Bệnh loãng xương thường coi là bệnh lý ở phụ nữ lớn tuổi nhưng thực tế là loãng xương bắt đầu từ giai đoạn sớm hơn. Phụ nữ có mật độ xương ở mức cao nhất ở lứa tuổi 30 và họ cần phải có đủ lượng canxi để tạo xương và duy trì sức khỏe ở giai đoạn còn lại. Ở Mỹ có gần 10 triệu người mắc bệnh loãng xương, phụ nữ chiếm trên 80% trong số đó. Người ta dự đoán rằng cứ 1 trong 2 phụ nữ và 1 trong 8 nam giới trên 50 tuổi bị bệnh loãng xương. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ bệnh loãng xương trong phụ nữ da trắng sau mãn kinh vào khoảng 14% ở độ tuổi từ 50-59, 22% trong độ tuổi từ 60-69, 39% trong độ tuổi từ 70-79 và 70% ở độ tuổi từ 80 trở lên.
Ngay từ khi còn trẻ cho đến tuổi trưởng thành trong cơ thể luôn diễn ra hai quá trình: hủy xương và tái tạo xương. Quá trình này người ta gọi là quá trình “tái cấu trúc” hay còn gọi là chu chuyển xương. Ở người trẻ tuổi quá trình tạo xương diễn ra chiếm ưu thế hơn so với quá trình hủy xương. Kết quả là xương phát triển cả về chiều dài, khối lượng, chất lượng và mật độ khoáng cũng như cấu trúc của khung xương làm tăng cường sức bền. Vì vậy xương ở người trẻ tuổi trưởng thành có mật độ khoáng cao nhất, cấu trúc khung xương hoàn chỉnh và có độ chắc khỏe nhất so với các lứa tuổi khác. Ở độ tuổi từ 18-30 tuổi mật độ xương và cấu trúc xương đạt mức độ cao và hoàn chỉnh nhất, khi đó mật độ chất khoáng của xương được gọi là khối lượng xương đỉnh (peak bone mass).
Sau thời kỳ này quá trình phân hủy cấu trúc xương cũ (hủy xương) diễn ra mạnh hơn quá trình tạo mô xương mới (tạo xương) làm mất dần cấu trúc xương. Khi đó, quá trình gây loãng xương bắt đầu xảy ra.
Bệnh loãng xương là tình trạng suy giảm về khối lượng và mật độ xương. Bệnh đặc biệt thường được phát hiện ở người có tuổi. Loãng xương được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi quá trình dẫn tới loãng xương là một quá trình kéo dài, hầu như xảy ra với tất cả mọi người bắt đầu từ sau tuổi 30, nhưng gần như rất ít biểu hiện, khiến mọi người thường chủ quan. Đến khi phát hiện đã bị loãng xương thì rất khó hồi phục hoàn toàn, việc điều trị cũng rất khó khăn, tốn kém cả về tài chính lẫn thời gian. Chính vì vậy, để quá trình hủy xương diễn ra chậm hơn ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ tuổi mãn kinh, cần có biện pháp bảo vệ hệ xương đúng cách và đúng thời điểm. Đó chính là đầu tư ngay từ từ nhỏ để có khối lượng xương đỉnh lớn nhất. Khối lượng xương đỉnh sẽ đạt ở độ tuổi 25-30. Để có khối lượng xương cao nhất, đồng nghĩa với việc phải đầu tư tốt cho xương của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ đến tuổi trưởng thành, để khi trưởng thành có chiều cao tốt nhất cũng như hệ xương vững chắc nhất. Con số đạt chuẩn đối với nam là >l,76m, nữ là >l,64m. Muốn đạt được điều này, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng phải luôn chú trọng bổ sung đầy đủ và liên tục các khoáng chất cần thiết như canxi, kẽm, magie, DHA, Chondroitin,…
Ở tuổi trưởng thành, mỗi người đều cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao để có một bộ xương chắc khỏe. Đặc biệt phụ nữ là đối tượng mắc bệnh loãng xương nhiều hơn nam giới nên cần chú ý trong việc bảo vệ hệ xương đúng cách. Chúng ta thường nghe nói về tầm quan trọng của việc phụ nữ đảm bảo đủ lượng canxi được hấp thu. Nhưng điều quan trọng là việc cung cấp lượng canxi dồi dào cho cơ thể ngay từ trẻ nhỏ đến tuổi thanh niên sẽ làm tăng khả năng tạo xương chắc, khỏe cho tuổi trung niên và khi về già.