Định nghĩa

Là động tác chủ động hoặc mang tính chất phản xạ, khởi động bởi một kích thích ở niêm mạc đường hô hấp, giữa họng và phổi, với mục đích là để đẩy mạnh luồng không khí và những niêm dịch (chất nhầy) ở trong đường hô hấp ra ngoài.

Sinh lý bệnh

Ho là do những yếu tố viêm, cơ học, hoá học, hoặc nhiệt kích thích vào những cơ quan nhận cảm (thụ thể) đặc biệt ở niêm mạc đường hô hấp. Trong động tác ho, người ta phân biệt ba pha (giai đoạn) khác nhau:

PHA HÍT VÀO: luồng không khí tràn vào đầy phổi.

PHA NÉN: áp lực được tạo nên nhờ sức co của các cơ ở ngực và bụng để tạo lực đẩy ra, nhưng thanh môn lại khép kín.

PHA ĐẤY RA: thanh môn đột ngột mở ra, lòng các phế quản thu nhỏ lại để cho một luồng không khí nhanh và mạnh thoát ra, đồng thời kéo theo những vật lạ và dịch nhầy ra khỏi đường hô hấp.

Khi người bị suy nhược (ví dụ sau phẫu thuật, sau trận ốm nặng), hoặc dùng các thuốc làm dịu thần kinh trung ương (an thần), nhất là những dẫn xuất của thuốc phiện thì phản xạ ho bị giảm, và do đó cũng làm giảm hiệu quả tích cực của động tác ho là loại bỏ chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Từ đó có thể đưa tới tình trạng cản trở trong đường hô hấp, đôi khi rất nặng.

Căn nguyên

VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN: nếu đối tượng mới bị ho kèm theo sốt, thì có thể nghĩ tới nhiễm virus cấp tính ở đường hô hấp trên. Những trường hợp ho kéo dài thường hay kết hợp với chẩy dịch ở phía sau mũi thì thường do viêm xoang mạn tính (với các triệu chứng và dấu hiệu: chẩy mũi dịch có mủ, nhức đầu, sung huyết niêm mạc mũi), hoặc do viêm mũi dị ứng mạn tính, hoặc do viêm mũi vì nhỏ quá nhiều những thuốc chống sung huyết ở niêm mạc mũi.

NHỮNG BỆNH CỦA KHÍ QUẢN, PHẾ QUẢN VÀ CỦA PHỔI:

  • Viêm khí quản cấp tính hoặc mạn tính.
  • Bệnh hen: có ho kèm theo khó thở, thường khởi động bởi lạnh hoặc gắng sức; khi bệnh nhân thở ra có tiếng rít; sau khi cho hít một loại thuốc giống bêta (cường bêta) thì lưu lượng thở ra đỉnh sẽ được cải thiện.
  • Viêm phế quản cấp hoặc mạn tính. Nếu bệnh nhân bị viêm phế quản mạn tính thì thường ho vào buổi sáng, và ho kéo dài tới khi khạc được đờm.
  • Viêm phổi, lao.
  • Ung thư phổi: mọi thay đổi về tính chất của triệu chứng ho hoặc khạc dòm xuất hiện ở một đối tượng hút thuốc lá, đều cần phải được khám xét thật kỹ càng.

NHƯNG YẾU TỐ CƠ HỌC:

  • Hít phải bụi.
  • Đường hô hấp trên bị chèn ép: bởi u trung thất, phình động mạch chủ, bởi sưng hạch bạch huyết trong bệnh lao, u lympho, bệnh sarcoid, áp xe dưới cơ hoành.

NHỮNG YẾU TỐ HOÁ HỌC: hít phải khói hoặc các hơi kích thích.

NHỮNG YẾU TỐ NHIỆT: hít phải không khí lạnh quá hoặc nóng quá.

SỬ DỤNG THUỐC: các thuốc ức chế enzym chuyển đổi.

NHŨNG BỆNH TIM MẠCH: ứ đọng dịch ở phổi, suy tim trái, phù phổi, nghẽn mạch phổi, và nhồi máu phổi.

TRÀO NGƯỢC (HỔI LƯU) DẠ DÀY-THỰC QUẢN: bệnh nhân có tiền sử trào ngược acid (còn gọi là hồi lưu dạ dày-thực quản), có những cơn đau rát sau xương ức, nổi trội vào ban đêm hoặc sau bữa ăn.

HO CÓ NGUỒN GỐC THẦN KINH: ho có thể chỉ là do máy cơ thuần tuý do thần kinh.

GHI CHÚ: Tiếng rít thở vào thường là dấu hiệu đường hô hấp trên bị tắc nghẽn, trong khi tiếng rít thở ra (tiếng Anh: “wheezing”) lại là dấu hiệu co thắt phế quản.

Các thể lâm sàng

  • Ho khan: không kèm theo khạc đờm.
  • Ho ẩm, sinh đờm : kèm theo khạc nhiều đòm.
  • Ho cơn hoặc ho kiểu ho gà:ho xẩy ra từng cơn kịch phát, là đặc điểm của bệnh ho gà, nhưng cũng thấy trong trường hợp viêm thanh quản, hen phế quản, dị vật rơi vào phế quản, chèn ép trung thất.
  • Ho gây nôn:ho kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Ho hai giọng hoặc giọng rè:thấy trong trường hợp loét và liệt thanh quản.
  • Ho ở những người hút thuốc:hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất gây ra ho mạn tính, ở những người hút thuốc lá, khi xẩy ra bất kỳ thay đổi nào về tính chất của triệu chứng ho, thì đều phải làm xét nghiệm X quang lồng ngực cho họ, vì cũng có thể ngẫu nhiên phát hiện được ung thư ở phổi.

Biến chứng

  • Rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi trong những trường hợp ho dai dẳng.
  • Hệ thống tĩnh mạch dẫn máu về tim bị quá tải, hoặc có thể bị gián đoạn một lúc trong cơn ho mạnh làm cho bệnh nhân bị thỉu hoặc ngất (còn gọi là đột quỵ thanh quản).
  • Ho làm tăng áp lực trong ổ bụng và có thể gây ra thoát vị.
  • Cơn ho dữ dội còn có thể gây ra tràn khí phế mạc do vỡ một túi giãn phế nang, cũng như làm gẫy xương sườn, thậm chí lún đốt sống nếu bệnh nhân sẵn có bệnh về xương (mất calci, di căn ung thư vào xương).

Điều trị

Điều trị bệnh gốc gây ra ho. (Về điều trị triệu chứng, xem: các thuốc giảm ho và long đờm). Khi chỉ ho khan đơn thuần và gây khó chịu cho bệnh nhân, thì dùng thuốc giảm ho có tác dụng trên thần kinh trung ương (ví dụ: codein) sẽ có ích trong một thời kỳ ngắn. Có nhiều biệt dược mua không cần đơn bác sỹ, nhất là những dạng sirô để chống ho, các biệt dược này chứa nhiều hoạt chất khác nhau, nhưng thường được pha chế hỗn hợp với nhau không hợp lý.

0/50 ratings
Bình luận đóng