III. MỘT SỐ YÊU CẦU CỦA BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN ĐÔNG DƯỢC
3.1. Các yêu cầu cơ bản của bào chế, chế biến đông dược
* Theo Trần Gia Mô (1562) đời Minh (Trung Quốc) có nói:” Bào chế cốt ở chỗ vừa chừng, non quá thì khó kiến hiệu, già quá thì mất khí vị”.
Do đó, người bào chế phải thực hiện bào chế đúng kỹ thuật, thích hợp.
* Phải đảm bảo hình thức mẫu mã, chất lượng (phẩm chất) sản phẩm.
* Người bào chế phải nắm vững về tính dược của thuốc, tương tác thuốc, tương tác giữa thuốc và phụ liệu, yêu cầu trạng thái phẩm chất của từng sản phẩm (vị thuốc, bài thuốc) đáp ứng yêu cầu điều trị.
3.2. Các trường hợp tương tác của dược liệu cần nhớ trong quá trình bào chế cũng như sử dụng thuốc
3.2.1. Đơn hành
Dùng riêng một vị thuốc cũng có thể phát huy được hiệu quả chữa bệnh của nó. Ví dụ bài Độc sâm thang
3.2..2. Tương tu (tác dụng hiệp đồng)
Nhiều vị thuốc có tính vị tương tự nhau, khi phối hợp thì tác dụng điều trị tốt hơn.
– Kim ngân hoa phối hợp với Liên kiều tăng tác dụng sức thanh nhiệt, giải độc dùng tốt hơn trong các bệnh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng…
– Sinh địa phối hợp với Huyền sâm sẽ làm tăng tác dụng lương huyết, chỉ huyết, tư âm.
– Hoàng liên dùng cùng Liên tâm tăng tác dụng thanh tâm hoả.
– Đại hoàng dùng cùng Mang tiêu tăng tác dụng tả hạ lên nhiều lần so với dùng riêng từng vị.
– Hoàng bá dùng cùng Tri mẫu thì tác dụng tư thận giáng hoả được chắc chắn.
– Hoàng kỳ dùng cùng Bạch linh làm tác dụng bổ ích tỳ khí được tăng cường.
– Đại hoàng dùng cùng Hoàng cầm làm tăng tác dụng tiết nhiệt.
– Bạch truật phối hợp với hoàng cầm để tăng hiệu lực an thai
– Thương truật phối hợp với Hoàng bá để tăng tác dụng thanh nhiệt táo thấp.
– Hoàng kỳ phối hợp với phòng phong tăng công hiệu củng cố vệ khí
– Bán hạ giúp sài hồ dẫn thuốc vào kinh thiếu dương
– Hương phụ giúp đào nhân để tán ứ huyết giảm đau….
3.2.3. Tương uý
Vị thuốc này ức chế độc tính của vị thuốc kia
Ví dụ: Bán hạ uýSinh khương.
Bản thân Bán hạ có độc, uống gây ngứa cổ muốn kêu to, nôn lợm.
Bán hạ dùng với Sinh khương thì Sinh khương làm mất tính kích thích họng của Bán hạ, đồng thời làm hết tác dụng phụ của Bán hạ như buồn nôn, lợm giọng, trừ đờm. Chính vì vậy, trong chế biến người ta dùng Sinh khương để chế Bán hạ (Khương bán hạ).
– Nhân sâm uý Ngũ linh chi;
Tuy nhiên, dùng Đảng sâm phối ngũ với Ngũ linh chi sẽ có tác dụng ích khí kiện tỳ, hoá ứ hành trệ để chữa viêm teo dạ dày mạn kèm sa niêm mạc dạ dày (thể tỳ hư huyết ứ) đều thu kết quả cao.
– Hoàng liên (vị hàn) phối hợp với Nhục quế (vị nhiệt), tuy đối lập nhau nhưng lại có tác dụng giao lưu giữa tâm và thận.
– Đinh hương uý Uất kim;
Mang tiêu (Nha tiêu, Huyền minh phấn) uý Tam lăng, Lưu huỳnh
Thuỷ ngân uý Thạch tín, Ba đậu ;
Ô đầu (thảo ô) uý Tê giác;
Lang lộc uý Mật đà tăng;
Quan quế uý Thạch chi
Tuy nhiên có một số tương uý vẫn dùng được như Phòng phong và Hoàng kỳ nhằm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tương uý hay được áp dụng trong việc bào chế thuốc độc và ngay trong điều trị bệnh.
3.2.4. Tương ác
Là vị thuốc này kiềm chế tính năng, tác dụng của vị thuốc kia.
Ví dụ: Hoàng cầm vị đắng tính hàn tương ác Sinh khương vị cay tính ấm
Khi dùng chung tính hàn của Hoàng cầm sẽ kiềm chế tính ấm của Sinh khương….
Sa sâm ố Phòng phong;
Sơn thù ố Cát cánh
3.2.5. Tương sử
Là tổ hợp tác dụng hiệp đồng của hai vị thuốc khác nhau về tính vị. Ví dụ: Hoàng
Liên vị đắng tính hàn tương sử Ngô thù vị cay tính ấm chỉ nôn; Mộc hương vị cay tính ấm tương sử với hoàng liên vị đắng tính lạnh
– Liên kiều vị đắng tính hàn tương sử (dùng chung) Ngô thù du vị cay tính ấm để chỉ nôn (cầm nôn) tăng lên. Đó chính là do chúng có khả năng hạn chế tiết dịch nước bọt và dịch vị. Trên cơ sở đó có thể chữa chứng ợ chua của bệnh đau dạ dày.
– Hoàng kỳ dùng cùng Bạch linh làm tác dụng bổ ích tỳ khí và lợi tiểu được tăng cường.
– Đại hoàng dùng cùng Hoàng cầm làm tăng tác dụng tiết nhiệt.
– Xuyên khung, thương truật giúp Ô dược thuận
3.2.6. Tương sát
Là sự triệt tiêu tính độc của nhau. Chủ yếu áp dụng để giải độc.
Phòng phong trừ độc của Thạch tín,
Đậu xanh trừ độc của Ba đậu.
Ngũ vị tử sát Ô đầu; dùng chung tạo ra chất độc mới
Bạch chỉ sát Hùng hoàng
Hoạt thạch sát Hùng hoàng….
Vì vậy, vận dụng tương sát để giải độc khi bị ngộ độc Asen hoặc Ba đậu…
3.2.7. Tương phản
Là tổ hợp tương tác giữa hai vị thuốc gây ra phản ứng không tốt hoặc gây thêm độc tính cho cơ thể.
Hai vị thuốc khi dùng riêng thì lành, dùng chung thì phản nhau mãnh liệt.
Các cặp vị thuốc tương phản cần ghi nhớ.
Ba đậu phản Khiên ngưu (Hắc sửu, Bạch sửu);
Cam thảo phản Cam toại; Đại kích, Nguyên hoa, Hải tảo.
Hải tảo, Bạch cập phản Bán hạ;
Bối mẫu, Qua lâu nhân, Bán hạ, Bạch cập, Bạch liễm phản Ô đầu;
Đại kích phản Nguyên hoa.
Các loại sâm (Nhân sâm, Sa sâm, Đan sâm, Huyền sâm, Khổ sâm…) và các vị thuốc Tế tân, Bạch thược đều phản khắc vị Lê lô (Veratrum nigrum).
Về nguyên tắc các vị thuốc tương phản nhau thì không thể dùng chung với nhau được.
Điều đó cần hết sức chú ý và nắm vững.
Ví dụ: Dùng Tế tân với Lê nô sẽ gây mù mắt cho người bệnh, hoặc Nguyên hoa là vị thuốc có khả năng lợi thuỷ nhưng khi dùng với Cam thảo không những không có tác dụng lợi thuỷ mà lại làm tăng tính độc của Nguyên hoa.
Ngũ vị tử khi dùng chung với Ô
đầu sẽ tạo ra chất độc mới có hại.
Tuy nhiên, trong thực tế một số người có kinh nghiệm đã lợi dụng tính chất tương phản của một số vị thuốc để chữa bệnh.
Ví dụ: Cam thảo phản Cam toại song người ta đã dùng chính hai vị thuốc này (trong bài Cam toại tán) với mục đích trục đờm ẩm.
Tóm lại, khi tiến hành phối hợp các vị thuốc trong một đơn thuốc cần lưu ý tới bảy tình huống trên. Cần khai thác mặt tốt của chúng vào việc chữa bệnh và chế biến thuốc; đồng thời phải hết sức tránh các trường hợp tương phản, tương ác…. để tránh các hậu quả có thể xảy ra khi dùng thuốc cũng như tác dụng kém của thuốc
Trong thực tế nên phối ngũ thuốc theo tương tu, tương sử, nếu có vị độc phải khử độc dùng phép tương ố (tương ác), tương sát, tương uý (huý).
https://hoibacsy.vn