Nhận định chung
Clo hữu cơ là một trong những nhóm thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Do độc tính cao và đặc biệt là khả năng tồn tại kéo dài gây ô nhiễm môi trường và nhiễm độc thứ phát cho người và gia súc qua thực phẩm nên 1 số hoá chất loại này như DDT, 666 hiện nay không còn được dùng nữa. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường vẫn có rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi và nguy cơ gây nhiễm độc cho người vẫn rất cao. Cơ chế tác dụng: Các clo hữu cơ tác dụng chủ yếu trên thần kinh trung ương. Các nghiên cứu điện não chứng minh rằng clo hữu cơ ảnh hưởng đến màng tế bào thần kinh bằng cách can thiệp vào tái cực, kéo dài quá trình khử cực, hoặc làm ảnh hưởng đến việc duy trì trạng thái phân cực của các tế bào thần kinh. Kết quả cuối cùng là tăng tính kích thích của hệ thống thần kinh và tế bào thần kinh phát xung liên tục. Khi đủ liều, clo hữu cơ giảm ngưỡng co giật (DDT và các chất tác dụng trên kênh natri) hoặc làm mất các tác dụng ức chế (đối kháng với tác dụng GABA) và gây kích thích thần kinh trung ương, với kết quả là co giật, suy hô hấp, và tử vong.
Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật Clo hữu cơ
Nguyên tắc điều trị
Hồi sức và chống co giật là các điều trị cơ bản. Không có điều trị đặc hiệu.
Tại tuyến cơ sở
Seduxen 10mg tiêm tĩnh mạch, nhắc lại sau mỗi 5 phút cho đến khi hết co giật. Nhắc lại hoặc truyền tĩnh mạch để duy trì nồng độ đủ khống chế cơn giật.
Nếu ngộ độc đường uống:
– Gây nôn nếu bệnh nhân tỉnh và chưa co giật.
– Than hoạt 20g uống cùng sorbitol 40g uống.
– Kiểm soát hô hấp: thực hiện ngay khi tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân, tuỳ theo tình trạng bệnh nhân mà có can thiệp phù hợp:
+ Đặt đầu nằm nghiêng an toàn tránh trào ngược.
+ Hút đờm rãi họng miệng.
+ Thở oxy mũi, nếu không cải thiện: Bóp bóng qua mặt nạ có oxy.
+ Đặt nội khí quản hút đờm, bóp bóng cho tất cả bệnh nhân có co giật, suy hô hấp.
Chuyển bệnh nhân lên tuyến càng nhanh càng tốt
Trước và trong khi chuyển phải khống chế được cơn giật bằng seduxen tiêm bắp hoặc tĩnh mạch nhắc lại nếu cần.
Chống co giật: Cần phải cắt cơn giật ngay và bằng mọi giá, ngay khi bệnh nhân vừa vào viện, trước các biện pháp điều trị khác.
Nếu cơn co giật nhẹ và thưa:
+ Benzodiazepin tiêm bắp, tĩnh mạch kiểm soát cơn giật.
+ Gardenal viên 0,1 gam ngày uống 3-5 viên.
Nếu cơn co giật mạnh và dầy:
+ Benzodiazepin tiêm tĩnh mạch kiểm soát cơn giật.
+ Thiopental hoặc Propofol truyền tĩnh mạch điều chỉnh tốc độ truyền để cắt cơn giật…
Nếu cơn giật mạnh và khó khống chế nên phối hợp với các thuốc giãn cơ như tracrium, …
Điều trị suy hô hấp:
+ Thở máy cho các bệnh nhân co giật có suy hô hấp, sử dụng thuốc chống co giật tĩnh mạch.
+ Cho thuốc giãn phế quản như salbutamol, berodual, khí dung hoặc truyền tĩnh mạch nếu có co thắt phế quản.
Kiểm soát huyết động:
+ Theo dõi sát mạch, huyết áp.
+ Nếu có trụy mạch, tụt huyết áp đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để kiểm soát thể tích tuần hoàn. Nếu không giảm thể tích mà tụt huyết áp cho thuốc vận mạch (dopamin, dobutamin 5-15 Pg/kg/phút, noradrenalin từ 0,1Pg/kg/phút điều chỉnh liều theo đáp ứng).
Kiểm soát nước điện giải toan kiềm:
+ Bù dịch và điện giải theo CVP, kết quả xét nghiệm.
+ Kiểm soát và dự phòng suy thận cấp do tiêu cơ vân cấp ở những bệnh nhân co giật kéo dài: truyền dịch để bảo đảm có nước tiểu > 2000ml/24 giờ.
Dinh dưỡng và năng lượng:
+ Những bệnh nhân nặng, trong 12-24 giờ đầu nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
+ Những ngày sau cho nuôi dưỡng lại bằng đường tiêu hoá sớm khi đường tiêu hoá ổn định.
Dự phòng điều trị nhiễm khuẩn:
+ Kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ đặc biệt ở bệnh nhân có biến chứng hít, sặc phổi, đặt nội khí quản, thở máy cần nuôi cấy chẩn đoán vi khuẩn và sử dùng kháng sinh hợp lý.
Tiến triển và biến chứng
Chẩn đoán là ngộ độc nặng khi:
+ Biết chắc chắn là bệnh nhân uống một số lượng lớn clo hữu cơ.
+ Có các biến chứng co giật, mê, loạn nhịp, trụy mạch, sặc phổi.
+ Có suy hô hấp tiến triển.
+ Có các tổn thương tạng đi kèm: viêm gan nhiễm độc cấp, hoại tử tế bào gan…