Mục lục
TỎI
Tên khác: Tỏi ta, đại toán, sluôn (Tày),
hom kía (Thái).
Tên khoa học: Allium sativum L.
Họ Hành (Alliaceae).
MÔ TẢ
Cây thảo nhỏ, có thân hành gồm nhiều hành con gọi là ánh xếp quanh một lõi mảnh. Lá mỏng, hẹp, có bẹ to, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành đầu, bao bọc bởi một lá mo có mũi nhọn dài, hoa màu trắng hay hơi hồng, bao hoa có 6 phiến xếp thành hai hàng, nhị 6, bầu gần hình cầu.
Quả nang.
Mùa hoa quả: tháng 8-11.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Tỏi có nguồn gốc ở Trung Á. Sau được trồng rộng rãi khắp thế giới.
Ở Việt Nam, tỏi cũng là cây trồng ở nhiều địa phương.
Có hai giống khác nhau: giống củ nhỏ ở miền Bắc và giống củ to ở miền Nam.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Thân hành (thường gọi là giò), thu hoạch vào cuối mùa đông, lúc cây đã tàn lụi. Nhổ cả cây đem về phơi khô, rồi cắt lấy phận làm dược liệu.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Tỏi chứa tinh dầu trong đó có chất allyl propyl disulfid, diallyl disulfid. Ngoài ra, còn có alliin, allicin, protein, chất béo, các muối vô cơ, vitamin c, hợp chất polysaccharid, các saponin steroid…
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Tỏi có tính kháng khuẩn và kháng nấm cao. Các dạng cao nước, cao cồn, dịch ép, tinh dầu đều có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn.
Nước cất tỏi trị được giun đũa, giun móc, amip lỵ.
Ngoài ra, tỏi tươi và dịch ép còn có khả năng làm giảm cholesterol và hạ huyết áp.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Từ xa xưa, tỏi đã là một gia vị quan trọng trong chế biến thực phẩm và vị thuốc có giá trị chữa bệnh cao. Dược liệu có vị cay, mùi hôi, tính ấm, có tác dụng giảm đau, tiêu thực, sát khuẩn, giải độc, tiêu đờm, trừ giun.
Chữa cảm cúm, đau đầu: Một vài nhánh tỏi đập giập nấu với nhiều loại lá thơm như sả, lá bưởi, cúc tần, bạc hà… đến sôi, rồi xông cho ra mồ hôi.
Chữa sốt rét: Tỏi (6 – 7 củ) nửa để sống, nửa nướng chín, giã nát, trộn đều, thêm nước, gạn uống hết trong ngày.
Chữa ho lâu ngày, khó thở: Tỏi (2 – 3 củ), bóc vỏ, giã nát, đắp vào lòng bàn chân, băng lại trước khi đi ngủ. Hôm sau, tháo bỏ, rửa chân. Tiếp tục đắp thêm 2 – 3 tối.
Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Tỏi (15 – 20g), đốt cháy tồn tính, tán nhỏ, uống với nước chè làm hai lần trong ngày.
Chữa viêm đại tràng: Tỏi (10g) giã nhỏ hòa vào 200ml nước sôi để nguội. Lọc lấy nước trong rồi thụt. Ngày làm 1 – 2 lần. Cách làm này còn trị giun kim và kiết lỵ.
Dung dịch nước tỏi 5% được dùng nhỏ mũi hàng ngày để phòng chống cúm. Giã nát tỏi, trộn với dầu vừng, bôi chữa đơn sưng, mụn lở. Để chữa đau nhức răng, đặt một nhánh tỏi lên chỗ răng đau, cắn nhẹ cho nát, để yên khoảng 1 giờ. Có tài liệu nêu: Ăn tỏi thường xuyên có thể phòng được các bệnh về tim mạch và hạn chế các loại ung thư như ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng, ung thư vú.
Đặc biệt gần đây, rượu tỏi là cứu cánh cho nhiều người bị bệnh cao huyết áp. Cách pha chế rượu tỏi: Tỏi ta (100g) bóc vỏ, giã nát, ngâm trong 200ml rượu 45° trong 7-10 ngày. Sau đó, gạn lọc lấy nước cốt để trong tủ lạnh dùng dần. Cách dùng: Uống theo giọt, ngày 3 lần, mỗi lần 5-10 giọt, có thể hơn. Một đợt điều trị thông thường là 14 – 18 ngày, nghỉ 3 – 5 ngày, sau lại tiếp tục nếu cần thiết. Có thể thay rượu bằng giấm làm giấm tỏi mà dùng.
BÀI THUỐC
- Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Tỏi (20g), rau sam (40g), rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, lọc, thêm đường, uống làm một lần trong ngày.
- Chữa bong gân: Tỏi (1 củ), lá và hoa vòi voi (30g), muối ăn (10g). Tất cả giã nát, đắp, băng lại.