Phong phú các loại NLC
Tại chợ Đông – Nam dược Q.5, TP.HCM, NLC được chứa trong những bao tải, giỏ nhựa, có đủ loại với những giá khác nhau.
NLC trong nước bán nhiều tại đây chủ yếu là của Trung tâm Nghiên cứu NLC và nấm dược liệu (Trung tâm NCLC&NDL). NLC của Trung tâm này gồm có 3 loại. Loại có giá rẻ nhất là có nguồn giống nội địa, giá bán 150.000- 200.000 đồng/kg. Hai loại còn lại có nguồn gốc từ giống của Nhật Bản, giá từ 300.000-400.000/kg.
Thạc sĩ Cổ Đức Trọng (Trung tâm NCLC&NDL) cho biết, năm 1987 ông cùng một số người tìm được cây NLC tím rất quý tại vùng Bảo Lộc, đưa nó về phân lập và trồng đại trà. Còn 2 loại NLC Nhật Bản là do Trung tâm Dược Lingzhi General Institute Co., LTD tặng một số cây nấm giống Nhật Bản để trồng đại trà. Cứ 3 tháng/lần, cácchuyên gia Nhật lại sang trang trại của Trung tâm để xem xét kỹ thuật trồng trọt và lấy mẫu nấm về Nhật xét nghiệm. Năm 1994, giáo sư Takashi (chuyên gia hàng đầu về NLC của Nhật Bản) cùng ông Ida (thợ cả, quản lý 50 trại trồng nấm của Nhật Bản) sang Trung tâm đánh giá lần cuối, để rồi sang năm ký hợp đồng mua NLC của Trung tâm tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản và Mỹ. Cũng từ đó, NLC nguồn gốc Nhật Bản xuất hiện tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, từ năm 2000, các nhà trồng nấm bào ngư và nấm mèo tại TP.HCM cũng như một số tỉnh bắt đầu trồng NLC Việt Nam. Các tỉnh phía Bắc trồng từ nguồn giống do Viện Di truyền nông nghiệp nhập về từ Trung Quốc.
Đắt nhất hiện nay là NLC Hàn Quốc, giá từ 1,2-2,5 triệu đồng. “Bèo” nhất là NLC hoang lấy từ rừng về. Một chủ cửa hàng dược liệu trên đường Hải Hượng Lãn Ông, Q.5 cho biết: “NLC rừng chữa bệnh gan rất tốt, giá tùy loại từ 60.000 -100.000 đồng/kg”. NLC không chỉ bán ở chợ thuốc mà nó còn được bày bán ở nhiều siêu thị, thường đuợc đóng từng bịch từ 50- 500g. NLC cũng được bán nhiều dưới dạng viên nang, trà, kẹo… Hiện nay, có 3 hãng của Nhật Bản có mặt tại Việt Nam bán viên nang linh chi với giá rất cao, 1,6 triệu đồng/hộp 60 viên. Một hãng mỹ phẩm của Nhật làm kem dưỡng da có tinh chất NLC bán với giá 2,5 triệu đồng/hộp. Các loại sản phẩm trà hòa tan, viên nang, viên bao đường, cốm, bào tử linh chi… của Hồng Kông, Trung Quốc, Úc cũng hiện diện ở thị trường Việt Nam và có giá cao ngất ngưỡng.
Thực – giả lẫn lộn
Một chủ cửa hàng dược liệu ở Chợ Lớn, Q.6 nói: “Trừ một số NLC được trồng ở vài trang trại có uy tín thì chất lượng còn đảm bảo, những thứ khác tụi tui cũng không rõ, nhập vào giá nào thì bán theo giá đó, có lời chút đỉnh”. Khi chúng tôi hỏi có NLC nhập về từ Nhật Bản không, các chủ cửa hàng đều nói không có, chỉ có loại NLC Nhật Bản được trồng ở Việt Nam. Nguyên do là NLC Nhật Bản có giá quá cao, khoảng 8 triệu đồng/kg. Vậy mà một số nơi rao bán NLC Nhật Bản với giá chỉ 600.000-700.000/kg. Được biết, loại hàng này thực chất là NLC Việt Nam được trồng ở những trang trại không nắm vững kỹ thuật, nên hình thức xấu, chất lượng kém, khó bán nên định chơi trò lừa đảo, bán được ít nhưng bù lại có giá cao.
Một vài công ty trong nước lại đóng gói NLC Trung Quốc đã được xắt lát hoặc còn nguyên, rồi dán nhãn mác công ty mình để bán với giá 400.000- 750.000 đồng/kg. Thậm chí có công ty còn đóng gói loại này bán với cái tên NLC Nhật Bản.
Nhiều loại NLC nhập từ Trung Quốc về có chất lượng kém, thậm chí bị coi là “rác dược liệu”. Loại này thường bị mọt đục, có nấm bệnh dễ gây dị ứng cho người uống.
Nhưng đáng sợ nhất là các loại nấm được cho là NLC thu lượm ở trong rừng tự nhiên. Các cửa hàng dược liệu trên các con đường Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng… ở Chợ Lớn, TP.HCM, đều có những bao NLC rừng. Nấm to nhỏ khác nhau và thoạt nhìn trong chúng như khúc gỗ mục. Chất lượng nấm không có nghĩa càng lâu năm càng quý, vì như vậy chúng dễ biến thành gỗ, mất hết các hoạt chất quan trọng. NLC ngàn năm chỉ là huyền thoại nói lên sự quý hiếm, chứ không phải nó đã có ngàn tuổi (cũng không phải ngàn năm mới có một lần như một số người giải thích). Hơn nữa, các loại nấm rừng này đa phần không phải là NLC, thật – giả chỉ có các chuyên gia mới biết (hoặc xét nghiệm bằng máy móc).
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng NLC và hàm lượng một số hoạt chất, như acid ganoderic, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có mẫu chuẩn của các chất này để làm phân tích, xét nghiệm. Vì vậy, chất lượng NLC vẫn còn bị thả nổi.
Hiện nay, lượng tiêu thụ NLC ở Việt Nam hàng năm là 70 tấn. Trong đó, lượng NLC nhập về từ Trung Quốc khoảng 36 tấn, từ Hàn Quốc khoảng 7 tấn, số còn lại do trong nước sản xuất. Dự báo đến năm 2010, lượng NLC tiêu thụ tại Việt Nam lên 100 tấn/năm. Vì vậy, bên cạnh khuyến khích các trang trại trong nước trồng NLC, các ngành chức năng cần có biện pháp kiểm soát chất lượng loại dược liệu này.
ThS. Cố Đức Trọng: “Cần cẩn trọng khi mua nấm linh chi”
Trên thị trường hiện nay có 8 loại NLC:
1. NLC có đường kính từ 9-15cm , hình thận hoặc hình quạt, mặt trên màu đỏ cam đến đỏ, bóng láng, rất cứng; mặt dưới có màu vàng chanh nhạt đến trắng ngà; ruột nấm màu trắng ngà đến nâu nhạt. Tai nấm nặng từ 25 – 35g. Nấm có vị rất đắng do hàm lượng saponin trierpen cao.
2. Một loại NLC có nguồn gốc Nhật Bản khác là NLC đỏ sậm gần ngả sang màu tím than, vị rất đắng.
3. Loại NLC có màu đỏ cam đến đỏ, bóng, đường kính tai nấm từ 13-20 cm, có hình thận, mặt trên hơi xốp, mặt dưới màu trắng ngà. Mỗi tai nấm nặng từ 30-45g. Nấm nhẫn đắng, hơi chua, có chất lượng khá. Các loại nấm nói trên do Trung tâm NCLC&NDL trồng.
4. NLC Hàn Quốc nhập vào Việt Nam, tai nấm rời hoặc cho vào túi 500g/túi. Nấm có hình thức đẹp, rất cứng, đường kính từ 15-30cm, mặt trên đỏ nâu còn một ít bào tử, mặt dưới màu vàng chanh nhạt, vị đắng, nặng từ 70- 300g.
5. NLC Trung Quốc có màu đỏ nhạt đến đỏ, mặt trên còn ít bào tử màu nâu. Nấm thường có hình tròn, đường kính từ 15-30cm, hơi cứng, cuống đực cắt sát tai nấm. Mặt dưới nấm Trung Quốc thường hay bị phết một lớp màu vàng sậm như nghệ (chưa biết chất gì), mặt trên được chùi rửa và thoa thêm một lớp dầu ăn hoặc cồn cho bóng.
6. NLC Đà Lạt được sưu tầm và trồng tại Lâm Đồng, có màu đỏ, nhỏ, cuống dài hoặc đã được cắt, nặng chỉ khoảng 10-15g/tai nấm.
7. NLC có nguồn gốc từ Trung Quốc do Viện Di truyền nông nghiệp nhập giống từ Trung Quốc, trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Nấm có cuống dài, phân nhánh và tai nấm nhỏ, trọng lượng chỉ khoảng 12-20g/tai nấm.
8. Cuối cùng là loại NLC mọc hoang, bao gồm các loại mọc hoang ở núi rừng Việt Nam. Nấm này có đủ màu sắc từ màu nâu đến đen, đỏ, đỏ sậm… đa phần không phải là NLC đúng nghĩa. Hình thức nấm từ hình quạt đến tròn, hoặc hình quả thận… cuống dài hoặc ngắn hoặc không cuống, tai nấm có đường kính từ 5cm cho đến 30-50cm . Nấm này chất lượng không ổn định do thu hái ngẫu nhiên hoặc còn non, hoặc quá già bị mục, có khi bị mọt và nấm bị bệnh kí sinh, phơi sấy không đảm bảo.