Khái niệm

Trên lưỡi có rêu, bề mặt rêu thiếu tân dịch, chất lưỡi khô ráo hoặc lưỡi sáng, bóng không rêu trông có vẻ khô cạn, sờ vào khô ráp gọi là chứng Lưỡi khô.

Chứng này với chứng “Lưỡi sáng bóng” khác nhau. “Lưỡi sáng bóng” là loại trên lưỡi không có rêu mà bóng trơn, có tân dịch hoặc không có tân dịch. Nhận xét về lưỡi sáng bóng nên kết hợp với chất lưỡi mà phân tích. Nhận xét chứng này chủ yếu là nhìn vào tân dịch ở bề mặt lưỡi dồi dào hay thiếu ít.

Những người bị tắc mũi và há miệng để thở, bề mặt lưỡi phần nhiều bị khô ráo cần chú ý phân biệt.

Lưỡi khô thường kèm theo chứng khát nước cho nên tên gọi chúng là “Khẩu can thiệt táo”. Mục này nên tham khảo với mục “Khẩu khát”.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Lưỡi khô do dương thịnh hun đốt tân dịch: Có chứng lưỡi khô, rêu lưỡi vàng ráo hoặc ráo quắt nổi gai, sốt cao, mặt đỏ phiền táo khát nước thích uống lạnh, nhiều mồ hôi, đại tiện bí tiểu tiện vàng, mạch Hồng Sác.
  • Lưỡi khô do âm hư dịch suy thiếu: Có chứng lưỡi khô chất lưỡi đỏ tía không rêu hoặc ít rêu, mình không nóng lắm, mặt đỏ bừng, lòng bàn chân tay nóng, miệng khô muốn uống nước, tiểu tiện sẻn đỏ thần sắc uể oải, mạch Tế Sác.
  • Lưỡi khô do dương hư tân dịch không đưa lên: Có chứng lưỡi khô, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, miệng khô không muốn uống hoặc ưa uống nóng, sắc mặt trắng nhợt hoặc xanh sạm không tươi, mệt mỏi hay nằm, đoản hơi biếng nói, kém ăn bụng đầy lạnh đau, gặp ấm thì dễ chịu, tứ chi quyết lạnh, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, phù thũng, mạch Trầm Trì.

Phân tích

Chứng lưỡi khô do dương thịnh hun đốt tân dịch: Phần nhiều do trong quá trình ngoại cảm nhiệt bệnh, tà nhiệt quá thịnh hun đốt tân dịch dẫn đến lưỡi khô. Sách Thương hàn luận bản chỉ viết: “ Khô ráo là tà nhiệt tổn thương tân dịch” biểu hiện lâm sàng thường theo nhiệt tà xâm phạm vào các tạng phủ khác nhau cho nên đều khác nhau, như tà nhiệt úng tắc Phế thì sốt cao suyễn khái, khạc ra đờm được coi là chứng chủ yếu. Nhiệt tà ở khí phận thì các chứng sốt cao, vã mồ hôi rất phiền khát mạch Hồng Đại được coi là chủ chứng. Nhiệt kết ở Vị Trường thì triều nhiệt táo bón, bụng đầy mạch Thực được coi là chủ chứng.

Nhiệt ở Can Đởm thì hoàng đản phát nhiệt đau sườn, nôn oẹ được coi là chủ chứng. Nhiệt ở doanh huyết thì sốt cao tinh thần hôn mê nói sảng và phát ban được coi là chủ chứng. Trong đó lưỡi khô là đặc trưng của tà nhiệt làm hao tân dịch. Yếu điểm điều trị là thanh nhiệt khư tà, giữ tân dịch làm cho tà khí rút đi, tân dịch hồi phục thì chứng lưỡi khô sẽ khỏi. Khi chọn phương thuôc điều trị phải căn cứ vào tà nhiệt xâm phạm vào bộ vị nào mà quyết định. Ví dụ tà nhiệt úng tắc Phế thì dùng các loại như Ma hạnh thạch cam thang gia Lô căn, Toàn qua lâu, Ngư tinh thảo, Tà nhiệt ở khí phận thì dùng Bạch hổ gia Nhân sâm thang. Nhiệt kết ở VỊ Trường thì dùng các loại Thừa khí thang. Nhiệt ở Can Đởm dùng Long đởm tả Can thang. Nhiệt ở doanh huyết dùng Thanh doanh thang, Tê giác địa hoàng thang.

– Chứng Lưỡi khô do âm hư dịch suy thiếu: Do giai đoạn cuối của nhiệt bệnh, tà nhiệt dằng dai âm dịch suy hao gây nên cũng có khi do bệnh mãn tính, do ốm lâu ngày hun đốt đến nỗi âm phận suy tổn, hoặc do ngũ chí quá cực hóa hỏa thương âm, hoặc do nghiện rượu và ăn các thức cay nóng khiến cho doanh âm hao tổn ngấm ngầm. Âm hư hỏa bốc làm hại tân dịch tạo nên chứng lưỡi khô. Yếu điểm biện chứng lâm sàng là: xuất hiện đủ các triệu chứng âm hư nội nhiệt như: lưỡi khô ít tân dịch, chất lưỡi hồng hoặc tôi, ít rêu kiêm chứng khát nước, tâm phiền, lòng bàn tay chân nóng, mặt đỏ bừng, mạch Tế Sác… Nguyên tắc điều trị là tư âm thanh nhiệt tăng dịch, nếu tân dịch ở Vị thiếu thôn dùng phương ích Vị thang, Nếu Can Thận âm hư cho uống các phương Thanh cao miết giáp thang, Lục vị địa hoàng thang gia Mạch đông, Ngũ vị tử.

– Chứng Lưỡi khô do dương hư tân dịch không dâng lên: Chứng này do bệnh mạn tính kéo dài lỡ cơ hội điều trị hoặc đã trải qua đại thổ, đại tả, đại hãn, tàn phá dương khí, dương khí hư nhiệt, Tam tiêu khí hỏa mất chức năng, thuỷ dịch trao đổi bị rối loạn tân dịch không dâng lên gây nên chứng lưỡi khô.

Sách Thương hàn luận bản chỉ viết: “ Lưỡi khô ráo là do dương khí hư không thể đưa tân dịch lên làm cho nhuận”. Lại như sách Biện thiệt chỉ nam: “Bụng đầy miệng khô, lưỡi ráo là trong ruột có thuỷ khí”. Đặc điểm lâm sàng là lưỡi khô, rêu trắng ít tân dịch khát mà không muốn uống hoặc ưa uống nóng kiêm các chứng mặt trắng nhợt hoặc tối sạm, mệt mỏi hay nằm, tứ chi quyết lạnh, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, phù thũng là những chứng trạng thuộc dương hư, Điều trị nên dùng phép ôn dương bể khí, có thể chọn dùng phương Tứ nghịch gia Nhân sâm thang. Nếu dương hư thuỷ thấp ứ đọng cho uống Chân vũ thang để ôn dương lợi thuỷ.

Chứng lưỡi khô phần nhiều là dấu hiệu tân dịch bị tổn thương hoặc tà nhiệt hun đốt tân dịch hoặc âm hư dịch khuy mà chứng dương hư tân dịch không dâng lên là do khí hóa mất chức năng gây nên chứ không phải tân dịch tổn thương, Nhưng loại thứ hai ở trên gặp khá nhiều, loại sau thì ít gặp. Điểm để chẩn đoán phân biệt của 3 chứng ấy là:

Một là biến hóa ở cục bộ thể lưỡi: Chứng Lưỡi khô do dương thịnh hun đốt tân dịch thì rêu lưỡi vàng khô hoặc khô quắt nổi gai, chất lưỡi hơi đỏ. chứng Lưỡi khô do âm hư dịch khuy thì chất lưỡi đỏ tươi không có rêu hoặc ít rêu, Chứng Lưỡi khô do dương hư tân dịch không dâng lên thì chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng hoặc tối sạm khô ráo.

Hai là mức độ khát nước: Đại để chứng Lưỡi khô đều kèm khát nước, nhưng mức độ khát nước ở ba chứng này thường bất nhất. Chứng Lưỡi khô do dương thịnh hun đốt tân dịch thì phiền khát thích uống nước lạnh. Chứng lưỡi khô do âm hư dịch khuy thì khát nước không nhiều lắm ưa uống mát, Chứng Lưỡi khô do dương hư tân dịch không dâng lên thì miệng khát mà không muốn uống hoặc uống cũng không nhiều, ưa uống nóng.

Ba là về kiêm chứng: Do thương thịnh hun đốt tân dịch phần nhiều thấy trong chứng thực nhiệt ở giai đoạn tà nhiệt đang bành trướng. Chứng âm hư dịch khuy phần nhiều ở thời kỳ cuối của nhiệt bệnh hoặc thời kỳ cuối của bệnh mạn tính, biểu hiện là chứng âm hư nội nhiệt, chứng dương hư do tân dịch không dâng lên phần nhiều gặp ở thời kỳ cuối của tạp bệnh biểu hiện triệu chứng dương hư khí hóa mất chức năng.

Căn cứ vào 3 phương diện nêu trên phân biệt không khó.

Trích dẫn y văn

Nhưng cũng có trường hợp thấp tà truyền vào khí phận, khí không hóa được tân dịch lại gây nên táo… tân dịch ở trên rêu lưỡi khô ráo đó là độc tà truyền vào lý… Rêu lưỡi vàng khô nếu chân lạnh mạch Trầm không phải đơn thuần là dương chứng rất kỵ dùng Tiêu, Hoàng (Biện thiệt chỉ nam – Biện thiệt chi tân dịch).

Lưỡi đen khô mà ngắn là nhiệt cực ở Quyết âm rất sâu hoặc đồ ăn vít tắc trung quản làm trướng tắc gây nên dùng Đại thừa khí thang liều cao mà hạ có thể cứu được 1,2 phần 10. Sau khi uống vào mà thấy phân vàng nhiệt lui thì sống, nếu phân đen, nhiệt không lui thì chết (Tứ chẩn quyết vi – Vọng chẩn).

Rêu lưỡi nhớt mà khô là tân dịch ở Vị hao thương, ở trong bệnh thấp ôn, giải đoạn cuối hay gặp loại này. Có ưường hợp rêu dầy nhớt thô xốp sờ vào như trên cát. Điều trị trước hết phải sinh tân dịch, đợi khi nào tân dịch trở về lưỡi nhuận mới hóa bỏ thấp (Trung y lâm chứng bị yếu – Thiệt cam).

0/50 ratings
Bình luận đóng