Tần số trẻ tự tử đang tăng ở một số nước. Hành vi tự tử thường xảy ra ở trẻ tuổi thành niên trên 10 tuổi. Các trường hợp tai nạn hoặc uống chất độc một cách bất thường, không lý giải được, nhất là ở trẻ bị trầm cảm, phải đặt câu hỏi có phải là hành vi tự tử không. Bảo vệ an toàn cho trẻ có ý đồ, có hành vi tự tử là biện pháp quan trọng trong việc xử trí, chăm sóc trẻ tự tử.

ĐÁNH GIÁ, XỬ TRÍ BAN ĐẦU

Ngay khi tiếp cận trẻ có hành vi tự tử:

  • Đánh giá ngay các chức năng sống theo các bước ABCD, can thiệp kịp thời chức năng sống về hô hấp, tuần hoàn.
  • Đánh giá các thương tích hay tình trạng ngộ độc để xử trí thích hợp. Các tình trạng tự tử có thể gặp:
  • Uống thuốc quá liều (Valium), thuốc trừ sâu, ngộ độc carbon monoxyt, ăn thực vật độc.
  • Cắt khuỷu tay, cắt mạch máu ở nông.
  • Nhảy từ trên cao xuống.
  • Treo cổ.
  • Tự chạy đâm vào tàu, xe.
  • Sử dụng vũ khí.
  • Với trẻ đã chết thực sự, phải báo cáo cơ quan chức năng liên quan đến luật pháp.

ĐÁNH GIÁ, XỬ TRÍ TIẾP THEO

Đánh giá chẩn đoán tiếp theo

Có thể phân ra hai loại hành vi tự tử: có ý định tự tử bằng hành vi hủy hoại mình để kết thúc cuộc sống; và có hành động tự tử bằng hành vi hủy hoại mình nhưng có thể không gây chết một cách có ý thức hay không có ý thức, mục đích để được quan tâm hơn là kết thúc cuộc sống. Do đó mục đích của việc đánh giá chẩn đoán tiếp theo là phát hiện được các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử để dự phòng, bảo vệ an toàn cho bệnh nhân, không để trẻ tự tử lại; ngoài mục đích đánh giá chi tiết tình trạng bệnh nhân để xử trí tiếp. Nội dung đánh giá như sau:

  • Đánh giá lại chi tiết tình trạng bệnh nhân để xử trí đầy đủ hơn. Tùy theo biện pháp tự tử để đánh giá chấn thương, hậu quả xảy ra do ngộ độc.
  • Đánh giá cẩn thận hành vi tự tử:

+ Ý đồ tự tử không để ai biết, hoặc có để người khác biết để có thể phát hiện được trước khi chết.

+ Trẻ có để lại ghi chép gì giải thích nguyên nhân dẫn đến tự tử.

+ Có biểu hiện gì bất thường trong 48 – 72 giờ trước khi tự tử.

+ Trẻ có bị trầm cảm, tâm thần phân lập, dùng thuốc không?

+ Trẻ có ý định tự tử lại không?

  • Đánh giá các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử:

+ Phát hiện những hành động thiếu suy nghĩ, những mất mát, hoặc mâu thuẫn với bố mẹ, có thể dẫn đến hành vi tự tử.

+ Trẻ gái tự tử phổ biến hơn trẻ trai, nhưng ở trẻ trai thì hành vi tự tử mạnh mẽ hơn.

+ Trẻ có bệnh mạn tính, bị trầm cảm, tâm thần phân lập, mắc bệnh nan y.

+ Trẻ bị thất tình.

+ Trẻ có một số tính cách sau là các nguy cơ: thất vọng, thù nghịch, căm ghét, hấp tấp, bốc đồng, quá cầu toàn, kỹ năng giao tiếp xã hội yếu.

+ Bệnh nhân có tiền sử gia đình hoặc bản thân có hành vi tự tử.

+ Nghiện rượu, nghiện ma túy.

xử trí tiếp theo

  • Xử trí tiếp theo các chấn thương, hậu quả ngộ độc do hành vi tự tử gây ra.
  • Sau khi khắc phục, xử trí các hậu quả của hành vi tự tử, vấn đề đặt ra là giữ bệnh nhân tiếp tục tại bệnh viện, tách khỏi môi trường vừa tự tử hay cho về nhà. Phải bảo vệ để bệnh nhân không tự tử lại. Chỉ định giữ lại bệnh viện hay tách khỏi môi trường tự tử như sau:

+ Bệnh nhân còn ý định tự tử.

+ Còn nguy hiểm cho bệnh nhân và người khác.

+ Trầm cảm hay nhiễm độc nặng.

+ Gia đình không thể chăm sóc trẻ.

+ Điều trị ngoại trú l^hông kết quả.

+ Hành hạ về thể chất hay tình dục.

+ Không đảm bảo là không tự tử lại.

+ Đã có tiền sử tự tử.

+ Bệnh nhân cần yên tĩnh, cố định, điều trị thêm.

+ Điều kiện hỗ trợ, chăm sóc, an toàn cho người bệnh hạn chế khi xuất viện.

  • Nên có sự phối hợp, hỗ trợ của các nhà tâm thần học trong xử trí, chăm sóc bệnh nhân.
  • Điều trị các bệnh tâm thần.

+ Trầm cảm: thuốc chống trầm cảm, tâm thần trị liệu. Lưu ý liều độc của thuốc chống trầm cảm tricyclic rất thấp.

+ Tâm thần phân lập: thuốc an thần và nhập viện, uống thuốc độc: điều trị đặc hiệu, đánh giá nồng độ chất độc huyết thanh và trạng thái tâm thần tới khi trở về bình thường.

  • Hỗ trợ tâm lý gia đình bệnh nhân, loại bỏ tất cả nguồn có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân khi trở về nhà.
  • Cẩn thận khi cho xuất viện, nên có tư vấn của bác sĩ tâm thần, phải đảm bảo:

+ Gia đình có khả năng theo dõi người bệnh.

+ Loại bỏ vũ khí, dụng cụ có thể tự tử.

+ Bảo quản chặt chẽ: rượu, thuốc, hóa chất độc, chất cháy, đồ sắc, nhọn.

+ Làm thỏa thuận không tự tử với bệnh nhân.

+ Có kế hoạch điều trị bệnh tâm thần, chăm sóc sức khỏe tâm thần.

0/50 ratings
Bình luận đóng