Về nguyên nhân sinh bệnh, Đông y chia làm ba loại như sau:

– Nội nhân: (nguyên nhân bên trong) gồm những tổn thương nội tại của tình cảm, tâm tư con người, biểu hiện ở “thất tình”.

– Nguyên nhân (nguyên nhân bên ngoài) gồm những tác nhân bên ngoài tác động trên cơ thể con người, gồm có “lục dâm”.

– Những nguyên nhân khác (bất nội ngoại nhãn) là những nguyên nhân như ăn uống không hợp lý, chấn thương, ký sinh trùng v.v…

Biểu hiện cụ thể của các nguyên nhân ấy là:

Nội nhân gồm 7 nguyên nhân

Nội nhân nhận xét những trạng thái tình cảm như quá vui, buồn, bực tức, phẫn nộ, tư lự, lo âu, sợ hãi là những điều kiện cho bệnh tiềm tàng bột phát hay là biểu hiện để bệnh mới phát sinh phát triển. Ví dụ quá bực tức có thể gây nên vỡ mạch máu não trong cao huyết áp hay lên cơn glôcôm.

Buồn phiền tư lự dễ sinh ốm yếu, dễ mắc bệnh và dễ làm bệnh nặng thêm.

Ngoại nhân gồm 6 nguyên nhân là: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả.

1. Phong thường còn phân làm 4 loai như sau:

– Phong hàn. Triệu chứng: sốt sợ lạnh, đau đầu, đau người, chảy nước mắt, nước mũi, ho, suyễn, đàm lỏng, đại tiện loãng, mạch huyền, rêu lưỡi mỏng.

– Phong nhiệt. Triệu chứng: sốt, đau đầu, mệt, có mồ hôi, đau hầu, ho, đờm vàng đặc, khái huyết, trẻ thường sốt cao và ho, mạch phù, nhanh, rêu lưỡi vàng.

– Phong ôn. Triệu chứng: đau đầu kịch liệt, sốt, có mồ hôi, khát nước, mạch nhanh phù, rêu lưỡi trắng. Nếu nặng hơn sẽ sốt cao, mồ hôi nhiều, tức ngực, mê man bất tỉnh, đại tiện táo. lưỡi không rêu, mạch nhanh.

– Phong thấp. Triệu chứng: sốt, ra mồ hôi, đau người, đau khớp xương, sưng đỏ hay tê dại, đau, di động không cô định.

Đôi với mắt: phong biểu hiện những triệu chứng kích thích hay mi mắt co quắp, chói, chảy nước mắt, đau nhức, cộm v.v…

Vì phong còn phải phối hợp với nhiều nguyên nhân khác nên trong lâm sàng biểu hiện rất phức tạp.

2. Hàn. Thường có những triệu chứng: sốt, sợ rét, không mồ hôi, đau đầu, đau người, đại tiện loãng, chân tay lạnh v.v…

Thường biểu hiện dưới hai hình thái:

– Trúng hàn. Triệu chứng: rét run, nổi da gà, chân tay tê buốt, môi trắng nhạt có khi tím bầm, mê sảng, cấm khẩu, mạch chậm.

– Hàn thấp. Triệu chứng: đầu có mồ hôi, chân tay không mồ hôi, đau toàn thân, nước tiểu trắng, mạch chậm.

về mắt: kết mạc cương tụ, kích thích nhẹ.

3. Thử. Thường biểu hiện dưới ba hình thái sau:

– Thử phong. Triệu chứng: tự nhiên ngã ngất, bất tỉnh, co giật, nôn mửa, tả, mạch nhanh, phù hư, tay chân lạnh.

– Âm thử. Triệu chứng: người nóng, lưng lạnh, người cảm thấy nặng, khát nước chân tay lạnh, có mồ hôi, nôn mửa, rêu lưỡi vàng, mạch phù hư.

– Dương thử. Triệu chứng: đau đầu, rét rất nặng, khó thở, người rã rời, tinh thần mệt mỏi, tiểu tiện đỏ, nôn mửa, đi đại tiện loãng, ra mồ hôi, mồm khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch phù hư, nhanh.

4. Thấp. Thường gặp vào mùa thu, biểu hiện choáng đầu, ngạt mũi, da vàng, chân tay phù nề, thường người ta phân ra: thấp ở ngoài thì sốt, rét, toát mồ hôi, đau khớp xương, sưng. Thâp ở trong thì tức ngực, bụng đầy nôn mửa, đại tiện loãng v.v… Còn biểu hiện dưới mấy dạng kết hợp sau:

– Thấp nhiệt. Triệu chứng: sốt, nặng đầu, đau người, đau khớp, bụng đầy nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng, mạch nhanh.

Thấp nhiệt còn biểu hiện ở thể da vàng, đại tiện loãng, phụ nữ có nhiều bạch đới.

– Thấp hàn. Triệu chứng: bụng đầy, trướng, da vàng, sôi bụng, nước tiểu vàng, có biểu hiện ở trạng thái vàng da, có khi biểu hiện ở trạng thái đại tiện loãng.

Trên lâm sàng còn có trạng thái ôn thấp ở trung, hạ và thượng giao.

5. Táo: hay thấy vào mùa thu, có quan hệ chặt chẽ với nhiệt và hoả.

Triệu chứng: sốt cao, đau đầu, đau thân mình, ho không đờm hay đòm đặc. Thở ra nóng, nước tiểu vàng, mồm khô khát nước, đại tiện táo nặng, rêu lưỡi vàng, mạch không đều.

6. Hoả. Là mức độ nặng hơn của nhiệt. Trên lâm sàng phân thành thực nhiệt và hư nhiệt.

– Thực nhiệt. Triệu chứng: mồm khô, hầu khô đau, phiền, khát nước, có khi khái huyết, tiểu tiện vàng, khó ngủ, rêu lưỡi vàng, hay đen, khô, mạch nhanh, to, mạnh.

– Hư nhiệt. Triệu chứng: sốt nhiều, ra mồ hôi trộm, lưỡng quyền đỏ, khó ngủ, khát nước, ho khan, nước tiểu vàng, đại tiện táo, loét lưỡi, chảy nước mũi, đôi khi có hiện tượng kinh hãi, lưỡi trơn không rêu; mạch hư, nhanh, không có lực.

Những nguyên nhân khác như chấn thương nhiễm độc, ký sinh trùng cũng có những biểu hiện riêng.

0/50 ratings
Bình luận đóng