Phòng phong ( 防风)
Mục lục
Tên và nguồn gốc
+ Tên thuốc: Phòng phong.
+ Tên khác: Đồng vân (铜芸), Hồi vân (茴芸), Hồi thảo (茴草), Bách chi (百枝), Lư căn (闾根), Bách phỉ (百蜚), Bình phong (屏风), Phong nhục (风肉).
+ Tên Trung văn: 防风 FANGFENG
+ Tên Anh Văn: Divaricate Saposhnikovia Root, Root of Divaricate Saposhnikovia
+ Tên La tinh:
Saposhnikouia diuaricata (Turcz.) Schis-chk.[Stenocoelium diuaricatum Turcz.; Siler diuaricatum (Tur-cz.) Benth. Et Hoo. F. ; Ledebouriella seseloides Auct. Non Wolff; L.diuaricata (Turcz) Hiroe]
+ Nguồn gốc: Là rễ của Phòng phong thực vật họ Hình Tán (umbelliferae).
Phòng phong Saposhnikovia divaricata
Dược liệu Phòng phong
Thu hoạch
Xuân, thu đều có thể đào, say khi đào rễ lên, bỏ đi đất và lá cọng, trước phơi khô đến 8 phần, sau buộc bó, lại phơi đến đủ khô.
Bào chế
– Phòng phong: Bỏ đi thân hỏng, dùng nước ngâm, vớt ra, ngấm ướt cắt lát, phơi khô.
– Sao phòng phong: Lấy phòng phong phiến, bỏ vào trong nồi sao qua đến sắc vàng sậm, lấy ra để nguội.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, phòng ngừa sâu mọt.
Tính vị
– Trung dược đại từ điển: Cay, ngọt, ấm.
– Trung dược học: Cay, ngọt, hơi ấm.
– Bản kinh: Vị ngọt, ấm.
– Biệt lục: Cay, không độc.
– Dược phẩm hóa nghĩa: Khí hòa, vị ngọt hơi cay, tính hơi ấm.
– Bản thảo tái tân: Vị cay, tính bình, không độc.
Qui kinh
– Trung dược đại từ điển: Vào kinh Bàng quang, Phế, Tỳ
– Trung dược học: Vào kinh Bàng quang, Can, Tỳ.
– Trân châu nang: Bổn dược kinh Thái dương.
– Thang dịch bản thảo: Thuốc hành 2 kinh Túc dương minh vị, Túc thái âm Tỳ.
– Lôi công bào chế dược tính giải: Vào Phế kinh.
– Bản thảo tái tân: Vào 3 kinh Can, Tỳ, Thận.
Công dụng và chủ trị
Trừ phong giải biểu, thắng thấp ngừng đau, ngừng co giật.
Trị ngọai cảm phong hàn, đau đầu, mắt hoa, cổ cứng, phong hàn thấp tý, khớp xương đau nhức, tứ chi co cấp, uốn ván.
– Bản kinh: Chủ đại phong hoa mắt, đầu đau, sợ gió, phong tà, quáng gà không nhìn thấy, phong chạy khắp người, khớp xương đau nhức, phiền đầy.
– Bản thảo kinh tập chú: Sát độc Phụ tử.
– Nhật Hoa tử bản thảo: Trị 36 thứ phong, tất cả lao yếu của con trai, bổ trung ích thần, mắt đỏ phong, cầm nước mắt và liệt hồi phục, thông lợi ngũ tạng quan mạch, ngũ lao thất thương, gầy tổn mồ hôi trộm, tâm phiền người nặng nề, có thể an thần định chí, đều khí mạch.
– Trân châu nang: Thân: khứ phong ở trên, ngọn: khứ phong ở dưới.
– Dược lọai pháp tượng: Trị phong thông dụng. Tả Phế thực, tán trệ khí trong đầu mắt, trừ phong tà ở thượng tiêu.
– Vương Hảo Chiêm: Róc (sưu) Can khí.
– Trường sa dược giải: Hành kinh lạc, trục thấp dâm, thông khớp xương, ngừng đau nhức, thư gân mạch, duỗi co gấp, họat khớp chi, hồi phục liệt, liễm mồ hôi tự ra, dứt lậu hạ, băng trung.
– Bản thảo cầu nguyên: Giải các chứng nhiệt độc dược Ô đầu, Nguyên hoa, Dã khuẩn.
Cách dùng và liều dùng
Sắc uống 4,5 ~ 9g.
Kiêng kỵ
– Trung dược đại từ điển: Người huyết hư co giật gấp, đau đầu không do phong tà kỵ dùng,
– Trung dược học: Bổn phẩm tính thúôc thiên ấm, người âm huyết thiếu hư, nhiệt bệnh động phong không nên sử dụng.
– Bản thảo kinh tập chú: Ghét Can khương, Lê lô, Bạch liễm, Nguyên hoa.
– Đừơng bản thảo: Sợ Tỳ giải.
– Bản thảo kinh sơ: Các bệnh huyết hư co giật gấp, đau đầu không do phong hàn, tiêu chảy không do hàn thấp, đại tiểu tiện bí rít, trẻ con tỳ hư phát co rút, mạn kinh mạn tỳ phong, khí thăng gây nôn, hỏa thăng gây ho, âm hư mồ hôi trộm, dương hư tự ra mồ hôi v.v…theo phép cùng kỵ.
– Đắc phối bản thảo: Người nguyên khí hư, bệnh không do phong thấp cấm dùng.
– Dùng thuốc phân biệt –
Kinh giới và Phòng phong đều vị cay tính hơi ấm, ấm mà không táo, giỏi về phát biểu tán phong, đối với chứng biểu ngọai cảm, bất kễ là cảm mạo phong hàn, sợ lạnh phát sốt, đầu đau không mồ hôi, hay là cảm mạo phong nhiệt, phát sốt, hơi ghét gió lạnh, đau đầu cổ họng đau v.v…2 trường hợp đều có thể sử dụng. Đồng thời cả 2 đều có thể dùng trị phong chẩn ngứa ngáy. Nhưng Kinh giới chất nhẹ thấu tán, sức phát hãn so với Phòng phong mạnh hơn, cảm mạo phong hàn, cảm mạo phong nhiệt đều thường chọn dùng; còn có thể thấu chẩn, tiêu nhọt,cầm máu. Phòng phong chất nhẹ mà nhuận, sức trừ phong khá mạnh, là “Thuốc nhuận của phong dược”, “Là thuốc thông dụng trị phong”, còn có thể thắng thấp, ngừng đau, ngừng co giật, lại có thể dùng trị chứng ngọai cảm phong thấp, đầu đau như bó, mình nặng, tứ chi đau v.v…
Nghiên cứu hiện đại
- Thành phần hóa học:
Bổn phẩm hàm chứa dầu bay hơi, mannite, β-sitosterol, glucoside vị đắng, phenols, polysaccharide và organic acid (Trung dược học).
- Tác dụng dược lý:
Bổn phẩm có tác dụng giải nhiệt, chống viêm, trấn tĩnh, giảm đau, chống kinh quyết, chống dị ứng. Nước tươi mới Phòng phong có tác dụng kháng khuẩn nhất định đối với trực khuẩn mủ xanh và khuẩn cầu chùm nho sắc vàng kim, thuốc sắc có tác dụng ức chế không đồng trình độ đối với trực khuẩn lỵ, khuẩn liên cầu tan máu. Đồng thời có tác dụng tăng cường công năng bảo vệ đại thực bào xoang bụng chuột con (Trung dược học).
Bài thuốc cổ kim tham khảo
+ Phương thuốc 1:
Trị phong tà thương vệ, có mồ hôi sợ gió: Phòng phong, Kinh giới, Cát căn.
(Chứng nhân mạch trị – Phòng phong thang)
+ Phương thuốc 2:
Trị thiên chính đầu thống, lâu năm không khỏi, phong thấp nhiệt ngược lên tổn mắt, cùngnão đau không ngừng: Xuyên khung 5 chỉ, Sài hồ 7 chỉ, Hòang liên (sao), Phòng phong (bỏ mầm), Khương họat đều 1 lượng; Chích cam thảo 1 lượng, Hòang cầm 3 lượng (bỏ vỏ, 1 nửa chế rượu, 1 nửa sao).
Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần uống thìa 2 chỉ, bỏ vào trong chén thêm trà chút ít, nước nóng điều như cao, thoa trong miệng, dùng ít nước sôi uống. Đi nằm, nếu đầu đau, mỗi lần uống gia thêm Tế tân 2 phân.
(Lam thất bí tàng – Thanh không cao)
+ Phương thuốc 3:
Trị thiên chính đầu phong, đau không chịu được: Phòng phong, Bạch chỉ đều 4 lượng. thuốc trên nghiền bột, luyện mật hòa hòan, lớn như viên đạn.
Nếu răng phong độc, chỉ dùng trà trong làm hòan, mỗi lần uống 1 hòan, nước trà nóng uống.
Nếu thiên chính đầu phong, bụng đói uống.
Nếu trên mình ma phong, uống sau bửa ăn.
Chưa khỏi uống liền 3 lần.
(Phổ tế phương)
+ Phương thuốc 4:
Trị chứng phong nhiệt nghịch uất, gân mạch co mỏi, chi thể tiều tụy mềm yếu, hoa mắt đầu tối sầm, xương sống lưng cứng đau, tai ù mũi nghẹt, miệng đắng lưỡi khô, cổ họng nuốt nghẹn không lợi, hung cách bĩ cứng đầy, ho ói suyễn đầy, nước mắt mũi, nước bọt đặc dính, ruột bao tử táo, nhiệt kết, tiểu tiện lâm bế v.v…: Phòng phong, Xuyên khung, Đương qui, Thược dược, Đại hòang, Bạc hà diệp, Ma hòang, Liên kiều, Mang tiêu đều nửa lượng; Thạch cao, Hòang cầm, Cát cánh đều 1 lượng, Họat thạch 3 lượng, Cam thảo 2 lượng; Kinh giới, Bạch truật, Chi tử đều 1phân. Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2 chỉ, nước 1 chén lớn, Gừng tươi 3 lát, sắc đến 6 phân, uống ấm.
(Nghi minh luận phương – Phòng phong thông thánh tán)
+ Phương thuốc 5:
Trị Bạch hổ phong, đau nhức chạy chuyển, 2 đầu gối nóng sưng: Phòng phong 1 (2) lượng (bỏ đầu mầm, sao qua), Địa long 2 lượng (sao qua), Lậu lô 2 lượng,
Thuốc trên giã nhỏ sàng làm bột. Dùng rượu nóng điều uống mỗi lần 2 chỉ, bất cứ lúc nào.
(Thánh huệ phương – Phòng phong tán)
+ Phương thuốc 6:
Trị tự ra mồ hôi: Phòng phong, Hòang kỳ đều 1 lượng, Bạch truật 2 lượng. Mỗi lần uống 3 chỉ, nước 1 chung rưỡi, Gừng 3 lát sắc uống.
(Đơn Khê tâm pháp – Ngọc bình phong tán)
+ Phương thuốc 7: Trị mồ hôi trộm: Phòng phong 5 chỉ, Xuyên khung 2,5 chỉ, Nhân sâm 1 chỉ 2 phân rưỡi. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2chỉ, trước khi đi ngủ
nước cơm điều uống.
(Thế y đắc hiệu phương – Phòng phong tán)
+ Phương thuốc 8:
Tiêu phong thuận khí, trị người già đại trường bí sáp: Phòng phong, Chỉ xác (sao cám) đều 1 lượng, Cam thảo nửa lượng. Nghiền nhỏ, mỗi lần uống 2 chỉ với nước sôi trắng, trước bửa ăn.
(Giản tiện đơn phương)
+ Phương thuốc 9:
Trị viêm âm đạo khuẩn nấm: Phòng phong, Đại kích, Ngãi diệp đều 5 chỉ. Sắc uống, xông rửa, mỗi ngày 1 lần.
(Từ Châu – Đơn phương nghiệm phương tân y liệu pháp)
+ Phương thuốc 10:
Bồ công anh 20g, Hạ khô thảo 30g, Cúc hoa 15g, Hòang cầm 10g; Phòng phong, Kinh giới đều 9g, sắc thang rửa ngòai, điều trị viêm giác mạc mụt nước đơn thuần có hiệu quả.
(Trung y Thiểm Tây, 2000, 11: 486)
+ Phương thuốc 11:
Dùng Phòng phong 10 ~ 15g, Khương họat 10 ~ 12g, Cam thảo 6g, tổ thành Phòng phong thang, gia vị theo chứng, điều trị viêm thần kinh mặt 23 ca, thu được hiệu quả tốt.
(Trung y dược Giang Tây, 1998, 3: 32)
+ Phương thuốc 12:
Dùng Thương truật, Bạch truật, Phục linh, Bạch thược đều 10g, Phòng phong 6g tổ thành Thăng dương trừ thấp Phòng phong thang, lâm sàng gia giảm theo chứng, điều trị Huyền vựng (Hoa mắt chóng mặt) có hiệu quả.
(Trung y Tứ Xuyên 2000, 3: 23)
Theo “Dược phẩm vựng yếu”
Phòng phong (Chất chắc mà mượt là tốt, bỏ cuống, đầu và đuôi rồi dùng)
Khí vị:
Vị cay, ngọt, tính ấm, không độc, nổi mà đưa lên, là dương dược, vào Can kinh, ghét Can khương, Nguyên hoa, Lê lô, Bạch liễm, sợ Tỳ giải, khử được độc Phụ tử.
Chủ dụng:
Thông dụng để chữa phong, cũng dùng để tán thấp, thân nó trừ phong tà ở thượng bán thân, đuôi nó trừ phong tà ở hạ bán thân, giải tán trệ khí, thông quan mạch, tả Phế thực, thông Can khí, là loại thuốc phong rất nhuận để chữa các chứng đại phong, ác phong, phong tê khắp mình, phong chạy khắp đầu mặt, chân tay co quắp, là thuốc chủ yếu để chữa chứng phong ở thượng tiêu, trị ung nhọt, đổ mồ hôi trộm, chóng mặt, hở thóp, mắt mờ, đỏ, nhiều nước mắt.
Hợp dụng:
Chức năng của nó như hạng binh nhất trong hàng ngũ quân đội, nghe theo lệnh mà thi hành, dẫn tới đâu thì đi tới đó, gặp Trạch tả, Cảo bản thì trị phong, gặp Bạch thược, Đương quy thì chữa tạng phong của đàn bà, khi dùng nhất định phải kèm có Kinh giới vì Phòng phong thì vào khí phận, mà Kinh giới thì vào huyết phận.
Kỵ dụng:
Mạch thuôc hư thì nhất thiết không được dùng, vì uống lầm thì tả tán nguyên khí ở thượng tiêu, phàm những chứng Phế hư, huyết hư, khí và hỏa táo thi đều kiêng kỵ.
Nhận xét:
Phòng phong là thuốc tiên chữa phong thấp, vả lại có thể phát huy khí thế của thuốc, nhưng cũng thuộc về hệ thuốc tân ôn, tảo tiết.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Y học tâm ngộ”
Bài Quyên tý thang
Khương hoạt, Độc hoạt, Tần giao, Đương quy đều 8g, Quế chi, Xuyên khung đều 6-8g, Hải phong đằng, Tùng chi đều 30g, Mộc hương 4-6g, Chích Cam thảo 4-6g, Nhũ hương 4-6g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng khu phong, trừ thấp.
Trị phong hàn thấp tý, chân tay và toàn thân đau, khớp xương nhức hoặc tê sưng, cử động khó khăn, gặp nắng thì đỡ, gặp mưa lạnh thì bệnh tăng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền khẩn.
Trên lâm sàng bài này thường dùng chữa các khớp đau nhức do hàn thấp tý, nhất là viêm quanh khớp vai, lưng đau.
Gia giảm: Nếu thuộc phong tý (nơi đau di chuyển) thêm Phòng phong; nếu thiên về hàn tý thêm Phụ tử; nếu thiên về thấp nặng (các khớp phù, sưng, chân tay nặng nề) thêm Phòng kỷ, Thương truật, Ý dĩ; nếu chi trên đau nhiều thêm Uy linh tiên; chi dưới đau nhiều thêm Ngưu tất, Tục đoạn.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Thanh thượng quyên thống thang
Hoàng cầm 6-10g, Mạch môn 5-12g, Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong, Bạch truật, Đương quy, Xuyên khung, Bạch chỉ đều 5-6g, Mạn kinh, Cảo bản, Cúc hoa đều 3-4g, Sinh Khương 6g, Cam thảo, Tố tân đều 2g.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng khí, trừ phong.
Chữa người khí huyết thượng xung sinh đau thần kinh mặt, thần kinh số 5, đau xương hàm trên. Vùng mặt thuộc dương, rất dễ cảm phong. Đông y coi chứng phong ở mặt là một va chạm nhẹ, dùng bài này rất hiệu quả.
“Thẩm thị giao hàm”
Bài Lương cách thanh tỳ ẩm
Kinh giới 8g, Xích thược 10g, Thạch cao 12g, Sinh địa 12g
Phòng phong 8g, Hoàng cầm 12g, Liên kiều 8g, Chi tử 8g,
Bạc hà 6g, Cam thảo 4g, Đăng tâm 4g.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa Tỳ kinh có nhiệt nung nấu, mí mắt nổi nốt như sởi, thậm chí sụp mi, chảy nước mắt, thị lực lờ mờ.
“Bí truyền nhãn khoa long mộc luận”
Bài Linh dương giác ẩm tử
Linh dương giác 40g, Mang tiêu 40g, Phòng phong 80g, Đại hoàng 40g, Ngũ vị tử 40g, Tri mẫu 40g, Tế tân 40g.
Cùng tán nhỏ, mỗi lần sắc uống 8-12g, ngày 2-3 lần.
Chữa tròng đen mắt kéo màng do nhiệt và lẹo mắt.
“Chứng tri chuẩn thằng”
Bài Khu phong tán
Phòng phong,Thiên nam tinh, Bán hạ, Hoàng cầm, Cam thảo, mỗi vị 1 lạng, tán nhỏ, mỗi lần dùng 2đ, thêm sinh Khương 3 nhát, sắc uổng.
Chữa trúng phong mồm mắt bị méo.
“Tế sinh phương”
Bài Tu kim hoàn gồm Hoàng liên 4 lạng, Phòng phong, Hoàng cầm mỗi vị 1 lạng, thêm Hồ và Dấm, làm hoàn bằng hạt ngô, mỗi lần uống 70 viên với nước Cơm.
Trị bệnh Đại tràng xúc nhiệt, hoặc do uống Rượu nhiều, máu chảy không ngớt.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Đương quy ẩm tử
Đương quy 10g, Sinh địa 8g, Xuyên khung 6g, Bạch thược 6g, Phòng phong 6g, Bạch tật lê 6g, Hoàng kỳ 4g, Kinh giới 4g, Hà thủ ô 6g Cam thảo 4g. sắc, chia uống 2 lần trong ngày.
Chủ trị: những người âm huyết kém không dưỡng được da, sinh ngứa, khô da, nặng thì sinh eczema, viêm ngứa không ướt, sinh mề đay. Người già hay mắc chứng này.