Tên khoa học:

Stephania tetrandrae S. Moore Họ khoa học: Họ Tiết Dê (Menispermaceae)

Tên thường dùng: Phòng kỷ, phấn phòng kỷ, Hán phòng kỷ, thạch thiềm thừ, sơn ô qui, đảo địa cung, kim ty điếu miết, bạch mộc hương.

Tên tiếng Trung: 房 己

Lưu ý: Cần phân biệt với Mộc phòng kỷ (Cocculus trilobus – Thunb DC) và Quảng phòng kỷ ( Aristolochia fangchi Wu et L.D. Chou et S.M.Hwang) cũng thuộc họ tiết dê.

Có hai thứ: Hán phòng kỷ xuất xứ đất Hán, có vân như nan hoa bánh xe, màu vàng, chất chắc mà thom là tốt hơn cả, Mộc phòng kỷ xuất xứ ở Hoa châu có màu xanh trắng rồng mà mềm là hạng thứ.

Phòng kỷ chưa thấy phát hiện ở Việt nam. Ở Trung quốc cây Phòng kỷ mọc nhiều ở các tỉnh Triết giang, An huy, Giang tây, Hồ bắc. Quảng phòng kỷ cũng gọi là Mộc phòng kỷ có nhiều ở 2 tỉnh Quảng đông, Quảng tây nên ta có thể lưu ý khai thác tại các vùng biên giới giữa ta và Trung quốc. Tài liệu này chỉ giới thiệu về Hán phòng kỷ.

Mô tả

Phòng kỷ
Phòng kỷ

Phòng kỷ là một cây thuốc quý. Cây sống lâu năm, mọc leo, rễ phình thành củ, đường kính của rễ có thể tới 6cm. Thân cây mềm, dài khoảng 2,5-4m. Vỏ thân màu xanh nhạt, nhưng ở gốc màu hơi đỏ. Lá mọc so le hình tim, dài khoảng 4-6cm, rộng khoảng 4,5-6cm, đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt lá đều có lông, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro. Cuống lá dài gần bằng chiều dài của lá dính vào phía trong phiến lá. Hoa nhỏ, khác gốc, màu xanh nhạt. Quả hạch, hình cầu hơi dẹt. Bộ phận dùng: Rễ cái. Rễ cái vàng, chắc, có vân ngang là tốt. Rễ đen, xốp, có chỗ loét, thái vỡ là xấu.

Liều dùng và chú ý:

Liều thường dùng: 5 – 10g.

Chú ý lúc dùng:

Vị thuốc đắng hàn dễ gây tổn thương tỳ vị cho nên tỳ vị vốn hư, âm hư, không có chứng thấp nhiệt không nên dùng.
Súc vật thực nghiệm cho thấy, dùng uống lượng lớn Phòng kỷ tố A có độc rõ với gan, thận, tuyến thượng thận, dùng trên lâm sàng cần chú ý.
Quảng Phòng kỷ cũng gọi Mộc Phòng kỷ nhưng cũng có cây Mộc Phòng kỷ tên khoa học là Couuluc triobus (Thumb) D.C. hai loại khác nhau và trên thực tế còn nhiều loại Phòng kỷ, cho nên lúc dùng Phòng kỷ trong nghiên cứu cũng như điều trị cần chú ý phân biệt.
Theo kinh nghiệm của Y học cổ truyền, Hán Phòng kỷ và Mộc Phòng kỷ đều có tác dụng trừ phong thấp và tiêu phù thũng, nhưng Hán phòng kỷ lợi thủy tiêu phù mạnh hơn, còn Mộc phòng kỷ khu phong chỉ thống tốt hơn. Gần đây nhiều công trình nghiên cứu Hán phòng kỷ nhận xét thuốc có nhiều tác dụng dược lý.

Khí vị:

Vị cay đắng, tính hàn không độc, ghét Tế tân, sợ Tỳ giải, Nữ uyển (Tử uyển màu tía, Nử uyển màu trắng), Lỗ hàm, giải độc Hùng hoàng.

Chủ trị:

Chữa các bệnh thấp nhiệt, sưng đau, cước khí từ rốn trở xuống, lợi đại tiểu tiện, trừ Bàng quang tích nhiệt. Muốn tiêu sưng lở nếu không có Hán phòng kỷ thì không thành công, muốn chữa ho hen do Phế khí, trong ngực nhói đau, trúng phong co quắp, các thứ tà phong thấp, ngược, nhiệt thì phải dùng Mộc phòng kỷ. Nhưng tóm lại nó đều là loại thuốc thông hành 12 kinh lạc để giải tán thấp nhiệt.

Hợp dụng:

Đây là vị thuốc mạnh có hại ngầm, khi dùng phải phối hợp với Sâm, Linh,Truật để không gây hại.

Kỵ dụng:

Nếu ăn uống nhọc mệt, âm hư nóng bốc, Vị hư, Thận hư, thai tiền, sản hậu, nhiệt ở phần khí Thượng tiêu thì nhất thiết chớ dùng, vì nó có thể chữa bệnh hữu dư mà không thể chữa bệnh bất túc.

Hiện nay có tài liệu nói Phòng kỷ có thể gây bệnh ung thư, phải nghiên cứu thêm và thận trọng.

Cách chế:

Rửa rượu, bỏ vỏ sao khô, chữa bệnh về Phế thì dùng sống. Theo Lôi công thì nấu chung với cây Mã đề, rồi bỏ Mã đề đi, phơi khô dùng.

Nhận xét:

Phòng kỷ nhờ âm khí trong đất, kiêm hấp thụ táo khí của mùa Thu mà nên, cho nên vị cay đắng, là thuốc thiết yếu chữa bệnh về huyết ở hạ bộ, và trừ chứng thấp nhiệt thuộc thực.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Kim quỹ yếu lược”

Bài Phòng kỷ hoàng kỳ thang

Phòng kỷ, Bạch truật đều 8-12g, Hoàng kỳ 12-24g, trích Cam thảo 4g, sinh Khương 3 nhát, Đại táo 3 quả. sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Có tác dụng bổ khí, kiện Tỳ, lợi thủy, tiêu phù.

Trị phong thủy thấp tỷ thuộc chứng biểu hư thấp nặng, ra mồ hôi sợ gió, thân thể sưng phù nặng nề, rêu lưỡi trắng. mạch phù.

‘Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Độc hoạt thang

Phòng kỷ, Hoàng bá đều 10g, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt, Quế chi, Sinh địa, Trạch tả đều 4g, Đương quy, Đào nhân, Liên kiều đều 6g, Cam thảo 3g.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa những người tân dịch kém, dễ bị phong tà, cước khí, chân tay đau nhức, khó co duỗi, có khi mất cảm giác, mạch sác,hữu lưc. Thuốc nên uống nóng.

Bài Phòng kỷ phục linh thang

Hoàng kỳ 6g, Phòng kỷ 6g, Quế chi 6g, Bạch linh 8-16g, Cam thảo 2-4g. sắc, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài này nóng hơn bài Phòng kỷ hoàng kỳ, chữa chân dương hư. Người chân dương hư thì nặng về tê chân tay, chóng mặt, da mềm hơn, người liệt hơn, có người bị ỉa chảy lâu ngày, những người này da mọng nước hơn. Những người nhiều nước quá thì gia thêm Phụ tử

Áp dụng: Bài Phòng kỷ phục linh chữa chứng phù do ứ nước, bí mồ hôi, nước tiểu bài xuất ít, vì thế cần Quế chi, Bạch linh, có khi cần thêm Phụ tử. Bài này chữa chân dương hư, bài Phòng kỷ hoàng kỳ chữa chân âm hư, ít nóng hơn.

Ghi chú: Một số vị thuốc mang tên Phòng kỷ

Quảng phòng kỷ là rễ cây Aristolochia westlandi Hemsl., họ Dây hương (Aristolochiaceae).

Hán trung phòng kỷ là rễ cây Aristolochia heterophylla Hemsl., họ Dây hương (Aristolochiaceae).

Mộc phòng kỷ là rễ cây Cocculus trilobus DS., họ Tiết dê (Menispermaceae).

Nam phòng kỷ (Radix Momordicae) là rễ cây Gấc Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng, họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

Những nghiên cứu gần đây cho thấy trong một số cây thuộc chi Aristolochia và Asarum thuộc họ Dây hương có acid aristolochic gồm hai loại acid aristolochic 1 và acid aristolochic 2, đều là những tác nhân có độc tính cao, trong đó acid aristolochic 1 có độc tính cao hơn. Các chất này có bằng chứng có nguy cơ cao gây ung thư hoặc làm suy thận.

0/50 ratings
Bình luận đóng