Định nghĩa
Bệnh viêm cấp tính những phế quản lớn và trung bình, khí quản thường cũng bị viêm (nên còn gọi là viêm phí-phế quản).
Căn nguyên
Virus hô hấp, cúm, sởi, nhiễm vi khuẩn (phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa). Viêm phế quản có thể kết hợp với ho gà, bệnh tinh hồng nhiệt, sốt thương hàn, bệnh phổi do nhiễm vi khuẩn lao, nhiễm nấm, giãn phế quản, hoặc thở hít phải những chất kích thích (do, ammoniac, acid, dung môi công nghiệp). Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Song cầu khuẩn Gram âm, tên khoa học là Branhamella catarrhalis, có khả năng sản xuất enzym bêta- lactamase, thường sống hoại sinh ở đường hô hấp trên là họ hàng với giống Neisseria. Song cầu khuẩn này là tác nhân gây ra viêm phế quản nhiễm khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi, và hiếm hơn, viêm màng não hoặc viêm nội tâm mạc, nhất là ở những đối tượng suy hô hấp hoặc suy giảm miễn dịch.
Sinh lý bệnh
Vì rối loạn hoạt động của những lông chuyển ở niêm mạc phế quản và của những đại thực bào có vai trò làm sạch phế quản, nên những vi khuẩn xâm nhập vào phế quản và gây ra ứ đọng dịch nhầy và những sản phẩm phân huỷ tế bào. Ho là động tác rất quan trọng để đẩy dịch chế tiết của niêm mạc phế quản ra bên ngoài.
Triệu chứng
- Sốt, ho, khạc đờm niêm dịch hoặc đôi khi khạc đờm có mủ tuỳ theo tác nhân gây bệnh. Viêm phế quản cấp tính hay xẩy ra vào mùa rét hơn. Nếu viêm chỉ giới hạn ở khí quản và những phế quản lớn thì khi nghe phổi có thể hoàn toàn không thấy có những triệu chứng gì. Ngược lại, nếu những phế quản cỡ trung bình bị viêm thì sẽ nghe thấy ran ngáy, ran rít, nói chung ở cả hai bên phổi.
- Xét nghiệm cận lâm sàng: tốc độ lắng máu tăng, và số lượng bạch cầu tăng vừa phải.
- X quang: viêm phế quản cấp tính không có dấu hiệu X quang, nhưng chỉ định chụp X quang lồng ngực là để loại trừ những bệnh khác khi thấy những triệu chứng lâm sàng nặng và kéo dài.
Tiên lượng
Ở người lớn khoẻ mạnh, viêm phế quản cấp tính khỏi sau 10-15 ngày không để lại di chứng, ở những người bị giãn phế nang, viêm phế quản cấp tính có thể gây ra suy hô hấp, đôi khi dẫn tới tử vong, ở trẻ sơ sinh và trẻ em còn bú, viêm phế quản cấp tính có thể nguy hiểm.
Một trường hợp viêm phế quản cấp tính bề ngoài nhẹ nhàng không đáng kể, nhưng đôi khi lại là nguồn gốc dẫn tới trạng thái bệnh hen.
Điều trị
- Làm ẩm vi khí quyển, cho bệnh nhân uống nhiều nước. Trong trường hợp ho nhiều thì cho codein với liều thông dụng. Thuốc này có chống chỉ định ở những bệnh nhân giãn phế nang, vì có thể làm tăng tắc nghẽn phế quản.
- Theophyllin hoặc thuốc giống- bêta trong trường hợp co thắt phế quản.
- Thuốc kháng sinh chỉ nên chỉ định ở những bệnh nhân suy hô hấp mạn tính, những bệnh nhân bệnh tim, hoặc trong trường hợp viêm phế quản nặng, có sốt và khạc nhiều đờm niêm dịch-mủ.
Cấy đờm không nhất thiết cho biết đúng mầm bệnh và kết quả thường quá muộn. Do đó, người ta thường chọn theo kinh nghiệm một trong những thuốc kháng sinh sau đây: aminopenicillin (ví dụ: ampicillin) hoặc một loại macrolid (ví dụ erythromycin). Phối hợp Sulfamethoxazol + trimethoprim cũng có hiệu quả. Vi khuẩn Branhamella catarrhalis nhạy cảm với amoxicillin + acid clavulanic, với tetracyclin, với cephalosporin hoặc với erythromycin.