GÔM ADRAGANT
Gummi Tragacanthae
            Gôm adragant do một số cây thuộc chi Astragalus, họ Đậu – Fabaceae cung cấp (chi này có đến 1000 loài). Loài chủ yếu cung cấp gôm này là cây Astragalus gummifer Labill. Các loài khác như A.verus Oliver A.piletocladus Fr. et Sint. cũng cho gôm.
Đặc điểm thực vật và phân bố.
            Cây Astragalus gummifer Labill. là cây bụi nhỏ. Cây chậm lớn, chỉ tăng khoảng 1 cm chiều cao mỗi năm và đến năm thứ 60-75 cũng chỉ cao khoảmg 1 m. Lá kép lông chim chẵn, có lá kèm nhọn. khi lá chét rụng, các cuống lá kép còn lại tạo thành những gai nhọn. Hoa hình bướm màu vàng nhạt mọc thành chùm ở nách những lá phía dưới. Quả loại đậu, có lông, chỉ chứa 1 hạt, không mở. Các cây Astragalus thường mọc ở độ cao từ 1000 – 3000m.
            Những nơi cung cấp gôm: Xiri, Iran, Irac, Hy Lạp. Liên xô cũ trước đây phải nhập của Iran, nay cũng đã tự túc được và khai thác ở vùng Turmeni và Armeni.
            Sự tạo thành gôm và thu hoạch. Gôm được tạo thành do sự biến đổi của thành tế bào tia ruột và ruột. Gôm bị ép bên trong thân cây nên khi có lỗ sâu đục hoặc vết rạch sâu thì chảy ra. Hai ngày sau khi rạch thì thu hoạch gôm.
Mô tả dược liệu.

            Tùy theo dụng cụ rạch mà gôm có hình dạng khác nhau, thường là những phiến cong có vân đồng tâm dài có thể đến 5-6cm, rộng 2cm. Gôm có màu trắng nhờ, đục như sừng. Khác với gôm arabic gôm adragant nở ra trong nước và chỉ tan một phần.

Thành phần hóa học.
Thành phần polysaccharid là chính, polysaccharid này lại chia làm 2 loại:
1.      Acid tragacanthic còn gọi là tragacanthin là thành phần tan trong nước chiếm khoảng 10%, ở dạng cuối Ca, K và Mg trong cây. Polysaccharid này cấu tạo có một mạch chính là các a-D-galacturonic theo dây nối (1®4) đôi khi có L-rhamnose xen vào, còn mạch nhánh nối ở C-3 gồm có D-xylose, 2-O-a-galactopyranosyl-D-xylopyranose và 2-O-a-D-galactopyranosyl-D-xylopyran-ose.
2.      Arabinogalactan hay còn gọi là bassorin chiếm 60-70%, là một polysaccharid trung tính, không tan trong nước mà chỉ nở ra tạo thành thể keo, phân tử phân nhánh nhiều, gồm mạch chính là các D-galactose nối theo dây nối (1®6) và (1®2), mạch nhánh là các L-arabinose nối theo dây nối (1®2), (2®3), (1®5).
            Khác với gôm arabic trong thành phần adragant có tinh bột và không có oxydase. Những chất vô cơ chiếm 3-4%.
Kiểm nghiệm
            Không phản ứng với cồn gaic hoặc với benzidin (để phân biệt với gôm arabic).
            Không được có mùi acetic (để phân biệt với gôm Sterculia).
            Chỉ số nở: thực hiện với 0,5g trong một hỗn hợp cồn nước 4:6 phải trên 10.
            Khác với gôm arabic, gôm adragant không hoàn toàn tan trong nước. Nó chỉ cho với nước một dịch nhầy đục và sánh hơn.
Công dụng.
Làm chất nhũ hóa tốt hơn gôm arabic, ngoài ra còn dùng làm tá dược dính trong các dạng thuốc viên, chất làm dịu khi đau họng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng