Là một dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trong các dị tật nang và rò vùng cổ ở Việt Nam, hiếm gặp ở các nước châu Âu, Mỹ. Bệnh do sự phát triển bất thường của vùng mang trong thời kỳ phôi thai, liên quan đến sự tồn tại của ống họng mang IV.
BỆNH SINH PHÔI THAI HỌC
Ống rò túi mang IV là vết tích thuộc ống họng-mang IV, nối liền giữa thể mang cuối và tuyến cận giáp trên.
CHẨN ĐOÁN
Đặc điểm lâm sàng
Triệu chứng bệnh xuất hiện một cách tự phát, với một khối viêm xuất hiện vùng cổ bên thấp, dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm, thường là phía bên trái, ngang mức với thuỳ tuyến giáp. Khối viêm có thể khu trú hoặc lan rộng dưới dạng đóng bánh vùng cổ, tái phát nhiều lần cùng với các đợt nhiễm trùng.
Bệnh nhân thường đến viện vào giai đoạn nhiễm trùng, do nang ống rò viêm nhiễm hoặc áp xe hoá, ổ mủ có thể giới hạn ở khoang cổ sâu bên cạnh trục khí-thực quản, hoặc lan rộng đến các khoảng khác của cổ. Các triệu chứng toàn thân xuất hiện như sốt, nhiễm trùng, nhiễm độc, kèm theo đau cổ nhiều, quay cổ hạn chế, nuốt khó, nuốt đau… khó thở đôi khi xảy ra ở trẻ em.
Cận lâm sàng
- Nội soi hạ họng là một thăm dò quan trọng, có giá trị trong chẩn đoán, nhằm phát hiện lỗ rò ở đáy xoang lê.
- Phim X quang cổ thẳng và nghiêng được thực hiện trong giai đoạn viêm tấy hoặc áp xe vùng cổ bên, trên phim cho thấy hình ảnh khối viêm hay khối áp xe, đôi khi cho thấy sự đẩy lệch thanh khí quản, thậm chí sự chèn ép của trục khí quản. Ngoài ra phim cũng có thể giúp loại trừ các trường hợp dị vật thực quản cổ gây áp xe.
Việc chụp đường rò có bơm thuốc cản quang bằng chụp Xquang thường hoặc bằng chụp cắt lớp vi tính, có giá trị trong việc xác định đường đi của ống rò. Ở một số trường hợp, phim còn cho phép hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị ngoại khoa.
- Siêu âm trong giai đoạn viêm nhiễm, nó cho phép xác định vị trí của khối u viêm so với tuyến giáp, biểu hiện bằng một vùng giảm âm vang, tương ứng với nang ống rò dãn rộng do áp xe hoá, tuy nhiên nó không có tính chất đặc hiệu nào cho chẩn đoán bệnh.
ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
Nội soi cần được thực hiện trước và trong mổ để xác định lỗ rò ở đáy xoang lê. Nếu có thể được, đặt một sonde Fogarty vào lòng ống rò để xác định rõ hơn trong lúc phẫu thuật, đôi khi qua đó chúng ta có thể bơm xanh methylen vào.
Đường rạch da theo đường ngang cổ ngang tầm bờ dưới cánh sụn giáp. Vào khoảng cạnh sụn giáp, cắt và bóc tách một phần cơ khít họng dưới, dọc theo bờ sau cánh sụn giáp để có thể tiếp cận dễ dàng đáy xoang lê.
- Điều trị và săn sóc sau mổ:
+ Dùng kháng sinh đường toàn thân, thông thường là Cephalosporin liều 50mg/kg, trong 7 ngày.
+ Săn sóc: thay băng hằng ngày.
+ Rút dẫn lưu kín sau 48 giờ.
+ Đặt ống thông dạ dày cho ăn trong các phẫu thuật rò xoang lê. Rút ống thông dạ dày sau 3 ngày.
TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG
- Tụ máu vết mổ: thường xảy ra vào ngày đầu tiên sau mổ, nếu khối máu tụ to sẽ chèn ép vào trục khí quản gây khó thở. Cần phải xử trí kịp thời, mở lại vết mổ, kiểm tra và cầm máu kỹ sau đó phải đặt lại dẫn lưu kín, băng ép.
- Nhiễm trùng vết mổ.
- Tổn thương dây thần kinh quặt ngược: do đụng chạm vào dây thần kinh trong khi bộc lộ phần đáy xoang lê.
- Tổn thương dây thần kinh thanh quản trên: trong phẫu thuật rò xoang lê, nhưng ít gặp hơn.
- Rò nước bọt vết mổ do rách, thủng hạ họng.
- Tái phát sau mổ.