Giải phẫu: các sợi khứu giác xuất phát từ niêm mạc mũi (màng Schneider), đi qua các lỗ của xương sàng, tạo nên hành khứu và qua các dải khứu đi tới hồi cá ngựa của thuỳ thái dương và nhân hạnh nhân.
Khám khứu giác: dùng các lọ có chứa các chất có mùi cơ bản: gomenól, vanille, viôlét, chanh, bạc hà V.V…Tránh dùng các chất kích thích như ammoniac, dấm vì kích thích dây sinh ba. Rối loạn khứu giác thường do nguyên nhân tại chỗ: viêm niêm mạc mũi mạn tính (viêm mũi), polyp mũi v.v… Do đó, rối loạn khứu giác chỉ có ý nghĩa thần kinh khi khám mũi đã loại trừ các nguyên nhân tại chỗ. Các vị cơ bản (cảm giác mặn, ngọt, đắng, chua) phụ thuộc vào nhánh hàm dưới của dây sinh ba. VỊ giác “phức tạp” chủ yếu có từ các cảm giác khứu giác và rất ít từ các cảm giác vị giác cơ bản.
- Một số định nghĩa
Chứng mất khứu giác (anosmie): mất cảm giác về mùi, thể hiện trước hết bằng giảm các cảm giác về vị. Mất khứu giác có thể là hậu quả của tổn thương niêm mạc mũi (viêm, nhiễm khuẩn, polyp, hút thuốc lá). Cũng có thể do chèn ép đường khứu giác bởi khối u ở phần dưới thuỳ trán hay ở rãnh khứu (u màng não khứu) hay do các sợi khứu giác bị đứt bởi chấn thương sọ não. Chứng này có thể kết hợp với thiểu năng tuyến sinh dục (xem hội chứng Kallmann). Bệnh nhân bị mất khứu giác vẫn nhận cảm được các vị mặn, ngọt, chua và đắng nhưng không phân biệt được và thường phàn nàn bị mất vị giác.
Chứng mất vị giác (agueusie): mất cảm giác vị.
Chứng rối loạn vị giác (dysgueusie): rối loạn cảm giác vị.
Chứng ngửi thối (cacosmie): ngửi thấy mùi thối (xem hoang tưởng mùi vị).
Chứng rối loạn khứu giác (dysosmie): cảm giác lệch lạc về mùi.
Chứng giảm khứu giác (hyposmie): giảm cảm giác mùi. Có thể xuất hiện sau cúm.
Chứng loạn khứu giác (parosmie): nhầm lẫn các mùi.