Đại Nghinh
Tên Huyệt Đại Nghinh:
Đại = Chuyển động nhiều, chỉ động mạch; Nghênh: chỉ khí huyết hưng thịnh. Huyệt là nơi giao hội của 2 đường kinh Dương minh (nhiều huyết nhiều khí), lại nằm trên rãnh động mạch mặt, vì vậy gọi là Đại Nghinh (Trung Y Cương Mục).
Xuất Xứ:
Thiên ‘Hàn Nhiệt Bệnh’ (Linh khu.21).
Tên Khác:
Đại Nghinh, Tủy Khổng.
Đặc Tính Huyệt Đại Nghinh:
Huyệt thứ 5 của kinh Vị.
Là nơi mạch của Thủ Dương Minh nhập vào và giao với Túc Dương Minh để đi vào vùng xương mũi, má và lan tỏa vào răng.
Nơi kinh Vị chia làm 2 nhánh, 1 nhánh lên hàm trên và đến tận góc trán, một nhánh xuống cổ và chân.
Vị Trí Huyệt Đại Nghinh:
Cắn chặt răng lại, huyệt ở sát bờ trước cơ cắn và trên bờ dưới xương hàm dưới, ngang một khoát ngón tay, ngay trên rãnh động mạch mặt.
Giải Phẫu:
Dưới da là bờ dưới cơ cười, cơ mút, sát bờ trước cơ cắn, rãnh động mạch mặt của xương hàm dưới.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII và dây thần kinh sọ não số V.
Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Chủ Trị Huyệt Đại Nghinh:
Trị răng đau, má sưng, mặt liệt, tuyến mang tai viêm.
Phối Huyệt:
1. Phối Khúc Trì (Đại trường.11) + Quyền Liêu (Tiểu trường.18) + Thính Hội (Đ.2) trị răng đau, sợ lạnh (Thiên Kim Phương).
2. Phối (Thủ) Ngũ Lý (Đại trường.13) + Tý Nhu (Đại trường.14) trị lao hạch [loa lịch] (Thiên Kim Phương).
3. Phối Quyền Liêu (Tiểu trường.18) trị xoang đầu viêm, hoa mắt (Bách Chứng Phú).
4. Phối Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) trị quai bị, sốt phát ban (Châm Cứu Phùng Nguyên).
Cách châm Cứu Huyệt Đại Nghinh:
Châm thẳng hoặc xiên về huyệt Giáp Xa – Ôn cứu 5 – 10 phút.
Tham Khảo:
“Răng hàm dưới đau, nếu không sợ uống nước lạnh, chọn kinh thủ Dương Minh, nếu sợ uống nước lạnh, chọn kinh túc Dương Minh [huyệt Đại Nghênh]” (Linh khu.26, 9).