HOÀI SƠN
Rhizoma Dioscorae persimilis
Hoài sơn là thân rễ đã chế biến của cây củ mài – Dioscorea persimilis Prain et Burkill, Họ Củ nâu – Dioscoreaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Dây leo quấn sang phải. Thân rễ phình thành củ ăn sâu xuống đất khó đào, củ hình chày dài có thể đến 1m, có nhiều rễ con, mặt ngoài màu xám nâu bên trong có bột màu trắng. Phần trên mặt đất, ở kẽ lá thỉnh thoảng có những củ con nhỏ, củ này có thể đem trồng được. Lá mọc đối hoặc có khi mọc so le. Lá đơn, nhẵn, hình tim đầu nhọn, có 5-7 gân chính. Hoa mọc thành bông, trục bông khúc khuỷu mang nhiều hoa. Hoa đực hoa cái khác gốc. Bao hoa 6, dài bằng nhau, nhị 6, hoa cái mọc thành bông. Quả nang có 3 cánh. Cây mọc hoang ở rừng, nhân dân ta vẫn đào lấy củ ăn. Hiện nay được trồng ở nhiều nơi, nhân giống bằng củ, thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Bộ phận dùng và chế biến
Củ mài đào về rửa sạch đất, gọt vỏ, ngâm nước phèn chua 2-4 giờ, vớt ra cho vào lò sấy diêm sinh đến khi củ mềm, mang ra phơi hay sấy cho se, đem gọt và lăn thành trụ tròn. Tiếp tục sấy diêm sinh một ngày một đêm nữa rồi đem phơi hay sấy ở nhiệt độ 60o cho tới khi độ ẩm không quá 10%. Sau khi chế biến, hoài sơn có hình trụ tròn dài 8-20cm, đường kính 1-3 cm. Mặt ngoài trắng hay vàng ngà. Vết bẻ có nhiều bột, không có xơ, rắn chắc, không mùi vị. Ta đã chế biến được vị hoài sơn và đã xuất khẩu.
Thành phần hóa học
Hiện nay mới biết thành phần chủ yếu là tinh bột, chất nhầy.
Kiểm nghiệm
Soi bột thấy có nhiều hạt tinh bột hình trứng hay hình thận, rốn hạt dài, có vân đồng tâm. Kích thước trung bình 40 mm. Tinh thể calci oxalat hình kim. mảnh mô mềm gồm các tế bào thành mỏng, chứa tinh bột. Mảnh mạch mạng.
Công dụng
Trong y học dân tộc cổ truyền dùng làm thuốc bổ tỳ bổ thận, lỵ mạn tính, đái đường, đái đêm, di tinh, mồ hôi trộm, chóng mặt, hoa mắt, đau lưng.
Ngày dùng 12-24 g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Hoài sơn đã được ghi vào Dược Điển Việt Nam.
Chú thích: theo tài liệu Trung Quốc, sơn dược tức là hoài sơn được chế từ D. opposita Thunb. Thành phần ngoài tinh bột có chứa mucin, alantoin, cholin và maltase.
Trung Quốc còn có vị dã sơn dược – D. japonica Thunb. cũng dùng như sơn dược.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật