Tăng huyết áp giả tạo là hiện tượng huyết áp khi đo không phản ánh thực với tình trạng huyết áp trong động mạch mà thường là cao hơn. Trường hợp này đã được William Osler quan sát và mô tả gần 100 năm trước đây. Cơ chế của nó đến năm 1978 vẫn chưa được công nhận. Trong những năm gần đây, J. D Spence nhận thấy hiện tượng Tăng huyết áp giả tạo thường gặp ở người bị vữa xơ động mạch (VXĐM) cánh tay. Theo giáo sư Albert Founier – Trung tâm Bệnh viện Đại học Y Amiens – Pháp, Tăng huyết áp giả tạo còn thấy ở những người cao tuổi, những người trẻ bị đái tháo đường và suy thận do calci hoá mạch máu.

Có thể nói sự chênh lệch huyết áp tăng tỷ lệ thuận với tình trạng VXĐM cánh tay: Càng xơ hoá bao nhiêu thì mức độ huyết áp tăng giả càng lớn bấy nhiêu. Có những bệnh nhân khi đo huyết áp theo phương pháp thông thường là 245/80mmHg, nhưng khi đo huyết áp trong lòng mạch lại chỉ có 148/86 mmHg.

Trên thực tế, nên thận trọng trước một chẩn doán Tăng huyết áp nếu như bản thân bạn không hề thấy có một dấu hiệu nghi ngờ nào như đã được thầy thuốc chẩn đoán “đã bị tổn thương cơ quan đích”, như “phì đại thất trái” hay “tổn thương võng mạc trung tâm”… Nếu như bạn đã có những dấu hiệu hoặc triệu chứng của VXĐM ở mạch máu ngoại biên như dấu hiệu “khập khiễng cách hồi”… thì càng nên thận trọng. Sự có mặt của dấu hiệu vôi hoá động mạch được phát hiện trên X quang cũng là một dấu hiệu giúp thầy thuốc cảnh giác với hiện tượng Tăng huyết áp giả tạo.

Sự thận trọng này là điều cần thiết vì sự an toàn của chính bạn. Nếu trường hợp bệnh nhân mô tả trên được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp, chắc chắn sẽ gây tụt huyết áp dưới mức bình thường, gây thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến các tai biến như ngất, đột quỵ và các biến chứng khác.

Thầy thuốc có cách gì để phát hiện các trường hợp Tăng huyết áp giả tạo không?

Về phương diện kỹ thuật, người ta thường áp dụng nghiệm pháp Osler: Việc đo huyết áp bằng bao quấn được tiến hành bình thường, nhưng khi đạt quá mức huyết áp tổì đa phải đồng thời bắt mạch cổ tay (động mạch quay) hoặc động mạch cánh tay.

Nghiệm pháp Osler dương tính: Gặp trong Tăng huyết áp giả tạo, khi động mạch vẫn sờ thấy được (tất nhiên là không đập)

Nghiệm pháp Osler âm tính: Trường hợp bình thường, động mạch sẽ xẹp xuống và không thể sờ thấy được.

Ngoài ra, được thăm khám toàn diện là một vấn đề rất cần thiết đối với bệnh nhân.

Nguyên nhân tăng huyết áp

Sơ đồ liên quan giữa các yếu tố nguy cơ và bệnh tăng huyết áp

0/50 ratings
Bình luận đóng