Đái tháo đường là gì ?

Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì đái tháo đường “là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu / hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc do có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin”.

Ngày nay người ta cho rằng đái tháo đường là một rối loạn của hệ thống nội tiết; bệnh có thuộc tính là tăng glucose máu. Mức độ tăng glucose máu phụ thuộc vào sự mất toàn bộ hay một phần khả năng bài tiết hoặc khả năng hoạt động của insulin hoặc cả hai.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra định nghĩa về đái tháo đường: “là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau: (1) tăng glucose máu; (2) kết hợp với những bất thường về chuyển hoá carbohydrat, lipid và protein; (3) bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch khác”.

Tháng 1 năm 2003, các chuyên gia thuộc “ủy ban chẩn đoán và phân loại bệnh đái tháo đường Hoa Kỳ”, lại đưa một định nghĩa mới về đái tháo đường “là một nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điêm là tăng glucose máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin; khiếm khuyết trong hoạt động của insulin; hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính thường kết hợp với sự huỷ hoại, sự rối loạn chức năng và sự suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu”.

Thuật ngữ đái tháo đường có còn đúng?

Năm 1998 Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận đề nghị áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán mới của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ kiến nghị năm 1997. Tài liệu mới này sau khi được nghiên cứu thận trọng đã chính thức phát hành năm 1999. Với tiêu chuẩn chẩn đoán mới, người ta hy vọng bệnh sẽ được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để phòng chống các biến chứng của bệnh. Nhưng thực tế cho đến nay, ngay cả khi đã áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán mới, bệnh đái tháo đường cũng chỉ được phát hiện bệnh sau khi mắc bệnh trung bình từ 5 đến 15 năm.

Người ta đã từng nhiều lần đặt câu hỏi: Liệu thuật ngữ đái tháo đường có còn phù hợp nữa hay không? khi mà trong thực tế người ta đã buộc phải can thiệp ngay từ khi chỉ có mức glucose trong máu cao và đường chưa có trong nước tiểu. Hơn thế, đứng về khía cạnh dự phòng thuật ngữ này không đáp ứng được những yêu cầu về mặt phát hiện sớm và can thiệp bệnh sớm?.

Vì những lý do trên nhiều ý kiến cho rằng nên gọi là bệnh tăng glucose máu hơn là sử dụng thuật ngữ đái tháo đường như hiện nay.

Quan niệm về đái tháo đường và hội chứng chuyển hoá

Từ lâu người ta đã biết đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hoá. Nhưng những tác hại mà nó gây ra thì gần đây mới được làm sáng tỏ. Ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường đến các bệnh lý khác rất nặng nề. Ngày nay đái tháo đường được xếp vào nhóm bệnh không lây cùng với các bệnh phổ biến khác đang được cả loài người – tất cả các quốc gia, đồng tâm hợp sức tìm biện pháp phòng chống. Chi tiết các vấn đề này sẽ được trình bày cụ thể ở các phần sau.

0/50 ratings
Bình luận đóng