Tại hội nghị “Phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia” diễn ra mới đây tại Bình Dương, TS Cao Minh Quang – Thứ trưởng Bộ Y tế – cho biết, từ những năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới đã giới thiệu 200 loại dược liệu quý tại VN. Hiện VN chỉ mới có 10/100 cơ sở có dây chuyền sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn sản xuất thuốc tốt (GMP).
Trong khi nguồn dược liệu là rất phong phú, đa dạng, nhưng theo thống kê của Cục Quản lý dược VN, thuốc từ dược liệu chỉ chiếm khoảng 30% tổng số đăng ký thuốc sản xuất trong nước; hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu sản xuất những loại thuốc thông thường.
Các loại nguyên liệu thuộc dạng hoạt chất nhập đã đành, nhưng trên thực tế ngay cả những mặt hàng thuộc về thế mạnh của VN là các loại thuốc y học cổ truyền (YHCT), dược liệu lưu hành trên thị trường cũng chủ yếu nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Singapore. Tại TPHCM – nơi chiếm đến 70% tỉ trọng số lượng thành phẩm và nguyên liệu dược liệu của cả nước, 70-90% mặt hàng đông dược lưu hành trên thị trường là hàng nhập lậu.
Trong khi thị trường đã sẵn có với tiềm năng là kho dược liệu tại chỗ rất lớn – trên 3.800 loài cây, nhưng theo thừa nhận của ông Quang, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lưu thông, phân phối dược liệu, nguồn dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng và hiện đang còn rất nhiều bất cập.
Về mặt quản lý, theo TS Quang, dược liệu chủ yếu được buôn bán theo hộ kinh doanh cá thể, tự phát, không đủ điều kiện bảo quản, tiêu chuẩn vệ sinh. Đồng thời, không ít dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc nên không quản lý nguồn gốc, chất lượng. Gần như thị trường dược liệu ở trong nước đều phụ thuộc vào nước ngoài.
Mất nguồn dược liệu vì khai thác vô tội vạ
Theo TS Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ NNPTNT thì, nhiều loại dược liệu tại VN có giá trị cao đã được thế giới công nhận như: Cây hồi, quế, atisô, sâm Ngọc Linh… VN hiện có tiềm năng rất lớn về dược liệu.
Chỉ tính riêng về cây hồi – là cây lâm đặc sản nhóm tinh dầu có giá trị xuất khẩu cao, được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn…, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế nguồn cây thuốc vẫn bị khai thác vô tội vạ từ rừng tự nhiên. Nhiều loài thuộc các chi và các loài đặc hữu chỉ có ở VN, muốn gây trồng và phát triển làm dược liệu nhưng không kiếm được giống…
TS Cao Minh Quang dẫn chứng, cách nay vài năm, khi cây vàng đắng ở Phước Long, Bình Phước được phát hiện có giá trị làm thuốc chữa bệnh thì người dân đổ xô đi đào, chặt; và đến nay gần như không còn cây vàng đắng. Bức xúc trước thực tế như trên, Tổng GĐ Cty CP Y dược phẩm Vimedimex cho biết, muốn sản xuất thuốc với giá rẻ nhưng tìm dược liệu trong nước… quá khó.
Ông Hùng dẫn chứng về cây thông đỏ có giá trị dược liệu rất lớn, thậm chí lên tới vài triệu USD/kg tinh dầu, nhưng đến nay đã bị săn lùng khai thác đến gần hết. “Hai năm trước đây, khi dư luận phát hiện một vùng thông đỏ còn sống sót tại Lâm Đồng, thì sau một tháng phát hiện đã bị bới tận gốc. Giờ muốn phát triển lại cũng khó”- ông Hùng cho biết thêm.
Một vấn đề khác đang được quan tâm hàng đầu hiện nay chính là các mặt hàng thuốc từ dược liệu và dược liệu rác đang bị nhập khẩu tràn lan qua đường tiểu ngạch. Chính vì khó kiểm soát được nên dược liệu ồ ạt tuồn lậu vào thị trường trong nước với giá… rẻ bèo và dược liệu sản xuất trong nước có giá cao không cạnh tranh được.
Để tránh được bàn thua trông thấy ngay trên sân nhà, ngay từ bây giờ, VN cần phải đánh giá lại tiềm năng của ngành dược liệu trong nước để có chính sách ưu đãi cụ thể từ quy trình trồng trọt, chế biến thuốc. Bên cạnh đó, cần phải siết chặt hoạt động nhập khẩu nguồn dược liệu từ nước ngoài và có kế hoạch khai thác và bảo tồn cây thuốc trong nước một cách hợp lý.