Trong bối cảnh cả đất nước đang căng mình chống dịch, Đảng, Chính Phủ và các ban ngành cùng toàn dân đang đẩy cao tinh thần chống dịch như chống giặc, thì sự kiện về tác dụng của Xuyên Tâm Liên đối với COVID – 19 được truyền thông đưa lên ngày một nhiều. Họ nói nó được dùng rộng rãi ở TRUNG QUỐC, THÁI LAN… rồi các nghiên cứu thực nghiệm về nó có tác dụng tốt với COVID – 19, rồi sau đó cả Bộ Y tế đưa nó vào văn bản ban hành dùng hỗ trợ điều trị đối với COVID – 19 (hiện văn bản đã được thu hồi), khiến một loạt các chế phẩm được tạo ra từ Xuyên Tâm Liên. Mới đầu tôi khấp khởi mừng vì Đông y đã có sản phẩm đáng được quan tâm. Tôi tưởng rằng chắc hẳn những chuyên gia hàng đầu trong ngành đã phải bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu nó. Nhưng khi đọc kỹ các sản phẩm bộ y tế đề ra tôi có đôi chút nghi ngờ, ngoài Xuyên Tâm Liên còn có cả các sản phẩm mà tôi hiểu rất rõ về tác dụng thường ngày của nó, nó đâu phải sản phẩm mới nghiên cứu (xin không nêu tên). Từ đó tôi nghi ngờ luôn cả Xuyên Tâm Liên. Tôi bắt đầu tìm hiểu về tác dụng thực sự của Xuyên Tâm Liên đối với COVID – 19.

Bằng kiến thức lý luận tôi học được thì Xuyên Tâm Liên không thể có tác dụng phòng bệnh COVID – 19 được. ( Tôi sẽ phân tích kỹ ở dưới). Điều đó khiến tôi hoang mang. Tôi bắt đầu nghi ngờ luôn tác dụng điều trị của nó. Tôi đã tìm hàng loạt tài liệu chuyên sâu viết về nó. Tôi bất ngờ lắm khi hoạt chất chiết xuất từ cây Xuyên Tâm Liên này đã được Trung Quốc đưa vào dược điển của họ từ năm 2010. Nó không phải phát kiến gì mới đối với họ. Nó đã được dùng dưới dạng uống và tiêm cho người từ lâu. Vậy có phải đi làm thực nghiệm nữa không.  Vì khi đã được dùng trên người là họ đã làm thực nghiệm và thử độc tính nghiêm ngặt  (đặc biệt là thuốc tiêm cho người).

Gần đây tôi tìm  được 1 bài luận của PGS. TS. Nguyễn Thị Bay với tiêu đề “XUYÊN TÂM LIÊN ĐƯỢC PHỐI HỢP TRONG PHÒNG & TRỊ COVID 19”. Bài luận này với các thời gian trong tài liệu tham khảo tôi cho rằng được viết vào khoảng tháng 2,3/2020. Từ đề xuất này khiến nó bắt đầu được mọi người quan tâm. Và có lẽ đề xuất này rơi vào tay của những nhà làm dược chưa có tầm đã tạo thành cơn sốt Xuyên Tâm Liên. Vì dụng ý trong bài luận là đề xuất, không phải mang tính khẳng định. Và chính cô trong phát biểu gần đây trên báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG đã kết luận: “PGS.TS Nguyễn Thị Bay, chuyên gia y học cổ truyền cho biết, hiệu quả của xuyên tâm liên cũng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Hiện nay sử dụng xuyên tâm liên nên dùng chung với một bài thuốc, nếu sử dụng mỗi xuyên tâm liên thì hiệu quả điều trị Covid-19 không nhiều”. Thông tin này bị chìm quá nhiều so với các thông tin thất thiệt. Vậy người khởi nguồn ra nó đã có kết luận thì còn gì để nói. Cũng chính vì đọc được phát biểu này nên tôi đã chùng xuống không muốn ra bài viết này. Nhưng có nhiều người vẫn chưa rõ đặt ra câu hỏi tranh luận nên tôi vẫn đưa ra lập luận mà tôi cho rằng đến thời điểm này nó vẫn đúng. Sau đây là lập luận của tôi:

Về phòng COVID – 19 của Xuyên Tâm Liên:

Đúng là trong Andrographolide (穿心莲内酯) là dược chất được chiết xuất từ Xuyên Tâm Liên có tác dụng “tác động đến chức năng miễn dịch của cơ thể” nhưng tác dụng dược lý có: “Tác dụng kháng vi sinh vật gây bệnh”, “Tác dụng hạ sốt”, “Tác dụng chống viêm” là những tác dụng nổi bật hơn và Trung Quốc họ cũng dùng nó với 3 tác dụng đó là chính. Mà cái họ dùng là hoạt chất Andrographolide (穿心莲内酯)  được chiết xuất từ Xuyên Tâm Liên chứ không phải là Cây Xuyên Tâm Liên, hoạt chất được chiết xuất này dùng “tác động đến chức năng miễn dịch của cơ thể” không phải là chính. Và để làm rõ thêm thì tôi xin lập luận nêu theo các lý luận:

Theo Đông y:

Để phòng ngoại tà xâm nhập cơ thể cần phải có chính khí tốt dựa trên sự cân bằng âm dương của cơ thể. Vị thuốc có tính hàn, lại có vị đắng theo nguyên tắc dùng thuốc là không được dùng lâu, khi lui bệnh là dừng lại. (Trong khi thuốc dưỡng sinh phòng bệnh cần dùng trong thời gian dài). Tại sao thuốc tính Hàn vị đắng lại không được dùng lâu: vì khi dùng với thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến dương khí, tỳ vị khí, từ đó nếu dùng lâu dài cơ thể đang không có bệnh lại bị mất cân bằng âm dương, sẽ dễ nhiễm bệnh hơn, vậy mục đích phòng bệnh ngoại tà là điều hết sức vô lý. Trong khi để bổ dưỡng nâng cao chính khí cần vị thuốc ôn bổ và hầu hết các thuốc có tác dụng bổ dưỡng thường sẽ có vị ngọt tính ôn, một vài thuốc bổ dương có vị cay tính nhiệt (trong Đông y rất quan trọng tính vị của vị thuốc trong một bài thuốc). Có người sẽ lập luận, đây là dùng kết hợp trong bài thuốc sẽ có phối ngũ với các thuốc khác chứ không dùng riêng lẻ. Nhưng trong các bài thuốc bổ dưỡng với những vị thuốc bổ dưỡng có tính ôn, nhiệt cùng lắm cũng là kết hợp với vị thuốc có tính lương ( Đan Bì trong Bát Vị, hay Lục Vị). Đặc biệt nếu dùng Xuyên Tâm Liên với vị thế chủ yếu thì nó phải làm quân dược, vậy những vị khác chỉ được dùng làm thần, tá, sứ. Những vị thuốc có tính phụ trợ lại đối nghịch tính vị như vậy thì không cùng chính kiến với chủ dược, tạo thành 1 bài thuốc bất đồng chính kiến hay sao. Do vậy kết hợp không thể nào tạo thành một bài thuốc đồng bộ được. Ví dụ, một sản phẩm được cho là có tác dụng phòng và chống COVID – 19 đã kết hợp như sau: “Xuyên Tâm Liên + Cam thảo, Đẳng sâm, Trần bì, Sa nhân”. Một tổ hợp hành khí, bổ khí kiện tỳ có tính ôn, đi với quân dược là tính hàn, vị đắng mang tính thanh tả đi với các vị mang tính ôn bổ.

Hay là họ nghĩ sẽ đưa ra có 1 bài thuốc gồm Thập Toàn Đại  Bổ + Xuyên Tâm Liên, hay Hữu Quy Hoàn + Xuyên Tâm Liên. Thế sao không phòng bệnh bằng cách bỏ Xuyên Tâm Liên chỉ để các vị thuốc còn lại trong bài thuốc. Vậy đấy kết hợp thế nào cũng không thể dung hòa 1 vị thuốc thanh nhiệt tả hỏa với nhóm bổ dưỡng. ( cái này là ý kiến cá nhân, các bạn có thể comment ý kiến để làm sáng tỏ).

Theo Y học hiện đại:

Phòng bệnh là khi cơ thể người khỏe mạnh chưa có nhiễm khuẩn vậy có khi nào Y học hiện đại dùng  thuốc có tác dụng kháng sinh, giảm đau chống viêm khi đang chưa có bệnh không. Hơn nữa nó lại rất đắng đến mức gây nôn. Trong tác dụng không mong muốn có đề: “Andrographolide uống có thể vì quá đắng mà gây nôn mửa. Do đó Sản phẩm này và các chế phẩm khác nhau có thể gây khó chịu dạ dày, chán ăn khi dùng đường uống với liều lượng lớn”. Ngoài ra còn nguy cơ gây xảy thai khi dùng hoạt chất này.

Vì vậy, việc dùng nó để phòng bệnh theo lý luận Đông Y hay Tây Y đều là không hợp lý.

Trong điều trị COVID – 19 của Xuyên Tâm Liên:

Sự khác nhau quá lớn giữa hoạt chất chiết xuất và dùng dạng toàn cây:

Nội dung của bài luận phần được tô đậm: “Các nghiên cứu tập trung vào Andrographolid, hoạt chất chính của Xuyên Tâm Liên đã được tiến hành trên việc ức chế virus SARS-CoV-2 cả trên việc mô phỏng hóa học và sinh học bằng các công cụ hóa và sinh tin học (Bio and Chem-Informatics)”

Chỉ riêng trong bài luận đề cập là hoạt chất Andrographolid chứ không phải dùng toàn cây Xuyên Tâm Liên, vậy có sự khác nhau quá lớn không. Dùng Andrographolid ở dạng viên nang là có hàm lượng rất cao mà khả năng hấp thụ của cơ thể với dạng toàn cây chưa chắc là 100%, vậy chúng ta phải uống bao nhiêu kg cây thuốc Xuyên Tâm Liên để cơ thể mới đạt đủ hàm lượng. Trong khi đó, các chế phẩm dược liệu đưa ra trên thị Việt Nam đều là dùng dạng cây Xuyên Tâm Liên kết hợp với một thuốc nào đó, có sản phẩm nào sử dụng hoạt chất chiết xuất Andrographolid này không. Như vậy tôi khẳng định không cần phải xem xét tới các chế phẩm từ Xuyên Tâm Liên hiện nay đang có trên thị trường như vậy có đúng không?

Từ thực nghiệm đến lâm sàng là cái còn quá xa vời.

Đã có rất nhiều hoạt chất thực nghiệm chứng minh được nó có tác dụng với một loại vi sinh vật nào đó nhưng khi áp dụng trên lâm sàng thì kiểu gì nó vẫn không có hiệu quả. Các thực nghiệm về hoạt chất Andrographolid chưa có tài liệu nào hoàn toàn khẳng định nó có tác dụng ức chế với virus Covid-19, tất cả mới là kết quả bước đầu nghiên cứu thực nghiệm. Và hơn nữa trong nghiên cứu thuốc chiết xuất thuốc Đông Y thì tôi khẳng định Trung Quốc là ông lớn nhất trong khu vực chứ không phải Thái Lan, vì như tôi nói đoạn đầu là  hoạt chất chiết xuất từ cây Xuyên Tâm Liên này đã được Trung Quốc đưa vào dược điển của họ từ năm 2010. Và là 1 trong các thuốc thiết yếu dùng trong cấp cứu của họ. Họ đã dùng trên người thì có cần làm thực nghiệm nữa không, sao không làm trên lâm sàng luôn dạng viên và dạng tiêm đã có để đánh giá nó, như vậy có khách quan và đỡ tốn kém hơn không.

Mục đích thực sự dùng Andrographolid trong Phác đồ chẩn đoán và điều trị Bệnh COVID – 19 Trung Quốc.

Đây là lý do đặc biệt quan trọng tôi muốn nhấn mạnh. Trong Phác đồ đưa ra Thời kỳ trị liệu Lâm sàng (chẩn đoán chính xác ca bệnh) họ nêu rất rõ  bài thuốc họ dùng cho mọi thể là: Thanh phế bài độc thang.  Nó được đề cao hàng đầu, chứ đâu phải thuốc chiết xuất từ Xuyên Tâm Liên.

Hoạt chất Andrographolid với biệt dược là Hỷ Viêm Bình (喜炎平 tiếng anh là Xiyanping) chỉ được dùng dạng tiêm ở Thể Nguy kịch và Chứng Khí doanh lưỡng phần thuộc thể Nặng. Vậy tôi cho rằng mục đích của họ là chống viêm để cấp cứu, bằng chứng là họ kết hợp với các thuốc tiêm như Huyết Tất Tịnh dạng tiêm, Nhiệt Độc Ninh dạng tiêm, Đàm Nhiệt Thanh dạng tiêm, Tỉnh Não Tịnh dạng tiêm. Bởi nếu họ dùng với mục đích kháng Virus thì họ sẽ dùng viên nang hoặc dạng tiêm ở tất cả các thể: thể nhẹ, thể phổ biến, thể nặng, thể nguy kịch.

Như vậy trên lâm sàng, phác đồ điều trị là văn bản cao nhất trong hành chính để đưa ra sử dụng ở các bệnh viện toàn quốc của Trung quốc, nó đã phải được nghiên cứu bởi các chuyên gia hàng đầu của họ, nên dù được công ty dược Tasly và bệnh viện Sơn Đông đề xuất dùng nó vì theo họ: Tác dụng dược lý Andrographolid phù hợp với đặc điểm của bệnh COVID – 19. (Đây cũng là bài luận chứ họ chưa thử nghiệm lâm sàng, bằng chứng là trong bài viết họ không có số liệu). Nhưng trong phác đồ mang tính chính danh nhất Trung Quốc, họ không dùng nó với mục đích kháng Virus mà dùng nó dưới dạng tiêm để cấp cứu bệnh nhân nặng như với các trường hợp cần cấp cứu ở các bệnh khác.

Vậy tôi nên kết luận như thế nào?

Với tôi Xuyên Tâm Liên vẫn là vị thuốc thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, kháng vi sinh vật nhẹ. Hoàn toàn có thể lựa chọn nó để dùng trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp thông thường, nhưng với một bệnh đặc biệt nghiêm trọng như COVID – 19 thì nó không phải là phát kiến gì mới và tác dụng của nó phải nói là còn hạn chế.

Thông tin ngoài lề:

Tôi biết PGS. TS. Nguyễn Thị Bay trước đây khi đọc cuốn “bệnh học và điều trị nội khoa (kết hợp đông – tây y)” do cô làm chủ biên. Tài liệu mà hồi còn y muỗi chúng tôi hay chia sẻ nhau đọc và tham khảo trong quá trình học. Cô cũng là người đóng góp rất nhiều cho ngành Đông y. Nên tôi rất quý cô. Tôi thực lòng không muốn nêu tên cô trong bài viết này nhưng để làm sáng tỏ vấn đề tôi đã mạo muội nhắc đến cô. Nếu cô biết được bài viết này rất mong cô bỏ qua. Bài luận của cô không mang tính khẳng định mà chỉ là đề xuất nhưng có lẽ người có dụng ý không tốt thổi phồng nó lên theo chiều hướng khác.

Huyết Tất Tịnh dạng tiêm (血必净注射液):  Chủ yếu thành phần có Hồng Hoa, Xích Thược, Xuyên Khung, Đan Sâm, Đương Quy. Tác dụng: Hóa ứ giải độc.

Nhiệt độc ninh dạng tiêm (热毒宁注射液): Thành phần: Thanh khao, kim ngân hoa, chi tử. Tác dụng: Thanh nhiệt, sơ phong, giải độc.

Tỉnh não Tịnh dạng tiêm (醒脑静注射液): Thành phần: Xạ hương, úc kim, băng phiến, chi tử.  Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, lương huyết hoạt huyết, khai khiếu tỉnh não.

Tham khảo:

Kết luận mới nhất của PGS. TS. Nguyễn Thị Bay

https://www.sggp.org.vn/su-that-ve-xuyen-tam-lien-trong-phong-va-dieu-tri-covid19-750081/

https://www.youtube.com/watch?v=Hxl4xjIQIV0

Bài luận “XUYÊN TÂM LIÊN ĐƯỢC PHỐI HỢP TRONG PHÒNG & TRỊ COVID 19” xem tại:

https://drive.google.com/file/d/109zfb2gEJSvk2WM7YxmBn3dYEYLSDJHj/view?fbclid=IwAR3fdEs9oxT6AHgP_sHZrhK7Ea22hQg5j03KoDXFvBiYaWH6kyMONza3zNk&fbclid=IwAR1L_ObV_CeCtoCtPCmIfLF_ptVivZZdA7GBT0akPYfF8w5lf3DjT758OgU

(Tài liệu không đăng trên trang .gov.vn nào nên cần kiểm chứng, nhưng đọc nội dung và tài liệu tham khảo trong bài luận thì tôi tin nó là xác thực)

0/50 ratings
Bình luận đóng