Tắc tia sữa khiến người mẹ bứt rứt khó chịu, đôi khi gây sốt và sưng đau hai bầu vú, ảnh hưởng tới nhu cầu bú mẹ của trẻ. Rất nhiều vị thuốc Đông y có tác dụng chữa bệnh này, chẳng hạn như gai bồ kết, xơ mướp, đu đủ rừng, quả mua…
Một số vị thuốc thường dùng
Gai bồ kết: Là gai ở thân và cành đã được chế biến khô của cây bồ kết (còn gọi là chùm kết hay tạo giác). Gai bồ kết to dài 10-12cm mọc thành cụm ở thân và cành. Người ta thường chọn chùm gai to, hái về phơi hay sấy khô để dùng.
Tạo giác thích vị cay, tính ấm, vào hai kinh phế và đại tràng, có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, trừ đờm, thông sữa, giải độc, làm tan ung nhọt độc, sưng vú, tắc tia sữa. Liều dùng 4-8g, sắc uống hay tán bột làm viên, thường phối hợp thêm một số vị khác.
Xơ quả mướp già: Dùng quả già khô cứng, đập nhẹ cho rụng lớp vỏ ngoài, lắc cho rơi
hết hạt, rồi phơi nắng cho khô, có thể cắt nhỏ thành từng đoạn. Xơ mướp vị ngọt, tính bình, vào ba kinh: phế, vị, can; có tác dụng thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ thống, chữa đau nhức mình mẩy, gân xương vùng ngực và sườn, làm thông tuyến sữa. Liều dùng 5-10g, sắc uống hàng ngày.
Mộc thông: Còn gọi tam diệp mộc thông; là thân đã chế biến khô của cây mộc thông. Mộc thông vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh: tâm, phế, tiểu tràng, bàng quang; có tác dụng lợi niệu, lưu thông khí huyết, làm hạ sốt. Nó được dùng điều trị các chứng tiểu tiện khó khăn, đái gắt do thấp nhiệt, mạch máu tắc nghẽn, tắc tia sữa, bế kinh… Liều dùng 5-10g sắc uống.
Bài thuốc đơn giản thường dùng chữa tắc sữa sau đẻ: Mộc thông 10g, móng giò lợn một đôi, ninh nhừ, ăn cả cái và nước, có thể cho thêm ít gạo nếp nấu cháo.
Thông thảo: Là lõi thân khô (phần bấc) của cây thông thảo, còn gọi là cây thông thoát. Thông thảo là loại cây nhỏ cao 3-4m, thân cứng nhưng giòn, bên trong có lõi xốp trắng. Cây càng già thì lõi càng đặc và chắc hơn. Cây mọc hoang ở vùng núi nước ta như Cao Bằng, Lào Cai, Đăk Lăk…
Thông thảo vị ngọt, tính lạnh, vào hai kinh phế, vị; có tác dụng lợi tiểu, thanh thấp nhiệt, làm xuống sữa; dùng chữa các bệnh tiểu tiện khó khăn (ngũ lâm), thủy thũng, tắc tia sữa. Liều dùng 2,5-5g, sắc uống.
Đu đủ rừng: Tên khoa học trevesia palmata, roxbvis; họ ngũ gia bì araliaceae, là cây nhỏ, cành nhiều gai, ruột bấc, mọc hoang ở khắp vùng núi nước ta, sử dụng như thông thảo để chữa tắc tia sữa.
Đông quỳ tử: Là hạt già đã chế biến khô của cây thương ma (cây cối xay – Trung Quốc). Đông quỳ tử vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh đại tràng, tiểu tràng; có tác dụng lợi niệu, thông sữa, nhuận tràng. Dùng chữa các bệnh về đường niệu, phụ nữ tắc sữa, thiếu sữa, ung nhọt. Liều dùng 10-15g, sắc uống.
Vương bất lưu hành: Là hạt chín khô của cây vương bất lưu hành họ cẩm chướng. Vương bất lưu hành vị đắng, tính bình, vào hai kinh can, vị; có tác dụng hành huyết, thông kinh, làm thông sữa và đẻ mau, tiêu sưng tấy, làm liền miệng các vết thương. Nó được dùng điều trị các bệnh kinh nguyệt bế tắc, sữa không thông. Liều dùng 10-15g, sắc uống.
Có thể dùng quả cây mua để thay thế, cách dùng, liều lượng giống như vương bất lưu hành.
Xuyên sơn giáp: Là vảy của con tê tê, loài động vật có vú, sống hoang dại ở vùng đồi núi các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An… Xuyên sơn giáp mùi hơi tanh, vị mặn, tính hơi lạnh, vào hai kinh can và vị. Nó có tác dụng phá huyết, thông kinh lạc, tiêu thũng, bài nùng, lợi sữa; dùng chữa các chứng bệnh phong hàn, tê thấp, đau nhức khớp xương, tắc tia sữa, mụn nhọt sưng tấy, đậu sởi không mọc được. Liều dùng: 5-10g.
Bài thuốc chữa tắc tia sữa: Đương quy 200g, xuyên sơn giáp 200g, vương bất lưu hành 120g, xuyên khung 200g. Tán mịn, làm thành bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.