Cần phân biệt những thay đổi chức năng theo tuổi, mà sự lão hóa của chính bản thân hệ thần kinh thực vật do những thay đổi của những cơ quan chi phối sinh ra, với những rối loạn từ những vòng điều chỉnh phức tạp dẫn đến những hội chứng lâm sàng riêng biệt.
Những thay đổi của hệ thần kinh đã được biết như sự giảm sút tốc độ dẫn truyền, tốc độ phản ứng và sự tái sinh, cũng đáng lưu ý trong hệ thần kinh thực vật. Trương lực của hệ giao cảm và phó giao cảm giảm xuống. Ngay cả sự điều chỉnh thực vật trở nên chậm chạp và biên độ giảm mạnh (Birkmayer). Điều đó chứng minh rất sinh động trong những sóng huyết áp vận mạch (Steinmann).
Không những biên độ mà còn cả tần số của những sóng cũng giảm trong tuổi già, từ một tần số tròn 7 sóng/phút ở những năm tuổi trẻ giảm xuống còn 2 – 3 sóng/phút ở tuổi cao.
Với tuổi càng cao thì tác dụng của giao cảm và phó giao cảm lên các cơ quan và tổ chức càng yếu hơn (Frolkis). Điều đó đã được chứng minh: phải dùng tới một kích thích điện mạnh vào thần kinh phó giao cảm của một con chuột già mới có thể gây được chậm nhịp tim và vào chuỗi hạch giao cảm cạnh sống cũng mới gây được co thắt mạch ở những mạch máu của các chi. Tính mẫn cảm với kích thích của những hạch thần kinh thực vật cũng bị giảm, ngay cả số lượng tối đa dẫn truyền xung động trong một giây từ các hạch chuyển tiếp đi cũng bị giảm sút. Do đó khả năng thích nghi của hệ thần kinh thực vật bị hạn chế. Trái lại, sự nhạy cảm của cơ quan chi phối đối với các chất chuyển vận của những khớp thần kinh (synap) sau hạch lại tăng cao. Frolkis cho rằng tính mẫn cảm đối với các chất chuyển vận và các chất khác được tăng lên là cơ chế của sự thích nghi, cùng phối hợp với sự điều chỉnh thần kinh – thể dịch để duy trì hoạt động sinh học ở tuổi già. Đối với người ở tuổi già cũng đều phải tuân theo quy luật đó. Tính mẫn cảm với kích thích điện của dưới đồi thị, cũng như các trung tâm thực vật khác, cũng bị giảm, tuy ở phần sau của dưới đồi thị sự khác nhau về tính mẫn cảm chỉ là ít ỏi (Frolkis).
Tuy các công trình nghiên cứu trên chưa tính đến hiệu suất hoạt động của các cơ quan chi phối bị giảm dần theo sự biến đổi của tuổi già, nhưng khuôn khổ của một phản ứng thì tất nhiên nó chịu phụ thuộc trước tiên. Ví dụ, trong hoàn cảnh một động mạch đã bị biến đổi xơ cứng theo tuổi cũng chịu những xung động như thế, nhưng chỉ phản ứng lại bằng một hiệu ứng co mạch nhẹ và khi một cơ trơn đã bị teo thì không thể đáp ứng đầy đủ đối với kích thích co cơ.
Trái lại, một cơ quan chi phối đã bị lão hóa sẽ có tác động xấu trở lại khả năng điều tiết của hệ thần kinh thực vật. ở người già, khả năng của hiệu suất hoạt động bị giảm, ví dụ: sức chịu đựng làm việc của tim nhanh tới cao điểm hoạt động hơn ở tuổi trẻ và thời gian nghỉ lại kéo dài hơn. Tần số hô hấp ở người trẻ trong lúc nghỉ ngơi là 16 lần/phút, còn ở tuổi trên 60 thì trung bình từ 20 – 22 lần/phút (Bourlière). Đó chính là do sự điều khiển của trung tâm thần kinh thực vật. Ở tuổi già, sự giảm bớt các chất chuyển hóa xuất hiện sớm hơn là một sự giảm nhẹ tần số hô hấp. Độ acid của dạ dày thường giảm ở tuổi già phần lớn do hậu quả của quá trình teo niêm mạc hơn là do tác động của những kích thích tiết đã bị giảm bớt đi.
Sự điều chỉnh thân nhiệt ở tuổi già cũng ít có hiệu quả hơn. ở những người già, hàng năm đã dần dần mất đi khả năng sinh nhiệt và tránh mất nhiệt ở trong cơ thể trước một tình trạng nhiệt thân hạ thấp dần (Mac Millan…).
Nói một cách khái quát, ở người già khả năng tự điều chỉnh thích nghi với những biến đổi của môi trường và nội môi bị suy giảm dần, trong đó vai trò của hệ thần kinh thực vật đóng vai trò quan trọng.