Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có bày bán loại cây thảo mộc được gọi là “trà Nhật” với công dụng theo như giới thiệu của người bán có tác dụng “mát gan, chữa bệnh tiểu đường, hạ huyết áp…” nhưng thực chất không phải như vậy.
Trà Nhật có độc tính cao
Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện
Sa Pa cho biết: Với các du khách do thiếu thông tin lại quá tin vào lời tự quảng cáo của người bán về tính năng “ưu việt” của sản phẩm trà Nhật nên rất nhiều khách du lịch mua về sử dụng hoặc làm quà cho người thân. Tuy nhiên, công dụng của loại trà Nhật này không như quảng cáo của các hộ có kinh doanh loại thảo mộc này.
Được biết, hiện nay giống trà Nhật được người dân Sa Pa trồng với sản lượng khoảng 5 tấn lá khô/năm. Nguồn gốc của cây “trà Nhật” này có tên khoa học là: Hydrangea macrophylla Seginge var thunbergii Makino, thuộc họ Tú cầu (Hydrangeareae) và được di thực trồng tại Sa Pa từ năm 1992 do Viện Dược liệu Trung ương (Bộ Y tế) ký hợp đồng theo đơn đặt hàng với Công ty Honso Nhật Bản với mục đích là thu hoạch lá cây trà Nhật để chế biến thuốc hút không có chất nicotin. Viện dược liệu Trung ương đã nhận từ ông Tanaka là đại diện Công ty Honso Nhật Bản loại cây này và đã triển khai trồng thử nghiệm ở ba địa điểm gồm huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà ( tỉnh Lào Cai) và huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Kết quả, cây “trà Nhật” thích nghi và sinh trưởng tốt ở Sa Pa và đã xuất 1 tấn lá khô theo hợp đồng ký với Công ty Honso Nhật Bản. Sau đó, do bên đặt hàng đã hạ giá thu mua sản phẩm đến mức không thể thỏa thuận để sản xuất tiếp, nên Viện Dược liệu Trung ương đã quyết định ngừng sản xuất loại cây này từ năm 2001.
Tuy vậy, một số hộ gia đình tại thị trấn Sa Pa vẫn tiếp tục duy trì trồng rồi sấy khô và bán ra thị trường địa phương, tự giới thiệu “trà Nhật” với người tiêu dùng “là loại dược liệu chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp…”.
Khi phát hiện ra sản phẩm trà Nhật bày bán công khai tại các chợ của huyện Sa Pa với lời giới thiệu công dụng không đúng thực tế, UBND huyện Sa Pa đã có văn bản đề nghị Viện Dược liệu Trung ương xác định tác dụng của loại cây này. Từ năm 2007, Viện Dược liệu Trung ương đã có công văn trả lời về tác dụng của cây trà Nhật. Theo kết quả nghiên cứu của Viện xác định độc tính cấp của dịch chiết lá trà Nhật là LD50 = 37,5g/kg cân nặng chuột (đường uống). Trị số LD50 xác định được cho thấy lá trà có độc tính khá cao. Viện Dược liệu Trung ương đã đề nghị nghiêm cấm việc lưu hành sản phẩm này trên thị trường.
Không mua và sử dụng trà NhậtSau khi nhận được thông tin từ Viện dược liệu, trong các năm qua, UBND huyện Sa Pa đã có nhiều văn bản yêu cầu các hộ gia đình ở huyện không được trồng, chế biến và không được bán ra thị trường sản phẩm trà Nhật vì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Lãnh đạo UBND huyện Sa Pa cũng đã chỉ đạo phòng y tế và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tiêu hủy sản phẩm trà Nhật bày bán trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cũng nhấn mạnh: Lâu nay người tiêu dùng và khách du lịch hay bị nhầm lẫn giữa cây trà Nhật với cây cỏ ngọt có tên khoa học là Stevia. Cây cỏ ngọt được dùng như một loại trà dành cho người bị bệnh tiểu đường, chữa chứng béo phì hoặc cao huyết áp. Tuy vậy, hiện nay cây cỏ ngọt này chưa được trồng tại Sa Pa.
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, UBND huyện Sa Pa khuyến cáo nhân dân địa phương và du khách không mua và dùng trà Nhật để làm thuốc hoặc làm chè uống, đồng thời yêu cầu các hộ gia đình trên địa bàn huyện Sa Pa không được lưu hành trên thị trường sản phẩm trà Nhật. UBND huyện Sa Pa sẽ có đề án phá bỏ hoàn toàn loại cây trồng này trong hai năm tới để chuyển sang trồng các loại cây dược liệu khác có lợi cho sức khỏe và hiệu quả kinh tế.