Mục lục
Tên khoa học:
Saussurea lappa Clarke. Họ khoa học: Họ Cúc (Compositae).
Tên khác:
Ngũ Mộc hương (Đồ Kinh), Nam mộc hương (Bản Thảo Cương Mục), Tây mộc hương, Bắc mộc hương, Thổ mộc hương, Thanh mộc hương, Ngũ hương, Nhất căn thảo, Đại thông lục, Mộc hương thần (Hòa Hán Dược Khảo), Quảng Mộc hương, Vân mộc hương, Xuyên mộc hương, Ổi mộc hương (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Mô Tả:
Cây sống lâu năm, rễ to, đường kính có thể đến 5cm, vỏ ngoài mầu nâu nhạt. Phía gốc có lá hình 3 cạnh tròn, dài 12 – 30cm, rộng 6 – 15cm, cuống dài 20 – 30cm, có rìa. Mép lá nguyên và hơi lượn sóng, 2 mặt đều có lông, mặt dưới nhiều hơn. Trên thân cũng có lá hình 3 cạnh, nhưng càng lên trên lá càng nhỏ dần. Mép có răng cưa, cuống lá càng lên cao càng ngắn lại, phía trên cùng lá gần như không cuống hoặc có khi như ôm lấy thân cây. Hoa hình đầu, mầu lam tím. Quả bế, hơi dẹt và cong, mầu nâu nhạt, có những đốm mầu tím.
Mùa hoa vào các tháng 7-9. Mùa quả tháng 8 – 10.
Địa lý:
Đa số trồng ở Vân Nam (Trung Quốc – Vì vậy mới gọi là Vân Mộc hương).
Thu hái, Sơ chế:
Về mùa đông, sau khi đào lên, rửa sạch đất, rễ tơ và thân lá, cắt thành những khúc ngắn 6,6 – 13,3cm. Loại thô to, rỗng ruột thì chẻ dọc thành 2-4 miếng, phơi khô, bỏ vỏ ngoài là được.
Bộ phận dùng:
Rễ khô. Loại cứng chắc, mùi thơm nồng, nhiều dầu là tốt. Loại hơi xốp, ít mùi thơm, ít dầu là loại vừa.
Mô tả dược liệu:
Mộc hương hình trụ tròn, hình giống xương khô, dài 5 – 11cm, đường kính 1,6 – 3,3cm. Mặt ngoài mầu vàng nâu, nâu tro, có vằn nhẵn và rãnh dọc rõ rệt, đồng thời có vết của rễ cạnh. Chất chắc, khó bẻ gẫy, vết bẻ không phẳng. Chung quanh méo. Ở giữa mầu trắng tro hoặc mầu vàng. Còn phần khác mầu nâu tro, nâu tối, có tâm hình hoa cúc. Cả thân rễ có thể nhìn thấy điểm dầu mầu nâu phân tán. Có mùi thơm đặc biệt, vị đắng.
Có nhiều loại Mộc Hương:
- Vân Mộc Hương hoặc Quảng Mộc Hương: tên khoa học: Saussurea lappa Thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây thảo, lá phía gốc hình 3 cạnh tròn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, 2 mặt đều có lông, mặt dưới nhiều hơn. Lá phía thân cũng hình 3 cạnh, càng lên cao lá càng nhỏ, mép có răng cưa. Cụm hoa hình đầu, màu lam tím. Quả bế.
- Thổ Mộc Hương hoặc Hoàng Hoa Thái, tên khoa học: Inula helenium thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây thảo. Lá phía gốc to, lá phía thân nhỏ hơn, mọc so le. Mép lá có răng cưa không đều. Cụm hoa hình đầu, màu vàng. Quả bế.
- Xuyên Mộc Hương hoặc Thiết Bản Mộc Hương, tên khoa học Jurinea aff souliei Thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây thảo. Mép lá chia thùy. Mặt trên có lông thưa, mặt dưới có lông nhung trắng. Cụm hoa hình đầu. Quả dẹt.
Ngoài ra, trong nhân dân còn dùng với tên Mộc hương nam cây Aristolochia balansae Franch. Thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae). Cây bụi, cành đen. Lá nhẵn hình trái xoan dài. Hoa màu đỏ. Quả nang.
Khí vị:
Vị cay, khí ôn, không độc, tính thăng được mà giáng cũng được, là vị thuốc dương ở trong âm dược.
Chủ dụng:
Bổ cho khí không đầy đủ, thông được khí trướng, khí ủng tắc, điều hòa khí của Vị như thần, hành khí của Can rất mạnh, tan khí trệ ở cách mạc và Phế, phá khí kết ở Trung và Hạ tiêu, khu trừ chín loại đau bụng, đuổi khí lạnh đã lâu năm, chữa hoắc loạn thổ tả, nôn mửa phiên vị, trừ bĩ tích thành cục, bụng rốn trướng đau, an thai, khỏe Tỳ, trừ ung nhọt, mơ thấy ma quỹ, đưa dẫn tinh túy các vị thuốc, uống Mộc hương vào thì trong Tâm thư thái làm cho chính khí cũng thư thái, Can khí không nghịch lên được, chính là Tâm làm cho khí của Can phải hành mà không phải tự Can vận hành được.
Hợp dụng:
Cùng dùng với Hoàng liên trị chứng lỵ độc, nướng lên thì làm chắc Đại trường, làm sứ cho Binh lang thì phá khí, làm tá cho Khương, Quế thì điều hòa Vị, gặp Thảo quả, Thương truật thì chữa các chứng ôn ngược, chướng ngược, dùng Binh lang làm tá thì tiêu độc nhọt sưng và sán khí lạnh đau ở Bàng quang, có Sinh Khương, Nhục đậu khấu làm tá thì công hiệu càng mau, đem Hoàng liên kiềm chế nó thì sức khơi thông không quá lắm, đem Tri mẫu, Hoàng bá kiềm chế nó thì không đưa lên nhiều.
Cấm kỵ:
Phàm chứng âm hư nhất thiết phải kiêng dùng nó vì cay thơm thì chạy tiết ra, đến người khỏe uống lâu cũng không thích hợp.
Cách chế:
Tiêu tích hóa trệ thì mài sống hòa với nước thuốc mà uống, nếu dùng làm tá để điều hòa khí thì nên cho vào thang thuốc mà sắc, nếu muốn chỉ tả và trị chứng hư hàn thì nướng mà dùng. Thứ như cái xương khô mà nhiều dầu thì tốt.
Nhận xét:
Mộc hương là vị thuốc số một của phần khí Tam tiêu, khí và vị của nó thuần dương cho nên trừ được tà, khỏi được đau, vì đi tả và thức ăn ngưng đọng là bệnh của Tỳ, Tỳ thổ ưa ôn táo, gặp được nó thì kiến hiệu ngay, khí uất, khí nghịch là bệnh của Can gặp được Mộc hương khơi thông thì bình ngay, có thai nên thuận khí, cho nên gặp được Mộc hương thì yên thai.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Y phương tập giải”
Bài Mộc hương binh lang hoàn
Mộc hương, Binh lang, Thanh bì, Trần bì, Tam lăng, Nga truật, Hoàng liên-đều 40g, Hoàng bá, Hương phụ (sao), Đại hoàng-đều 20g, Khiên ngưu 60g. Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 8-12g, ngày vài lần.
Có tác dụng hành khí, đạo trệ, tả nhiệt, thông tiện.
Trị bụng đầy đau, táo bón, xích bạch lỵ, đau bụng mót rặn.
“Cảnh Nhạc toàn thư”
Bài Hương sa chỉ truật hoàn
Chỉ thực (sao với lúa mạch, rồi bỏ lúa mạch đi) 40g, Bạch truật 80g, Sa nhân, Mộc hương 30g.
Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 8-12g, ngày 2 lần. Có tác dụng tiêu bĩ, lý khí, phá khí trệ, tiêu thức ăn đình trệ, khai Vị, tiến thực.
Trị thức ăn qua đêm không tiêu, khí trệ làm cho Dạ dày đầy tức, không muốn ăn uống.
“Trương thị y thông”
Bài Hương sa lục quân tử thang
Mộc hươrng 3g, Sa nhân 3g, Trần bì 4g, Bạch linh 8g, Sinh khương 4g, Ô mai 2 quả, Bán hạ 8g, Nhân sâm 8g, Bạch truật 8g, Cam thảo 4g, Đại táo 3 quả. Có tác dụng kiện Tỳ, bổ khí, hòa trung, giáng đờm.
Trị Tỳ Vị hư yếu, nhiều đờm, tiêu hóa kém, khí quản viêm.
Trên lâm sàng thường dùng cho người bị bệnh Tỳ Vị hư yếu mà đờm thấp, viêm Dạ dày mạn, loét Tá tràng, viêm Phế quản mạn tính, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, tiêu chảy, đục thủy tinh thể.
“Y phương tập giải”
Bài Ngũ ma ẩm tử
Ô dược 10g, Trầm hương 10g, Chỉ thực 10g, Tân lang 10g, Mộc hương 10g. sắc trước Ô dược, Chỉ thực, Binh lang; Đinh hương cho vào sau; Mộc hương mài với Rượu trắng hòa vào thuốc; chia uống vài lần trong ngày.
Có tác dụng thuận khí giáng nghịch.
Trị chứng khi huyết nghịch lên do uất, cảu giận, ngất xỉu.
”Thế y đắc hiệu phương”
Bài Lục ma thang
Trầm hương 4g, Mộc hương 4g, Tân lang 6g, Ô dược 6g, Chỉ xác 4g, Đại hoàng 4g.
Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.
Có tác dụng thông khí, thông tiện, chỉ thống.
Chữa khi trệ, bụng đau, đại tiện bí.
“Nội ngoại thương biện hoắc luận”
Bài Hậu phác ôn trung thang
Hậu phác 10g, Thảo đậu khấu 10g, Quất bì 8g, Bạch linh 10g, Cam thảo 5g, Mộc hương 10g, Can Khương 2g, Sinh Khương 3g. sắc, chia uống 2 lần trong ngày. Có tác dụng ôn Tỳ, trừ hàn thấp.
Chữa Tỳ Vị hàn thấp, bụng trướng đầy, hoặc hàn tà ân náu, xâm phạm Vị, gây đau từng cơn.