Cây trám thân gỗ to cao 8-10m, cành phát triển nhiều, thường nằm ngang. Lá kép lông chim lẻ, cuống ngắn, mặt trên phiến lá chét sáng, phía dưới sẫm. Quả màu tím thuôn, hạt chia 3 ô. Có loại trám quả có vỏ xanh (gọi là trám trắng). Quả trám dùng để ăn và làm thuốc chữa bệnh.
Trám có nhiều loài khác nhau: trám trắng, trám đen, trám hồng. Quả trám còn gọi thanh quả hay cảm lãm (fructus canarii), được thu hái khi chín; có thể dùng tươi hoặc đem muối, sau đó phơi khô, hoặc sấy khô để chế các món ăn, có lợi cho hầu họng.
Thành phần hóa học, quả trám chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Ca, K, P, Fe, Mg, Mn, Zn, Cu… và vitamin C. Hạt quả trám chứa các acid béo.
Theo Đông y, quả trám có vị chua, ngọt, bùi, béo, tính ấm. Tác dụng sinh tân dịch, giải khát, thanh giọng, giải độc rượu, cá, chữa lở ngứa, sâu răng, chữa ho. Quả xanh có tác dụng giải độc. Quả chín có tác dụng an thần, trị động kinh. Ngày dùng 6 – 12g, dưới dạng nhai nuốt nước, hoặc dạng nước sắc.
Bài thuốc hay có tác dụng chữa bệnh từ quả trám:
Bài 1. Thuốc chữa nẻ da do khí lạnh
+ Hạt trám 50g
+ Dầu vừng 20ml
Hạt trám đốt thành than tán nhỏ cho vào dầu vừng bôi lên chỗ đau. Cần bôi liền 5-7 ngày.
Bài 2. Thuốc chữa bệnh sâu răng
+ Quả trám 50g
+ Lá nhãn 10g
+ Lá lốt 10g
Bóc quả trám lấy vỏ, hạt đốt thành than, cùng các vị thuốc sấy khô tán bột nhỏ. Người bệnh ngày 3 lần cho thuốc vào chỗ răng đau, mỗi lần lượng thuốc bằng hạt ngô.
Bài 3. Thuốc chữa bệnh mồm, miệng lở không ăn được
+ Quả trám 50g
+ Mỡ lợn 20ml
Quả trám đốt thành than, tán bột, cho vào mỡ lợn bôi lên chỗ đau. Cần bôi liền 5-7 ngày.
Cần lưu ý khi dùng quả trám:
Trong một cuốn sách đang lưu hành có ghi: “Quả trám còn gọi là ô liu…”. Ðây là sự nhầm lẫn vì cây và quả ô liu hoàn toàn khác với cây và quả trám.
Khi ăn cùi trám nên tách bỏ hạt (nhất là đối với trẻ em) để tránh hạt tuột vào họng.