Khái niệm
Tâm với Thận trong tình huống bình thường, chủ yếu là có mối quan hệ trên và dưới cùng giao nhau, thủy với hoả cũng giúp đỡ nhau. Nếu do phú bẩm bất túc, hoặc hư lao ốm lâu, hoặc phòng thất quá đáng v.v… khiến cho Thận thủy suy hư ở dưới không thể giúp cho Tâm hoả ở trên, Tâm hoả găng ở trên không thể giao với Thận ở dưới; Hoặc do mệt nhọc tinh thần quá độ, ngũ chí quá cực đến nỗi Tâm âm bị hao tổn ngấm ngầm, Tâm dương quá thịnh, Tâm hoả không thể giao với Thận ở dưới. Tâm hoả không giáng xuống, Thận thủy không thăng lên, tạo thành tình thể thủy hoả của Tâm Thận không giúp đỡ cho nhau sẽ hình thành bệnh biến, lâm sàng gọi là chứng Tâm Thận bất giao.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là Tâm phiền, mất ngủ, hay mê, di tinh, lưng đùi ê mỏi, triều nhiệt mồ hôi trộm, hoa mắt ù tai, hoặc hồi hộp, hoặc khô họng, hoặc đêm tiểu tiện nhiều lần, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không có rêu, mạch Tế Sác.
Chứng này thường gặp trong các bệnh Kinh quý chính xung, Bất mị, Di tinh và Kiện vong.
Trong lâm sàng, cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Tâm hoả cang thịnh, chứng Tâm âm hư, chứng Tâm Tỳ đều hư, chứng Tâm Đởm khí hư và chứng Can Thận hư…
Phân tích
Chứng Tâm Thận bất giao trong những tật bệnh khác nhau, biểu hiện chứng trạng cũng có những đặc điểm không giống nhau.
Trong bệnh Kính quý chính xung, khi hồi hộp không yên, gặp sự sợ hãi thì phát bệnh hoặc có xu thế nặng hơn, trằn trọc không ngủ được, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác là chứng trạng chủ yếu; Nếu có kiêm cả chứng trạng ngũ tâm phiền nhiệt, lưng đùi ê mỏi, mắt hoa tai ù, đó là do Thận tinh thiếu thốn, thủy không giúp được cho hoả, Tâm hoả động ở trong gây nên; Điều trị theo phép dưỡng âm huyết, thanh Tâm an thần, chọn dùng bài Thiên vương bổ Tâm đan (Thế y đắc hiệu phương) hợp với Chu sa an thần hoàn(Nội ngoại thương biện – Đông Viên thập thư). Nếu ngũ Tâm phiền nhiệt, lưng đùi ê mỏi xuất hiện đột ngột, cũng có thể cho uống Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết)hợp với Chu sa an thần hoàn.
Trong bệnh Di tinh thì có đặc điểm là tiết tinh trong giấc mộng, và đến hôm sau thì váng đầu hoa mắt, tinh thần không mạnh, mệt mỏi yếu sức, hoặc hồi hộp, hoặc tiểu tiện sẻn vàng và có cảm giác nóng, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác; Đây phần nhiều do Tâm có vọng tưởng, không đạt ý muốn, tâm thần không yên, quân hoả găng một phía, Tâm âm ngấm ngầm hao tổn, tướng hoả vọng động, quấy rối tinh thần gây nên; Do Tâm hoả vượng mà Thận thủy khuy, với hoả không giúp đỡ nhau, Tâm Thận bất giao; Điều trị theo phép tư âm tả hoả (Tư Thận âm, tả quân, tướng hoả), chọn dùng bài Trí Bá địa hoàng hoàn (Y phương khảo) hoặc Tam tài phong tuỷ đan (Vệ sinh báo giám) gia giảm.
Nhưng loại bệnh này, không chỉ dựa vào thuốc men mà còn phải chú ý điều dưỡng tinh thần thanh tâm quả dục. Trương Cảnh Nhạc nói: “Bắt đầu bị di tinh, không ngoài bệnh do Tâm… và khi có bệnh thì tìm nó mà chữa, lại càng phải coi chuyên tâm là trước tiên, rồi sau mợi tùy chứng mà điều lý thì không trường hợp nào là không khỏi. Nếu như không biết đạo lý chứa từ gốc bệnh, chỉ toàn dựa vào thuốc men để mong cho dục vọng thành công, cũng là điều khó hy vọng”.
Trong bênh Bất mị – mất ngủ – có đặc điểm là hư phiền không ngủ, hay mê, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô tân dịch ít, lại kiêm cả chứng trạng váng đầu ù tai, hồi hộp, lưỡi đỏ, mạch Tế Sác; Đây là do mệt nhọc nội thương, Thận thủy bất túc, Tâm hoả mạnh một phía gây nên; Điều trị theo phép tráng thủy chế hoả, tư âm thanh nhiệt, chọn dùng bài Hoàng liên a giao thang(Thương hàn luận) hợp với Chu sa an thần hoàn gia giảm. Nếu đột xuất có chứng trạng Tâm hoả cang thịnh, có thể dùng bài Giao thái hoàn (Hàn thi Y thông). Nếu âm hư mà hoả không mạnh lắm, có thể uống Thiên vương bổ tâm đan.
Điều trị bệnh mất ngủ, ngoài việc dùng thuốc cần chú ý điều dưỡng tinh thần, tránh căng thẳng, nên thoải mái, giảm ham muốn, ngăn phiền não. Tóm lại, chứng Tâm Thận bất gi những tật bệnh khác nhau, từ cơ chế bệnh, nguyên nhân bệnh, cho đến chứng trạng, đều có chỗ khác nhau. Nhưng đã là Tâm Thận bất giao thì dù sao đi nữa cũng phải có biểu hiện đầy đủ những biểu hiện khác thường do hai tạng Thận và Tâm không giúp đỡ lẫn nhau, đó là chỗ cộng đồng.
Trong bệnh Kiện vong – Hay quên, có đặc điểm là mất ngủ hay quên, hồi hộp phiền nhiệt, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác, có kiêm cả chứng lưng đùi yếu sức, di mộng, ù tai; Đây là do Thận tinh suy hao, Tâm Thận mất sự nuôi dưỡng gây nên; Điều trị nên tư bổ Thận tinh, dưỡng Tâm an thần, cho uống Lục vị, địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) giả Toan táo nhân, Ngũ vi tử, Viễn trí, Xương bồ v.v…
Chẩn đoán phân biệt
Chứng Tâm hoả cang thịnh với chứng Tâm Thận bất giao, tuy cả hai chứng trạng đều có những biểu hiện phảng phất giống nhau như tâm phiên, hồi hộp, hay mê; Nhưng chứng hậu Tâm hoả cang thịnh phần nhiều do tình chí uất kết hoá hoả hoặc là do lục dâm nội uất hoá hoả, hoặc do ăn nhiều thức ăn cay nóng, hoặc vì uống thuốc ôn táo quá mức gây nên. Tâm hoả quá thịnh quấy nhiễu tâm thần, bốc lên khoang miệng, phía dưới thì dồn xuống Tiểu trường, xuất hiện các chứng trạng chủ yếu là tà thực hoả thịnh như tâm phiền mà nóng, đắng miệng khát nước, lưỡi loét nát và đau hoặc phát sinh lở miệng, tiểu tiện sẻn đỏ hoặc nóng rát niệu đạo rít đau, đầu lưỡi đỏ hồng, mạch Sác. Còn chứng Tâm Thận bất giao là do mệt nhọc quá độ, ngũ chí quá cực, “âm khuy ở dưới, hoả vượng ở trên” đó là “hư hoả”, có các chứng trạng ngũ tâm phiền nhiệt, mồ hôi ít tân dịch, rêu lưỡi ít hoặc không có, mạch Tế mà Sác hoặc mộng di, hoặc lưng gối ê mỏi. Hiện tượng “Hỏa” của hai chứng, một là thực, một là hư, đó là bản chất khác nhau của nó.
Chứng Tâm âm hư với chứng Tâm Thận bất giao đều có các hiện tượng âm hư như miệng khô họng ráo, ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt mồ hôi trộm, lưỡi đỏ ít tân dịch, rêu lưỡi ít hoặc khô, mạch Tế Sác và đặc trưng tâm thần không yên như hồi hộp mất ngủ hay mê, nhưng về nguyên nhân bệnh, vị trí phát bệnh và chứng trạng cũng có chỗ khác nhau. Chứng Tâm hư do thể chất vốn hư, sau khi mắc bệnh bị hư yếu, hoặc mất huyết, hoặc tinh thần bị kích thích mà hao thương tâm huyết tâm âm gây nên bệnh. Vị trí bệnh ở Tâm, mất ngủ không nghiêm trọng lắm, đặc điểm chủ yếu là hay mê dê tỉnh, trong tâm phiền nhiệt tất cả là do âm không liễm dương gây nên.
Chứng Tâm Thận bất giao là do không biết thế nào là đủ, hoặc là quá mệt nhọc gây nên, mất ngủ nghiêm trọng, trằn trọc vật vã, thậm chí suốt đêm không ngủ, có kiêm cả hiện tượng Thận âm hư tổn như lưng gối mềm yếu vô lực, di tinh, váng đầu ù tai. Vì vậy, kết hợp với nguyên nhân bệnh, xem xét chứng trạng kỹ càng, phân biệt hai chứng này không khó.
Chứng Tâm Đởm khí hư với chứng Tâm Thận bất giao: Chứng Tâm Đởm khí hư là do thể trạng vốn hư yếu, Tâm Đởm hư khiếp hoặc bị kinh hãi đột ngột, tình tự căng thẳng, tổn hại đến Tâm Đởm. Chân khí của Can Đởm bị hư yếu, mộc không sinh hoả dẫn đến Tâm khí cũng hư. Tâm chủ thần minh mà Đởm chủ quyết đoán, nếu Tâm Đởm khí hư thì gặp sự việc dễ hãi sợ, ác mộng kinh khủng, thậm chí không dám ngủ một mình; Hoặc ngủ dễ thức giấc, có tình trạng như có người sắp đến bắt, lưỡi nhạt, mạch Huyền Tế; như sách Thẩm Thị Tồn sinh thư viết: “Tâm Đởm đều khiếp, động đến việc dễ hãi sợ, ngủ mơ mộng phân vân, hư phiền không ngủ được” Chứng Tâm Đởm khí hư tuy cũng có chứng trạng hồi hộp, hư phiền không ngủ” như chứng Tâm Thận bất giao, nhưng phải có đặc điểm sợ sệt không yên, động đến việc dễ kinh hãi hoặc trong tâm hồi hộp không yên, nơm nớp như có người sắp đến bắt. Ngoài ra, chứng Tâm Đởm khí hư lại còn kiêm cả đàm nhiệt, thường xuất hiện chứng trạng ngực đầy buồn nôn, nhiều đờm, rêu lưỡi nhớt v.v… đó là những điều khác nhau với chứng Tâm Thận bất giao.
Chứng Tâm Tỳ đều hư với chứng Tâm Thận bất giao: Tâm chứa thần, Tỳ chủ về lo nghĩ. Chứng Tâm Tỳ đều hư liên lụy đến hai tạng Tâm và Tỳ. Chứng Tâm Tỳ đều hư phần nhiều do tư lự quá độ mệt nhọc tâm thần gây nên. Tỳ hư không hoá sinh được chất tinh vi, huyết hư khó hồi phục; Tâm huyết hư thiếu, hoả không sinh thổ, dẫn đến Tỳ khí hư suy, không còn nguồn sinh hoa, trái lại khiến cho Tâm khí huyết bất túc, từ đó mà hình thành Tâm Tỳ đều hư. Trọng điểm biện chứng là ở chỗ đồng thời xuất hiện cả chứng trạng của khí huyết của Tâm bất túc và chứng trạng Tỳ hư vận chuyển không mạnh. Tuy nhiên, chứng Tâm Tỳ đều hư với chứng Tâm Thận bất giao, trên lâm sàng đều có chứng trạng cộng đồng như hồi hộp, mất ngủ, hay mê; Nhưng chứng Tâm Tỳ đều hư xuất hiện chứng trạng Tỳ không kiện vận mạnh như ăn uống kém xút, bụng trướng đầy, đại tiện lỏng nhão, mệt mỏi yếu sức… những chứng trạng này không thấy có ở chứng Tâm Thận bất giao, còn chứng Tâm Thận bất giao xuất hiện những chứng trạng của Thận âm bất túc và Tâm hoả quá thịnh như tâm phiền, váng đầu ù tai, lưng gối yếu mỏi, di tinh v.v… lại không đầy đủ trong chứng Tâm Tỳ đều hư. Ngoài ra, các chứng trạng của Tâm Tỳ đều hư như lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch Tế Nhược, cũng khác với chứng Tâm Thận bất giao như lưỡi đỏ ít rêu, mạnh Tế Sác. Vì vậy chẩn đoán phân biệt khá dễ dàng.
Chứng Can Thận âm hư với chứng Tâm Thận bất giao: Can Thận đều ở vị trí Hạ tiêu, Can là Ất Mộc, Thận là Quý Thủy, Ât Quý đồng nguyên. Thận âm là gốc rễ của âm tinh toàn thân, “ Thận chủ thủy, tinh của năm tạng chứa ở đó”. Thận âm nhu dưỡng Can Âm, nếu là người vốn Thận âm bất túc mệt nhọc hao tổn quá độ, tổn hại tới chân âm, thủy không hàm mộc, âm không liễm dương, thì Can dương găng lên, chứng trạng chủ yếu của Chứng Can Thận âm hư là đau lưng, lưng gối mềm yếu, ngũ tâm phiền nhiệt, nóng từng cơn, mồ hồi trộm, váng đầu hoa mắt, tai ù, dễ cáu giận, ngực sườn khó chịu, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Huyền Sác; Yếu điểm biện chứng ở chỗ ngoài các chứng trạng của Can Thận bất túc còn có chứng trạng của Can dương găng lên như váng đầu hoa mắt tai ù, dễ cáu giận và ngực sườn khó chịu. Chứng Tâm Thận bất giao biểu hiện Thận âm hư với chứng Can Thận âm hư tuy có nhiều chỗ giống nhau, nhưng chứng trạng Tâm hoả quá găng như tâm phiền, hồi hộp, mất ngủ, hay mê phần nhiều là đặc điểm của bản thân nó, đồng thời chứng Tâm Thận bất giao không có chứng trạng rõ rệt của Can Dương găng lên, đó là chỗ khác nhau của hai chứng.
Trích dẫn y văn
Năm loại dịch bị thiếu ở dưới, hai loại hoả bốc lên trên; Thủy không giúp cho hoả, âm không phối dương, Vốn năm trước, uống quá nhiều loại thuốc khắc phạt. Thận âm bị tổn thương đến nỗi có chứng hồi hộp sợ sệt. Tự uống loại thuốc tư bổ Tâm, vốn là hợp lý. Nhưng chữa ở trên ắt phải tìm từ dưới, tư bổ ngọn ắt phải tưới cho gốc. Tâm đến nỗi bị bệnh là ngọn. Thận lại bị bệnh là gốc. Không phải chữa Tâm, nên chuyên vào bổ Thận:
Thục địa, Sơn dược, Du nhục, Quy thân, Ngũ vị, Lộc giác giao hoàn Tâm là quê hương quân chủ, Thận là cái tạng chứa nước. Tính của hoả bốc lên, thể của thủy nhuận xuốngThủy muốn đưa lên, hoả muốn giáng xuống, Thủy không có gì để thăng thì hoả làm sao giáng xuống được ?
Thủy Hoả không giúp nhau, Tâm Thận bất giao, vì thế mà Tâm phiền ý loạn, chẳng biết theo ngả nào; tông khí nổi lên, vùng Hư lý máy động, Mạch đến mềm, nhanh không có thần, có nỗi lo sợ hãi hay quên. Theo phép nên tráng thủy tiềm dương là chính.
Dương sâm Phục linh Quy thân Du nhục. Ngũ vị tử Thỏ ty tử Kỷ tử Bá tử nhân. Sơn dược, các vị tán bột, lấy Sinh địa, Mạch đông, Bạch truật nấu cao, thêm Quy lộc giao hòa tan, trộn bột thuốc làm viên (Vương Cừu Phong y án – Thanh đại danh y án tinh hoa). Người ta sinh ra, Tâm là Hoả ở phía trên, Thận là Thủy ở phía dưới Thuỷ có thể thăng, Hoả có thể giáng. Một thăng một giáng không bao giờ hết, cho nên sinh ý là ở đấy (Cách tri dư luận).
Tâm Thận giao với nhau toàn dựa vào sự thăng giáng, mà Tâm khí giáng là do Thận khí giáng, Thận khí thăng lại là do Tâm khí giáng Thăng giáng là thuỷ hoả, sở dĩ nó thăng giáng được là vì trong thuỷ hoả có chân âm và chân dương. Chân âm chân dương là chân khí trong Tâm Thận. Cho nên hậu thiên của Thận là tiên thiên của Tâm. Hậu thiên của Tâm là tiên thiên của Thận vậy. Muốn bổ Tâm thì nên Thực Thận, khiến cho Thận thăng được; Muốn bổ Thận thì nên Ninh Tâm, khiến cho Tâm giáng được… đó là phép làm cho Tâm Thận giao với nhau (Thận trai di thư).