Nguồn gốc các tiếng thổi tâm thu
- Tiếng thổi do tống máu: do máu chảy qua một lỗ bị thu hẹp (van động mạch chủ và van động mạch phổi). Các tiếng thổi này bắt đầu cùng với tiếng thứ nhất, kết thúc cùng với tiếng thứ hai, tăng lên rồi giảm, to nhất ở giữa thì tâm thu.
- Tiếng thổi do rò rỉ: do máu từ buồng tim có áp suất cao chảy sang buồng tim có áp suất thấp (từ tâm thất sang tâm nhĩ hoặc từ tâm thất trái sang tâm thất phải). Các tiếng thổi này bắt đầu cùng với tiếng thứ nhất, kết thúc cùng với tiếng thứ hai, thường giảm dần xuống.
Mô tả các tiếng thổi tâm thu
Ở Ổ VAN HAI LÁ (mỏm tim)
Tim bình thường: có tiếng thổi ở mỏm tim là chuyện bình thường gặp ở người không có bệnh tim nào. Tiếng thổi yếu và khu trú, đôi khi mạnh và lan trên một diện lân. Thậm chí có thể có rung miu kèm theo. Nếu lúc nghỉ ngơi không có thì có thể làm xuất hiện tiếng thổi sau khi gắng sức do tốc độ dòng máu tăng và tạo thành các dòng xoắn. Một số trường hợp như tim bị kích thích, ưu năng tuyến giáp, sốt, có thai, thiếu máu cũng làm tốc độ dòng máu tăng và thường có tiếng thổi tâm thu mặc dù tim không bị tổn thương.
Hở van hai lá: có tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim là dấu hiệu kinh điển của hở van hai lá. Van hai lá đóng lại không hoàn toàn có thể là do tổn thương ở chính van hai lá, cũng có thể do tổn thương vành van khi tâm thất trái bị giãn. Tiếng thổi giống như tiếng luồng hơi nước phun, kéo dài suốt thời kỳ tâm thu, lan ra nách trái. Các tiếng thổi cuối tâm thu xảy ra sau nửa đầu thì tâm thu cũng có thể là triệu chứng của hở hai lá, thường là kiểu đặc biệt và lành tính (được gọi là sa van hai lá). Trong trường hợp này, trước đó thường có tiếng clic ở giữa kỳ tâm thu. Chụp siêu âm tim là phương pháp hàng đầu để chẩn đoán căn nguyên tiếng thổi ở mỏm tim.
Tâm thất trái to: tâm thất trái giãn có thể gây ra tiếng thổi tâm thu, ngay cả khi van hai lá không bị hở mà vì làm vành van hai lá bị giãn ra. Huyết động học không bình thường ở tâm thất giãn gây ra các dòng xoắn và do đó tạo ra tiếng thổi tâm thu ở người huyết áp cao và người bị bệnh mạch vành.
Nếu nghe thấy tiếng thổi tâm thu ở mỏm, cần phải tìm hiểu xem có phải là tiếng thổi còn được nghe thấy rõ (to) nhất ở một ổ khác và lan xuống mỏm không. Đây có thể là tiếng thổi ở giữa tim do thông liên thất hoặc là tiếng thổi tâm thu ở đáy tim do hẹp van động mạch chủ hoặc van động mạch phổi. Chụp siêu âm tim sẽ cho thấy rõ.
Ở Ổ VAN BA LÁ (mỏm xương ức): hầu như không có tiếng thổi van ba lá đơn độc mà bao giờ cũng có tiếng thổi của van hai lá đi kèm nên khó xác định. Cách duy nhất để phát hiện tiếng thổi do hở van ba lá là thấy tiếng thổi này tăng lên nếu nhịn thở sau khi hít vào. Không thể làm được nghiệm pháp này nếu có khó thở và không phải lúc nào cũng chắc chắn.
Ở Ổ VAN ĐỘNG MẠCH CHỦ (ở đáy, phía bên trái):
Giãn động mạch chủ: lỗ và van động mạch chủ bình thường nhưng chỉ cần động mạch chủ giãn (có hoặc không kết hợp với việc thành động mạch có lồi lõm hoặc xù xì do mảng xơ vữa hay nhiễm calci) là đủ để gây ra các dòng xoắn và tiếng thổi. Đây là nguyên nhân gây tiếng thổi tâm thu động mạch chủ hay gặp ở người cao huyết áp, người bị vữa xơ động mạch và người bị viêm động mạch chủ. Lúc này cần tìm clangor của tiếng thứ hai (dấu hiệu của van động mạch chủ bị cứng). Phình động mạch chủ xuống cũng có thể là nguyên nhân gây ra tiếng thổi tâm thu động mạch chủ.
Hẹp động mạch chủ: trong hẹp động mạch chủ có tiếng thổi tâm thu khá mạnh, đôi khi thô ráp, có rung miu. Tiếng thổi lan tới các mạch máu ở cổ, đôi khi tới tận mỏm tim (có thể mạnh hơn cả ở ổ động mạch chủ). Hẹp ở dưới động mạch chủ hay bệnh cơ tim gây tắc nghẽn có thể gây ra tiếng thổi tương tự.
Động mạch chủ tách đôi (hẹp eo động mạch chủ): tiếng thổi tâm thu ở đáy không to lắm. Nghe thấy rõ hơn ở lưng, trong khoảng giữa xương bả và xương sống bên trái. Nếu thấy mạch đùi đập yếu và mạch ở tay lại rõ, trên phim thấy xương sườn bị sói mòn thì nên nghĩ tới chẩn đoán này.
Tim bình thường: có tiếng thổi tâm thu ở ổ van động mạch chủ, không có tiếng bất thường khác khi nghe tim là điều có gặp ở người khoẻ mạnh, mình thấp, dày, người bị sốt, thiếu máu hoặc ưu năng tuyến giáp.
Ở Ổ VAN ĐỘNG MẠCH PHỔI (ở đáy tim, bên trái):
Giãn động mạch phôi: lỗ và van động mạch phổi nguyên vẹn, chỉ cần động mạch phổi giãn cũng gây ra tiếng thổi thô và đôi khi mạnh. Động mạch phổi có thể giãn bẩm sinh hoặc mắc phải. Trong các nguyên nhân hay gặp nhất gây giãn động mạch phổi cần nói đến hẹp van hai lá, suy tâm thất trái và các bệnh phổi mạn tính, thông liên thất có dính màng ngoài tim và có giãn động mạch phổi (hội chứng Cossio) trong đó tiếng thổi xuất phát từ động mạch phổi. Tiếng thổi có thể từ phình động mạch phổi. Chụp X quang có thể đánh giá mức độ giãn động mạch phổi.
Hẹp động mạch phổi: tiếng thổi tâm thu thô, to, lan tới xương bả trái và đôi khi ra lưng, thường có rung miu kèm theo, có thể sờ thấy được. Trên tâm thanh đồ, tiếng thổi thường dài hơn tiếng thứ hai do van động mạch chủ (A2) và kết thúc ngay trước tiếng đóng van động mạch phổi (P2). A2 và P2 bị tách đôi rất rõ.
Các bệnh khác cũng có thể gây tiếng thổi tâm thu ở động mạch phổi: lệch trung thất, thiếu máu, ưu năng tuyến giáp.
Tim bình thường: người trẻ, không bị bệnh tim, nhất là người dài- mảnh có thể có tiếng thổi tâm thu động mạch phổi, ít lan. Tiếng thổi thay đổi theo nhịp thở và tăng lên khi gắng sức, có thể yếu đi hoặc mất đi khi hít vào gắng sức. Tiếng thứ hai bình thường hoặc tách đôi.
TIẾNG THỔI Ở VÙNG GIỮA TIM: gặp trong thông liên thất (bệnh Roger), ở người trẻ tuổi, không bị thấp khớp, bị thông liên thất có luồng máu từ tâm thất trái (áp suất cao) sang tâm thất phải (áp suất thấp hơn). Luồng máu này có trong suốt thời kỳ tâm thu và là nguồn gốc gây ra tiếng thổi kéo dài suốt thì tâm thu, mạnh, thô ráp, nghe rõ nhất ở khoảng liên sườn 3 hoặc 4 bên trái, cạnh xương ức. Thường sờ thấy rung miu.
Thông liên nhĩ cũng gây ra tiếng thổi tâm thu nhưng ở cao hơn, trên ổ động mạch phổi.