VI – ĐỊNH LƯỢNG: ( nhóm nhuận tẩy)
1 – Phương pháp cân: phương pháp của Daels và Kroeber.
            Nguyên tắc của phương pháp này như sau: Dược liệu được đun với acid sulfuric 25% để thủy phân các glycosid, các aglycon được chiết ra bằng chloroform. Dung dịch chloroform đem rửa với dung dịch natri bisulfit rồi tiếp theo với dung dịch HCl loãng. Sau đó bốc hơi dung môi, cắn được đem sấy và cân. Dược điển Liên Xô IX ứng dụng phương pháp này để định lượng các oxymethylanthraquinon trong vỏ cây Rhamnus frangula L. và trong đại hoàng.
            Cách tiến hành: cân chính xác 2 g bột dược liệu, đun cách thủy trong bình có ống sinh hàn hồi lưu trong 2 giờ rưỡi với 200 ml CHCl3 và 50 ml H2SO4 25%. Sau đó lắc các dịch chiết CHCl3 với 50 ml dung dịch natri bisulfit 10% trong 5 phút. Sau khi để yên tách lớp CHCl3, lọc và lắc với dung dịch acid hydrochloric 1% trong 5 phút. Sau khi 2 lớp phân cách rõ ràng, người ta tách lớp dưới, lọc và bốc hơi CHCl3, sấy, lúc đầu 600 rồi sau đó 800C đến khi khối lượng không đổi.
2- Phương pháp so màu:
            Phương pháp này dựa trên phản ứng màu Börntraeger. Tschirch là người đầu tiên đưa ra phương pháp để định lượng anthranoid trong đại hoàng. Theo tác giả, bột đại hoàng được đun sôi với dung dịch H2SO4 loãng, sau đó chiết bằng ether. Từ dịch ether lại chiết bằng kiềm rồi đo màu. Nhiều tác giả khác có thay đổi một số điều kiện về dung môi hữu cơ, acid, thời gian thủy phân, loại dung dịch kiềm để làm phản ứng màu. Sau đây chỉ trình bày phương pháp của Auterhoff là phương pháp được nhiều người chấp nhận. Nguyên tắc của phương pháp là đun dược liệu với acid acetic để thủy phân các  glycosid, sau đó thêm ether để chiết aglycon. Từ  dịch acid acetic – ether (chú ý acid acetic hoà tan trong ether) các aglycon được lắc nhanh với dung dịch xút cộng với ammoniac. Dung dịch kiềm có màu đỏ, được đem đo mật độ quang. Đường cong chuẩn được xây dựng với chất mẫu istizin (= 1,8-dihydroxyanthraquinon) hoặc acid chrysophanic được pha cũng trong dung dịch xút + ammoniac hoặc dựa vào dung dịch cobalt chlorid; dung dịch này có màu hồng như màu của phản ứng. Mật độ quang của 0,36mg istizin trong 100ml  dung dịch xút + ammoniac (5g NaOH trong 50ml nước thêm 2ml ammoniac đậm đặc và thêm đủ 100ml với nước cất) bằng mật độ quang của dung dịch cobalt chlorid 1%.
            Phương pháp này hạn chế tới mức thấp nhất sự oxy hoá các chất ở dạng khử anthron. Các chất này có màu vàng trong môi trường kiềm nên không cản trở sự định lượng. Nếu muốn định lượng anthranoid toàn phần cần oxy hoá các dẫn chất anthron bằng cách đặt các dung dịch đã phản ứng với kiềm lên nồi cách thủy trong 20 phút. Ở môi trường kiềm cộng với nhiệt độ và không khí, các dẫn chất anthron sẽ bị oxyhoá thành anthraquinon. Hiệu giữa 2 lần đo trước và sau khi oxy hoá cho phép ta tính được hàm lượng của các dẫn chất anthron.
            Nếu muốn định lượng các aglycon ở dạng tự do trong dược liệu thì không qua giai đoạn thủy phân mà chỉ cần chiết các aglycon tự do bằng ether rồi thêm dung dịch kiềm để làm phản ứng màu.
            Phương pháp Auterhoff đã được đưa vào Dược điển Việt Nam để định lượng những dẫn chất anthranoid trong dược liệu.
3 – Phương

pháp thể tích của Tschirch và Schmitz:

            Nguyên tắc của phương pháp là dùng dung dịch KOH 0,1 N để tác dụng lên các dẫn chất anthraquinon rồi chuẩn độ kiềm thừa bằng HCl 0,1 N; sự chuyển màu từ đỏ sang vàng của phản ứng thay cho chỉ thị màu. Phương pháp này ít được dùng vì thiếu chính xác.
            Ngoài các phương pháp trên, có thể kết hợp sắc ký với đo quang để định lượng từng thành phần riêng. Ngoài ra có thể đánh giá bằng phương pháp sinh vật trên chuột thí nghiệm. Đối với Lô hội không dùng phương pháp này vì chuột kém nhạy cảm, liều xổ của sennosid là 1 mg/kg thể trọng chuột còn barbaloin là 300 mg/kg.
 https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

0/50 ratings
Bình luận đóng