Xông giải cảm là một phương pháp chữa bệnh cổ truyền dân tộc có tác dụng giải biểu, chữa các chứng ngoại cảm phong hàn hoặc phong nhiệt, khi bệnh mới nhiễm.
Mục lục
Các thảo dược dùng trong nồi xông giải cảm
Loại dùng chung cho cả cảm hàn, cảm nhiệt: Lá sả, lá bưởi hoặc vỏ ngoài quả bưởi chín (bỏ cùi trắng, thái mỏng), ngải cứu, bồ bồ hoặc nhân trần, lá khuynh diệp (hoặc lá chè đồng, cây chổi xuể), lá tre, cành lá thanh táo (lá tre và cành lá thanh táo vừa là thuốc vừa là độn cho chặt nồi, chiếm 40% khối lượng tổng số dược thảo).
Loại dùng riêng, tùy theo người bệnh cảm hàn hoặc cảm nhiệt:
- Cảm nhiệt: Bạc hà, cúc tần, lá dâu, hương nhu (tía và trắng).
- Cảm hàn: Cành lá kinh giới (có nụ là tốt), tía tô, lá gừng vàng, húng chanh.
Tổng lượng dược liệu: sau khi chọn nhặt sạch sẽ khoảng 500- 1000g.
Trình tự thực hiện nồi xông giải cảm
Dược thảo phải chọn nhặt lá úa, rửa thật sạch, đặt vào nồi (xoong) có dung tích 5-6 lít, lá tre và cành lá thanh táo đặt sau cùng, cài cho hơi chặt vào cạnh nồi, đổ 4 lít nước sạch vào nồi, đậy vung vừa khít.
Nấu nước xông: Đun vừa sôi đều 5 phút thì hạ lửa, lấy lá chuối tươi hoặc màng mỏng PE bịt kín miệng rồi đậy vung lại đun thêm cho sôi trở lại khoảng 1 phút (để tích hơi nước) rồi đem xông toàn thân cho người bệnh khoảng 15 phút là vừa, sau đó lau khô người bằng khăn sạch, uống một cốc nước lá xông (50ml).
Sau khi xông 15-20 phút, bỏ hết dược liệu bã, gạn lấy nước trong của nồi xông, pha thêm nước ấm đạt 37-38 độ c, cho người bệnh tắm trong phòng kín đáo rồi lau khô cơ thể, mặc quần áo sạch.
Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định
- Chỉ định: Người mới nhiễm cảm nóng hoặc cảm lạnh.
- Chống chỉ định: Người ra nhiều mồ hôi (vã mồ hôi), mất nước, mất máu nhiều, chóng mặt, già yếu lú lẫn, Parkinson, người bệnh nặng, phụ nữ có thai trên 3 tháng, trẻ em dưới 12 tuổi.