc biệt để thông tin với nhau mà người khác không hề biết. Chúng ít để ý tới những người chung quanh hơn các trẻ thường, ít cố gắng để làm cho mọi người hiểu mình và mình hiểu mọi người, do đó, chậm biết nói hơn và trí óc cũng phát triển chậm hơn, nếu không được bố mẹ chú ý đặc biệt.
Các trẻ song sinh rất có tổ chức. Chúng thường chia nhau công việc để phù hợp với khả năng của từng người. Trong 2 trẻ sinh đôi thường có 1 trẻ khỏe hơn trong khi đứa thứ 2 lại khéo hơn. Trong nhà một cháu đứng ra quan hệ với mọi người, còn cháu kia lo dọn dẹp chỗ ăn, chỗ ngủ, cứ như một người chuyên ngoại giao còn một người chuyên nội chính vậy. Nếu 2 trẻ sinh đôi, có một là trai, một là gái thì khi lớn, cháu gái thường là người cầm đầu, quyết định mọi việc. Tình cảm, anh em hay chị em giữa hai trẻ song sinh thường rất thắm thiết. Khi một người bị phạt, thường người kia cũng tự nguyện gánh chung.
Lúc nào cũng có một người cùng chơi, cùng tâm sự, cùng hiểu nhau nên trẻ sinh đôi thường tự thỏa mãn về tình cảm, ít quan tâm đến mọi người chung quanh, trở thành nhút nhát lạnh nhạt với xã hội, với gia đình và nhiều khi với cả bố mẹ.
Tuy gắn bó với nhau như vậy, nhưng tới tuổi trưởng thành cũng có một số đôi, nhất là đôi nữ, muốn mọi người không nhầm lẫn người này với người kia. Nếu không được cha mẹ chuẩn bị từ trước, việc sống tách biệt nhau gặp nhiều khó khăn về tình cảm. Bởi vậy, người ta nhận thấy bên cạnh 100 người bình thường sống độc thân thì có khoảng 160 người sinh đôi cũng không có vợ chồng, sống “độc thân với nhau” nam – nam hoặc nữ – nữ.
Để các trẻ sinh đôi khi lớn lên, có cuộc sống như mọi người bình thường, các bậc bố mẹ phải chuẩn bị cho sự sống tách biệt của chúng như :
- Khi đặt tên, nên chọn những tên khác hẳn nhau. Tránh để mọi người không nhắc tới các từ “sinh đôi”.
- Không nên cho các con mặc giống nhau, nhất là các trẻ sinh đôi cùng trai hay cùng gái.
- Chú ý cho chúng nằm giường khác nhau. Thỉnh thoảng cho mỗi đứa ở một phòng riêng – nếu có điều kiện.
- Khi trẻ biết chơi, cho mỗi trẻ một thứ đồ chơi khác nhau, có chỗ cất đồ chơi riêng.
- Bắt đầu từ 3 tuổi, chú ý tách các trẻ ra, tránh không để sinh hoạt chung. Nếu bố mà đi công tác xa nên gửi mỗi trẻ một nơi. Thí dụ : một con gửi ông bà, một con gửi cô.
- Từ nhỏ, khi tiếp xúc với con, nên tiếp xúc từng đứa một để đứa trẻ nào cũng có điều kiện bày tỏ ý kiến riêng của mình.
- Không nên chia : bố trông một đứa, mẹ một đứa. Các trẻ phải được tiếp xúc với cả bố lẫn mẹ.
- Không nên cùng một lúc khen cả 2 con, phạt cả 2, cho cả 2 ăn bánh… Nên đối xử riêng biệt với từng con : có thể khen đứa này và cùng lúc chê đứa kia.
Nói chung, phần lớn các trẻ sinh đôi đều có nhiều điểm giống nhau về mặt sinh lý. Chúng ta nên giúp cho chúng có những nét riêng về tâm lý như về tính tình, sở thích, nếp sinh hoạt, giúp chúng sống tách riêng ra, để dễ hòa nhập với xã hội chung quanh.