Hầu hết các phụ nữ có mật độ xương cao nhất (còn gọi là mật độ xương đỉnh) ở độ tuổi từ 25-30. Mật độ xương đỉnh cơ thể đạt sớm hơn ở một số người tùy thuộc một số yếu tố liên quan như chế độ dinh dưỡng, thói quen có lợi, đủ vitamin và các nguyên tố vi lượng V.V..Khi mật độ xương đạt đến đỉnh cao nhất bắt đầu có xu hướng giảm dần tại thời điểm nào đó (thông thường ở khoảng 35 tuổi) phụ nữ bắt đầu có hiện tượng mất dần các chất khoáng của xương. Bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với vô vàn phiền toái từ tuổi tác như lão hóa da, tính khí thay đổi thất thường, nhưng đáng sợ hơn cả là bệnh loãng xương. Sau 30 tuổi, chị em phụ nữ sẽ phải đối diện với các triệu chứng đau buốt tay chân, xương khớp và chấp nhận loãng xương như một bệnh song hành cùng tuổi tác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có tới 1/3 phụ nữ trong tuổi mãn kinh bị bệnh loãng xương, và loãng xương là vấn đề mang tính xã hội. Ở Việt Nam, có tới 20% chị em ở độ tuổi mãn kinh gặp vấn đề về loãng xương.
Tình trạng mất xương diễn ra từ từ, dần dần hàng năm nhưng sau khi mãn kinh 5-10 năm tốc độ mất xương ở phụ nữ tăng lên nhanh chóng. Sau đó nhiều năm xuất hiện các hốc xương do quá trình tái tạo xương mới không lấp đầy các hốc xương đã bị tiêu hủy. Đó chính là lý do dẫn đến loãng xương. Trong thời gian này thậm chí chúng ta vẫn cho rằng xương còn đủ độ chắc khỏe để tránh các gãy xương thông thường và không có bất kì dấu hiệu nào để cảnh báo là đang có bệnh. Tình trạng mất xương này chỉ có thể phát hiện được khi làm các xét nghiệm thăm dò đánh giá mật độ xương.
Với chị em phụ nữ, hormone nội tiết estrogen quyết định hình thái, sắc đẹp của phụ nữ. Đặc biệt estrogen đóng vai trò chung trong cơ thể là vận chuyển và gắn kết canxi với tế bào khung xương. Bởi thế, khi bước vào tuổi mãn kinh, lượng estrogen suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xương của phụ nữ.
Trong cơ thể, estrogen có tác dụng ức chế hủy xương gián tiếp thông qua các hormone khác hoặc thông qua tác động của các yếu tố tăng trưởng tại chỗ. Một số nghiên cứu đã cho thấy trên bề mặt của tạo cốt bào có các thụ thể với estrogen và ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình tạo xương. Ngoài ra, estrogen còn ảnh hưởng đến việc tạo ra các yếu tố tăng trưởng tại chỗ như IGF, cytokin, interleukin 1 tham gia vào quá trình tạo xương. Đây là bệnh loãng xương nguyên phát typ 1. Như vậy, phụ nữ sau mãn kinh sẽ phải gánh chịu hai quá trình gây loãng xương, đó là loãng xương do tuổi và loãng xương do thiếu hụt estrogen, làm cho họ bị loãng xương sớm hơn, nhanh hơn, nặng hơn nam giới.