Tiếp tục điều tra tổng thể hiệu quả các loại dược liệu chủ yếu đang trồng ở Việt Nam; duy trì nghiên cứu nguồn gen quý, đồng thời rà soát quy hoạch các vùng dược liệu của đất nước, trên cơ sở đó tập trung phát triển các vùng dược liệu trọng điểm và các sản phẩm thuốc quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược liệu… Đó là một số giải pháp cụ thể được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đưa ra tại hội nghị “Phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia” do
Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế tổ chức ngày 30/5 tại Bình Dương.
Hơn 1.000 thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đã được cấp số đăng ký
Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã phát hiện 3.948 loài thực vật và nấm lớn được sử dụng làm thuốc, trong đó có hàng chục loại có giá trị chữa bệnh cao. Một số nguồn dược liệu quý của Việt Nam đã được thế giới công nhận và có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới như: hồi, trinh nữ hoàng cung, quế, atiso, sâm Ngọc Linh, tràm, thanh hao hoa vàng và hoa hòe. Tổng sản lượng dược liệu trồng trọt ở Việt Nam hàng năm ước tính khoảng 3.000 – 5.000 tấn. Cả nước có 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, 10 cơ sở sản xuất Đông dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP – WHO). Cục Quản lý Dược cũng cho hay, hiện có 1.086 số đăng ký thuốc từ dược liệu còn hiệu lực, đồng thời có một số cơ sở trồng trọt đạt tiêu chuẩn
VietGAP…
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chỉ rõ: đến nay vùng phân bố tự nhiên của cây thuốc bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác một cách cạn kiệt; việc nuôi trồng, thu hoạch còn manh mún, tự phát. Mặc dù có đầy đủ các điều kiện để trồng trọt nhiều loại dược liệu có giá trị cao, nhưng do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết và thị trường dược liệu không ổn định nên việc phát triển các vùng dược liệu hiện nay gặp nhiều khó khăn. Chính sách bảo tồn nguồn gen, nhất là các cây quý còn ít. Phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất dạng bào chế thông thường…
Chăm sóc vườn thuốc nam tại Trung tâm y tế huyện Khoái Châu – Hưng Yên. |
4 “nhà” cùng vào cuộc:
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả việc phát triển, ứng dụng dược liệu trong sản xuất thuốc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, đồng thời tình trạng dược liệu trong nước đang có xu hướng suy giảm. Vì thế cần nhìn thẳng vào những tồn tại trong công tác quản lý và phát triển dược liệu để từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm gắn kết hơn mối quan hệ của cả 4 “nhà”: Nhà nước – nhà khoa học – nhà sản xuất và nhà nông. Sở dĩ mối quan hệ 4 “nhà” cần phải gắn kết hơn nữa bởi từ chính sách của Nhà nước, các nhà khoa học mới thúc đẩy công tác nghiên cứu về một số dược liệu để có đề tài mang tính thực tiễn cao, trên cơ sở đó nhà sản xuất mới thúc đẩy sản xuất và nhà nông mới thúc đẩy nuôi trồng dược liệu. Quy trình này càng chặt chẽ thì cả 4 “nhà” cùng hưởng lợi.
Từ những kiến nghị của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ Y tế tổ chức điều tra tổng thể về tình hình dược liệu trong nước để đánh giá tính khoa học, hiệu quả và tiềm năng của từng loại; tổ chức bảo quản và phát triển gen cũng như giống loại dược liệu quý. Tăng cường sự phối hợp doanh nghiệp và nhà khoa học để ngày càng có nhiều sản phẩm thuốc quốc gia từ dược liệu. Việc phát triển dược liệu luôn gắn với dược phẩm thời mới có kết quả mang tính bền vững. Các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức rà soát văn bản liên quan để bổ sung thực tiễn, tạo điều kiện để dược liệu trong nước phát triển…, đồng thời rà soát lại quy hoạch các vùng dược liệu quý của đất nước như cây hồi, quế và atisô...
Phó Thủ tướng cũng cho hay, trong tháng 6 này sẽ ký công bố 3 sản phẩm thuốc quốc gia có nguồn gốc từ dược liệu theo đề xuất của Bộ Y tế. “Việc công bố 3 sản phẩm thuốc trên vào chương trình quốc gia sẽ là tiền đề đại diện để triển khai cơ chế mới vào sự phát triển của ngành dược”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.