Điều trị tại chỗ vết thương bỏng đóng vai trò quan trọng nhằm mục đích loại bỏ nhanh hoại tử, dự phòng các biến chứng nhiễm khuẩn tại chỗ và toàn thân, tạo điều kiện tốt cho quá trình tái tạo phục hồi. Căn cứ vào tác dụng điều trị của thuốc, có thể xếp các thuốc điều trị bỏng thành một số nhóm chính sau:
* Nhóm thuốc làm rụng hoại tử bỏng.
Gồm có các Enzym tiêu huỷ Protein có nguồn gốc từ động vật (Trypsin, Pepsin), hoặc từ các vi sinh vật như: Subtilain từ Bacillus, hay từ thảo mộc như: Papain (từ mủ quả Đu đủ), Bromelain (từ quả Dứa) có tác dụng làm tăng quá trình rụng hoại tử. Các Axit yếu như Axit Salicylic dạng thuốc mỡ 40%, Axit Lactic… cũng có tác dụng làm rụng hoại tử.
Các thuốc làm rụng hoại tử không dùng khi có hoại tử ướt, không dùng ở diện tích rộng trên 10% diện tích cơ thể và cần theo dõi cân bằng Axit-Bazơ khi dùng nhóm các Axit.
* Nhóm thuốc kháng khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn.
Có thể dùng các dung dịch sát khuẩn như Betadine 10% (chứa iod), Clorhexidin, Cloramin…, các kháng sinh dạng dung dịch hoặc mỡ. Các hoá chất khác như Axit Boric, Axit Acetic dạng dung dịch 2-4%, dạng mỡ hoặc tinh thể. Có thể dùng các chế phẩm miễn dịch như huyết thanh và g Globulin kháng P.aeruginosa, kháng S.aureus…để điều trị nhiễm khuẩn tại vết bỏng.
Các thuốc điều trị vết thương bỏng phổ biến hiện nay như Mafenid (Sulfamilon), Sulfadiazin-Bạc, Nitrat Bạc, các muối kim loại nặng (hợp chất thuỷ ngân…) có hiệu quả tốt nhưng giá thành còn cao và đặc biệt có một số tác dụng không mong muốn [79] [81] [83].
* Nhóm thuốc ảnh hưởng tốt tới quá trình tái tạo vết bỏng.
Thường dùng các thuốc mỡ như thuốc mỡ rau Má, dầu gan cá Thu, thuốc mỡ có Oxyd Kẽm, kem Nghệ, mì Cao vàng , mật Ong, sữa Ong chúa … Một số thuốc có tác dụng sinh học làm tăng khả năng liền sẹo như Biafin, Herbemin , Cream Chitosan 2% …Một số tác giả nước ngoài còn sử dụng các chế phẩm có Corticoid (phối hợp với kháng sinh) dùng tại chỗ vết bỏng có tác dụng chống viêm, thúc đẩy quá trình lành sẹo. Thuốc điều trị tại chỗ có Corticoid được chỉ định khi vết bỏng có mô hạt xơ hoá, tăng sinh phì đại, dịch xuất tiết nhiều…
* Nhóm thuốc tạo màng che phủ vết bỏng mới.
Có nhiều loại thuốc được dùng, phổ biến là dung dịch Tanin 5% . Phương pháp dùng Tanin để tạo màng được Clegbern D (1858) đề xuất. Có thể dùng các chất tạo màng bằng Polyvinyl, chất tạo keo đơn phân…Một số thuốc tạo màng có nguồn gốc từ thuốc nam như cao đặc lá Sim, cao Kháo nhậm, củ Nâu, cao Xoan trà. Cao Xoan trà (B76) được dùng từ năm 1967-1968, thuốc tạo màng khô, làm giảm thời gian điều trị, chất lượng sẹo tốt. Không dùng thuốc tạo màng khi vết thương bỏng sâu (có hoại tử) và vết bỏng đã nhiễm khuẩn. Lựa chọn các thuốc điều trị cần căn cứ vào đặc tính của thuốc và đặc điểm của vết bỏng.