Sử quân tử
Sử quân tử

SỬ QUÂN TỬ

Tên Khác:

Bịnh cam tử, Đông quân tử (Trung Dược Tài Thủ Sách), Lựu cầu tử (Tây Phương Bản Thảo Thuật), Ngũ lăng tử (Dược Tài Tư Khoa Hối Biên), Quả Giun, Quả Nấc (Dược Điển Việt Nam), Sách tử quả (Nam Đình Thị Dược Vật Chí), Sử quân nhục (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tên Khoa Học:

Fructus Quisqualis Indica L.

Họ khoa học:

Họ Bàng (Combretaceae).

Mô Tả Cây:

Loại dây leo, mọc tựa vào cây khác . Lá mọc đối, đơn, nguyên. Hoa hình ống, mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc ngọn cành, dài khoảng 4-10cm. Lúc mới nở hoa mầu trắng sau chuyển thành đỏ phớt tím. Quả khô, hình trái xoan, có 5 sườn lồi, đầu trên nhọn, đầu dưới hơi tròn, khi chín mầu nâu sẫm. Mặt cắt ngang hình sao 5 cánh, giữa có khoang tròn đựng 1 hạt. Hạt hình thoi, vỏ mầu nâu sẫm, mỏng, nhăn nheo, dễ bóc, mùi thơm, vị bùi.

Địa lý:

Cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và Trung Việt Nam.

Thu Hái:

Tháng 9-10 và vào mùa đông, lúc trời khô ráo, hái quả gìa. Lựa loại vỏ cứng nâu đen, nhân trắng, mầu vàng nâu, có nhiều dầu, không vụn nát, không teo, không thối đen là thứ tốt. Quả hơi bầu bầu to thường tốt, quả dài, nhọn, bé thì nhân thường bị teo, sâu ăn là loại xấu. Phơi khô, đập lấy nhân. Tiếp tục phơi hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 50 – 600C đến khô.

Bộ phận dùng:

Quả chín khô (Fructus Quisqualis).

Mô tả dược liệu:

Sử quân tử hình bầu dục hoặc hình tròn trứng, có 5 đường cạnh dọc, 2 đầu nhọn như hình thoi, dài khoảng 3cm, đường kính 1,6 – 2cm. Vỏ ngoài mầu nâu đen hoặc đen tím. Cứng, thể nhẹ, khó bẻ gẫy, chỗ cắt ngang hình sao 5 cạnh, vỏ chỗ cạnh dầy hơn, khoảng giữa giống hình tròn, trong có 1 nhân. Nhân hình bầu dục, dài hoặc giống cái suốt vải, dài 2cm, đường kính 2cm, mặt ngoài có nhiều vết nhăn dọc, ngoài bọc 1 lớp màng mỏng mầu đen tro hoặc nâu đen, dễ bóc. Thịt mầu trắng vàng, mềm, có dầu, dễ bẻ. Không mùi, vị ngọt (Dược Tài Học).

Bào Chế:

+ Bỏ vỏ, lấy nhân, sao thơm để dùng hoặc để cả vỏ gĩa nát dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Lấy nhân ngâm qua nước, sao vàng, bỏ màng. Hoặc lấy nhân ngâm qua nước, sao giòn, tán bột, lấy 1 phần, thêm 3 phần bột nếp rang vàng chín và 1 chén đường, trộn đều, làm thành bánh cho trẻ nhỏ ăn *phương cách này tránh được không bị nấc+ (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Bảo Quản:

Dễ mọt mốc vì vậy cần để nơi khô ráo, kín, mát, thỉnh thoảng nên phơi.

Thành Phần Hóa Học:

+ Trong nhân Sử quân tử có chứa 20-27% chất dầu béo mầu xanh lục nhạt, sền sệt, mùi nhựa, vị nhạt, không có tác dụng tẩy giun (Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Chất gôm, các chất hữu cơ, chất đường (Dược Liệu Việt Nam).

Tác Dụng Dược lý:

1- Diệt Giun: Năm 1935, Perrier dùng nước sắc Sử quân tử ở Việt Nam thí nghiệm trên giun đất nhận thấy: giun bị tác dụng của nước sắc Sử quân tử dẫy dụa, sau đó tê liệt các bộ phận, da bong ra, mầu nhợt nhạt, hôn mê.

Năm 1947, Chu Đình Xung (Trung y Khoa học Tạp chí số 20, I: 143) thí nghiệm so sánh tác dụng của dung dịch nước Sử quân tử 10%, dung dịch nước tro Sử quân tử 10% và dung dịch 0,5% Kali Clorua trên giun đất đều thấy tác dụng giống nhau, vì vậy các tác giả kết luận rằng hoạt chất của Sử quân tử là muối Kali chứa trong Sử quân tử.

Năm 1948, Ngô Vân Thùy (trong Trung Hoa Y Học Tạp Chí số 34: 437,441) khi nghiên cứu so sánh tác dụng diệt giun của 1 số vị thuốc Đông y (Bách bộ, Khiên ngưu, Lôi hoàn, Ô dược, Quán chúng, Xuyên luyện tử…) đã kết luận rằng Sử quân tử có tác dụng diệt giun mạnh.

Năm 1950, Hồ Mông Gia (Trung Hoa Y Học Tạp Chí số 36: 619 – 622) báo cáo đã dùng cồn 950, cồn 500 để chiết Sử quân tử, bã sau khi chiết bằng cồn 950 được chiết bằng nước rồi thí nghiệm tác dụng trên giun đất thấy dịch chiết bằng cồn 950 không có tác dụng, dịch chiết bằng cồn 500 và nước hơi có tác dụng ức chế và gây mê.

Năm 1958, Đỗ Tất Lợi dùng Sử quân tử cắt bỏ đầu và bóc màng đi rồi cho ăn sống hoặc sắc uống đều thấy có gây nấc. Khi mới uống không thấy nấc nhưng sau khi ăn cơm thì thấy nấc. Nếu uống quá nhiều thì thấy mệt, ngoài ra không thấy hiện tượng nguy hiểm nào khác. Tác giả cũng báo cáo rằng nước sắc toàn quả giun có bóc vỏ hoặc không bóc vỏ vẫn có kết quả diệt giun (Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

2- Độc Tính:

Năm 1942, Trường Kỳ (Y Học Hội Tạp Chí Nhật bản số 2: 471 – 485 ghi nhận đã dùng dung dịch nước sắc Sử quân tử (0,83g/kg) tiêm dưới da chuột bạch, sau vài phút xuất hiện trạng thái mệt mỏi, hô hấp chậm lại không đều, sau 1-2 giờ, toàn thân co quắp, hô hấp ngưng lại mà chết, tuy nhiên tim còn hơi co bóp. Liều tối thiểu gây chết là 20g/kg (Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Năm 1926, K.M.Wu trong Chemical Analysis And Animal Experimentation Of Quisqualis Indica Mat.Med J. China 12 (2): 161 170 đã báo cáo độc tính của Sử quân tử không cao. Với liều 26,6g/kg cho chó uống thì ngoài hiện tượng ói và nấc không thấy triệu chứng ngộ độc nào khác . Sau 10 giờ trạng thái hoàn toàn trở lại bình thường (Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Năm 1956, Ngô Văn Thùy trong ‘Luận Văn Trích Yếu ‘ của Hội khoa học sinh lý Trung quốc số 27,28 báo cáo cho chuột nhắt và thỏ uống với liều 50-100mg/10g không thấy hiện tượng ngộ độc (Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Tính Vị:

+ Vị ngọt, tính ấm, không độc (Khai Bảo Bản Thảo).

+ Vị ngọt, khí ôn, hơi có độc (Bản Thảo Chính).

+ Vị ngọt, tính ấm (Trung Dược Đại Từ Điển).

Quy Kinh:

Vào kinh tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

Vào kinh tỳ,Vị, Đại trường (Bản Thảo Tân Biên).

Vào kinh túc thái âm Tỳ kinh, túc quyết âm Can kinh (Bản Thảo Kinh Giải).

Vào kinh tỳ, Vị (Trung Dược Đại Từ Điển).

Tác Dụng Và Chủ Trị:

+ Kiện Tỳ Vị, trừ thấp nhiệt. Trị trẻ nhỏ bị các bệnh da ngứa (Bản Thảo Cương Mục).

+ Sát trùng, tiêu tích, kiện tỳ. Trị giun đũa, bụng đau, trẻ nhỏ bị cam tích, sữa và thức ăn không tiêu, bụng đầy, tả, lỵ (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Sát trùng, tiêu tích. Trị giun đũa, giun móc, trùng tích, bụng đau, trẻ nhỏ bị cam tích (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

+ Trị trẻ nhỏ bị 5 chứng cam, tiểu đục, tiêu chảy, lỵ (Khai Bảo Bản Thảo).

+ Sát trùng, liện tỳ, tiêu thực (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều Dùng: 10 – 16g. Kiêng Kỵ:

+ Kỵ nước trà nóng, uống chung sẽ bị tiêu chảy ngay (Bản Thảo Cương Mục).

+ Kỵ thức ăn nóng (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Tỳ Vị hư hàn không nên dùng nhiều, dùng nhiều sẽ gây nấc (Bản Thảo Hối Ngôn).

+ Người không có trùng tích không nên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Uống thuốc này kỵ nước trà nóng. Uống liều cao có thể gây nấc, nôn mửa, chóng mặt (Trung Dược Đại Từ Điển).

Đơn Thuốc Kinh Nghiệm:

* Trị Giun, Cam Tich.

+ Hậu phác 0,4g, Sử quân tử nhân 40g, Trần bì 0,4g, Xuyên khung 0,4g. Tán bột, làm hoàn. Uống với nước gạo lâu năm(Sử Quân Tử Hoàn – Cục phương)

+ Đại hoàng, Sử quân tử, Tân lang, Vỏ rễ thạch lựu. Làm hoàn, uống với nước luộc thịt heo loãng hoặc nước luộc thịt gà, lúc đói(Sử Quân Tử Hoàn – Chứng Trị Chuẩn Thằng).

+ Bạch vô quyển 0,4g, Cam thảo 0,4g, Khổ luyện tử 5 trái, Sử quân tử 10 nhân. Tán bột. Mỗi lần uống 4g (Sử Quân Tử Tán – Ấu Khoa Chuẩn Thằng).

+ Sử quân tử, bỏ vỏ, tán bột. uống lúc canh năm, khi bụng đói, với nước cơm (Sử Quân Tử Tán – Bổ Yếu Thần Trân Tiểu Nhi Phương Luận ).

+ Mộc miết tử nhân 20g, Sử quân tử nhân 12g. Tán bột. Dùng 1 trái trứng gà, cho thuốc bột vào, chưng chín, ăn lúc bụng đói (Giản Tiện phương).

  • Trị trùng nha đông thống: Sử quân tử, sắc lấy nước, ngậm (Tần Hồ Tập Giản phương).
  • Trị đầu mặt lở ngứa: Sử quân tử nhân, ngâm với 1 ít dầu thơm 3-5 ngày, lúc đi ngủ, uống dầu thơm đó (Phổ Tế phương).
  • Trị trẻ nhỏ bị cam tích, bụng đầy, tiêu lỏng, ăn k m, bú k m: Sử quân tử, Kha tử đều 12g, Trần bì 6g, Hậu phác 8g, Cam thảo sắc uống (Sử Quân Tử Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị trẻ nhỏ Tỳ hư, cam tích: Sử quân tử, Mạch nha, Nhục đậu khấu đều 20g, Hoàng liên, Thần khúc đều 400g, Mộc hương 80g, Tân lang 20 trái. Tán bột, làm viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g với nước ấm *dưới 1 tuổi giảm bớt] (Phì Nhi Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị sán, giun kim, táo bón: Sử quân tử nhục, Đại hoàng, Hoàng cầm đều 8g, Thạch lựu bì, Tân lang đều 16g, Cam thảo tán bột. Mỗi lần uống 12g, trẻ nhỏ giảm bớt liều (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị giun chui ống mất, bụng trên đau quặn: Sử quân tử, Tân lang, Chỉ xác, Khổ luyện bì đều 12g, Ô mai 4g, Quảng mộc hương sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Trị giun: Sử quân tử nhục (sao vàng). Người lớn mỗi lần 10-20 quả, trẻ nhỏ mỗi tuổi mỗi lần 1,5 quả, tổng lượng không quá 20 quả. Ăn trước khi đi ngủ. Mỗi ngày 1 lần, liên tục 3 nagỳ (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tham Khảo:

+ Phàm thuốc sát trùng phần nhiều có vị đắng, cay, duy chỉ có vị Sử quân tử và Phỉ tử là có vị ngọt mà sát trùng. Phàm người lớn và trẻ nhỏ có giun nên uống Sử quân tử lúc sáng sớm, bụng đói. Hoặc lấy vỏ sắc lấy nước uống thì giun chết mà xuất ra vậy… (Bản Thảo Cương Mục).

+ Sử quân tử, là thuốc chủ yếu bổ Tỳ kiện Vị. Trẻ nhỏ bị 5 chứng cam, tiểu đục, tả, lỵ do có giun, do Tỳ hư Vị yếu, do sữa và thức ăn đình trệ, thấp nhiệt ứ kết lại gây ra. Tỳ được kiện, Vị được khai thì sữa và thức ăn tự tiêu, thấp nhiệt tự tan, thủy đạo tự thông mà các chứng được khỏi. Không có vị đắng, cay mà giết được giun, đó là loại thuốc tốt dành cho trẻ nhỏ (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Sử quân tử, phàm trẻ nhỏ ăn nhiều quá, uống nhiều thuốc có tính hoạt, làm cho Tỳ Vị bị tổn thương . Sử quân tử giết được giun đũa, Phỉ tử giết giun móc (Bản Thảo Chính).

+ Vị thuốc này chuyên sát trùng và tiêu thực mạnh, là vị thuốc chủ yếu trị cam tích, sát trùng nơi trẻ nhỏ. Lý Tần Hồ nói: Phàm thuốc sát trùng phần nhiều có vị đắng, cay, duy chỉ có Sử quân tử vị ngọt mà có tác dụng sát trùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

0/50 ratings
Bình luận đóng