Hỏi tiền sử và khám lâm sàng sẽ giúp chẩn đoán chính xác hầu hết các bệnh về mắt mà không cần xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh.

Đánh giá cần thiết trên lâm sàng bao gồm đo thị lực, phản xạ đồng tử, sự vận động của mắt, tổ chức liên kết hốc mắt, thị trường, và đo nhãn áp.

Kiểm tra mi mắt, kết mạc, giác mạc, tiền phòng, mống mắt và thể thủy tinh bằng đèn khe. Quan sát đáy mắt bằng kính soi đáy mắt.

Mất thị lực đột ngột hoặc nhìn đôi ở những trường hợp mắt không bị đau và không bị viêm thường là các rối loạn thị giác hoặc thần kinh nghiêm trọng và nên được theo dõi chặt chẽ. Ngược lại, khi mắt bị đỏ, thậm chí là đau, thì ít nghiêm trọng hơn miễn là thị lực bình thường.

Các nguyên nhân hay gặp nhất gây mất thị lực từ từ được liệt kê ở Bảng.

Đục thủy tinh thể

Khi thể thủy tinh đục đến một mức độ sẽ làm giảm thị lực, chủ yếu do tuổi già. Sự hình thành đục thủy tinh thể xảy ra nhanh hơn ở những trường hợp có tiền sử bệnh lý về mắt như chấn thương, viêm màng bồ đào, hoặc đái tháo đường. Bức xạ và điều trị bằng glucocorticoid có thể gây đục thủy tinh thể là một tác dụng phụ.

Nó được điều trị bằng cách phẫu thuật lấy thủy tinh thể ra và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo nội nhãn.

Glocom

Nhận định chung

Bệnh lý thần kinh thị giác âm ỉ dẫn đến mất thị lực từ từ, thường kết hợp với nhãn áp cao. Glocom góc đóng chỉ ở một số ít các trường hợp; hầu hết các trường hợp đều là glocom góc mở và không xác định được nguyên nhân gây nhãn áp cao. Để chẩn đoán bệnh cần ghi ám điểm hình vòng cung (theo bó sợi thần kinh) khi kiểm tra thị trường, quan sát “ độ lõm ” của đĩa thị giác (Hình), và đo nhãn áp.

Bảng. NGUYÊN NHÂN MẤT THỊ LỰC TỪ TỪ, TĂNG DẦN

Đục thủy tinh thể

Glocom

Thoái hóa điểm vàng

Bệnh võng mạc đái tháo đường

Khối u thần kinh thị giác hoặc giao thoa thị giác

Khối u nội nhãn

Viêm võng mạc sắc tố

Màng tăng sinh trước võng mạc

Bệnh lỗ hoàng điểm

Hình. Glôcôm gây lõm đĩa thị giác cũng như phá hủy viền thần kinh thị bao quanh và lõm trung tâm rộng và lõm xuống. Tỉ lệ lõm/đĩa khoảng 0.7/1.0 ở trường hợp này.

Glocom gây lõm đĩa thị

Hình. Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi bắt đầu với lắng đọng drusen trong điểm vàng. Chúng như các chất màu vàng rải rác ởi dưới võng mạc.

Thoái hóa điểm vàng

Điều trị glocom

Thuốc chủ vận adrenergic tại chỗ, thuốc chủ vận cholinergic, thuốc chẹn beta, tương tự prostaglandin, và thuốc ức chế carbonic anhydrase đường uống (để hạ nhãn áp) dùng để điều trị.

Laser vùng bè củng giác mạc ở góc tiền phòng làm tăng lưu thông thủy dịch.

Nếu điều trị thuốc hoặc bằng laser thất bại thì phải thay thế bằng phẫu thuật đặt bộ lọc hoặc đặt van (mở bè).

Thoái hóa điểm vàng

Nhận định chung

Bao gồm cả hai thể “khô” và “ướt”. Ở thể khô, những khối chất ngoại bào, gọi là drusen, lắng đọng dưới biểu mô sắc tố võng mạc (Hình). Khi chúng tích lũy lại, thị lực bị mất đi từ từ. Ở thể ướt, có sự tăng sinh tân mạch dưới biểu mô sắc tố võng mạc. Chảy máu từ những tân mạch này có thể gây ra mất thị lực trung tâm đột ngột ở người già, mặc dù nhìn mờ dần dần thường hay xảy ra hơn. Kiểm tra điểm vàng để phát hiện drusen và xuất huyết dưới võng mạc.

Điều trị thoái hóa điểm vàng

Dùng vitamins C và E, beta carotene,và kẽm có thể làm chậm tiến triển thoái hóa điểm vàng thể khô.

Thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể điều trị bằng thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu tiêm trực tiếp vào dịch kính vào hàng tháng.

Bệnh võng mạc đái tháo đường

Nhận định chung

Là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Hoa Kì. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các trường hợp sau nhiều năm bị đái tháo đường. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh võng mạc đái tháo đường bao gồm xuất huyết trong võng mạc, xuất tiết, nhồi máu thần kinh lớp sợi (nốt dạng bông), và phù hoàng điểm. Đặc trưng của bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh là các tân mạch phát triển trên bề mặt võng mạc, gây mù lòa do xuất huyết dịch kính, bong võng mạc và glocom (Hình).

Hình. Bệnh võng mạc đái tháo đường dẫn đến xuất huyết rải rác, chất tiết vàng, và tân mạch võng mạc. Trường hợp này có các tân mạch phát triển từ đĩa thị, cần phải laser quang đông toàn bộ võng mạc cấp cứu.

Bệnh võng mạc tiểu đường

Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường

Tất cả các bệnh nhân tiểu đường nên được kiểm tra thường xuyên bởi bác sĩ nhãn khoa để được theo dõi bệnh võng mạc đái tháo đường.

Tân mạch võng mạc được điều trị bằng laser quang đông toàn bộ võng mạc để ngăn ngừa biến chứng.

Khối U

Nhận định chung

U thần kinh thị hoặc u giao thoa thị giác tương đối hiếm, nhưng thường không phát hiện ra vì chúng gây mất thị lực từ từ và ít khi tìm ra khi khám lâm sàng, ngoại trừ có mờ đĩa thị. U tuyến yên là bệnh hay gặp nhất. Nó làm mất thị lực một mắt hoặc hai bên thái dương. Ung thư tế bào hắc tố melanoma là khối u nguyên phát hay gặp nhất của chính mắt đó.

Điều trị khối u

U tuyến yên lớn gây chèn ép giao thoa thị giác được phẫu thuật loại bỏ qua xương bướm.

Ở một số trường hợp, các khối u nhỏ được theo dõi hoặc kiểm soát bằng thuốc (VD., thuốc bromocriptine cho u tiết prolactin).

0/50 ratings
Bình luận đóng