ĐẠI HỒI
Tên khoa học: Illicium verum Hook.f. Họ hồi – Illiciaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây cao 6 – 10m. Cành mọc thẳng tạo cho cây dạng thon gọn và tán lá hẹp. Lá mọc so le nhưng thường mọc sít tạo thành các vòng giả, từ 4 – 6 lá. Lá thon dài hoặc hình bầu dục mép nguyên có lượn sóng hoặc không. Lá rất dễ rụng khỏi cành nếu cắt cành rời khỏi cây. Hoa có thể có nhiều màu: Trắng, trắng hồng, hồng, tím hồng. Noãn đa số là 8 có khi 9 – 10.
Quả đại, thường có 8 đại dính vào 1 trục và toả tròn thành hình sao. Trong mỗi đại có chứa 1 hạt màu nâu bóng. Thường thì có từ 2 – 6 đại bị lép. Có những cây cho quả đến 10 đại, to đều ít bị lép.
Quả tươi có màu xanh, khi khô màu nâu thẫm.
Hồi được coi là một đặc sản của tỉnh Lạng Sơn, được trồng ở hầu hết các huyện trong tỉnh, trừ Hữu Lũng và Nam Chi Lăng. Ngoài ra còn được trồng ở Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Thái (vùng giáp với Lạng Sơn). Năm 1999, toàn Lạng Sơn trồng 17000 ha hồi, thu hoạch 15000 tấn quả tươi
Hồi còn được trồng ở Trung Quốc (Quảng Tây, Nam Ninh).
Trồng trọt và thu hái
Trồng bằng hạt. Chọn quả to đều cánh từ 8 – 10 cánh (đại) của những cây ở độ tuổi trưởng thành (30 – 40 tuổi), không bị sâu bệnh, thường xuyên sai quả và được chăm sóc tốt. Phơi nắng nhẹ, quả sẽ nứt, hạt rơi ra. Bảo quản hạt trong cát trong 3 tháng khi hạt nứt nanh 7 – 10% thì gieo. Thường gieo trước tết nguyên đán 2 tuần. Khi cây ra lá đều thì cấy vào bầu. Cây con 20 – 25 tháng tuổi thì đem trồng.
Cây ra hoa vào lúc 5 tuổi. Những năm đầu tiên sản lượng thường thấp. Cây trưởng thành, 1 năm có thể cho từ 20 – 40 kg quả. Có thể khai thác đến khi cây 100 tuổi hoặc hơn nữa.
Hồi được khai thác vào 2 vụ. Vụ chính vào tháng 8 – 9 (hồi mùa), vụ phụ từ tháng 11 – tháng 2 năm sau (vụ chiêm). Thường cây sai quả vào vụ mùa thì sẽ ít quả vào vụ chiêm và ngược lại.
Bộ phận dụng
– Quả – Fructus Anisi stellati.
– Tinh dầu – Oleum Anisi stellati.
Quả
Đặc điểm vi học:
+ Quả (bột): Nhiều tế bào mô cứng hình dạng khác nhau của vỏ quả giữa, vỏ quả trong và vỏ hạt. Thể cứng của cuống quả. Nhiều tế bào chứa tinh dầu.
+ Lá (vi phẫu): Có các thể cứng hình dáng đặc điểm ở gân và phiến lá (để phân biệt với lá hồi núi I. griffithii, không có thể cứng chỉ có các đám tế bào mô cứng).
Quả được phơi khô đến độ ẩm 12 – 13%.
Tinh dầu được cất từ quả tươi vừa mới thu hái với hiệu suất 3-3,5%. Tinh dầu hồi Lạng Sơn được thị trường quốc tế xếp và loại I. Hàng năm nơi này cùng cấp 2/10 sản lượng toàn thế giới, còn lại là Quảng Tây (3/10) và Nam Ninh (5/10) (tinh dầu loại II).
Thành phần hoá học
– Quả có chứa tinh dầu 8-9%. Quả mới thu hoạch có thể chứa 10-15%. DĐVN III  qui định hàm lượng tinh dầu không dưới 5%.
Tinh dầu quả hồi, tên thương phẩm Star Anis oil, là chất lỏng không màu vàng nhạt, mùi đặc biệt, vị ngọt, kết tinh khi để lạnh. d20: 0,978 – 0,990, nD20: 1,552 – 1,560, D20: – 20 đến + 10.
Thành phần chủ yếu của tinh dầu quả là trans – anethol (85 – 90%). Tinh dầu quả hồi Lạng Sơn luôn đạt hàm lượng anethol trên 90%.
– Lá có chứa tinh dầu 0,56-1,73%.
Tinh dầu lá có chứa lượng anethol xấp xỉ tinh dầu quả 85-90%.
– Hạt chứa chất béo.
Kiểm nghiệm
Định lượng anehtol bằng phương pháp đo độ đông đặc. Nhiệt độ đông đặc không được dưới + 150, tương đương với hàm lượng anethol từ 85 – 95%.
Công dụng
– Quả hồi có tác dụng giúp tiêu hoá, lợi sữa, giảm đau, giảm co bóp nhu động ruột, dùng để chữa ỉa chảy, nôn mửa, ăn không tiêu, bụng đầy.
Tính vị trong Đông y: Vị cay, ôn, tác dụng vào kinh can, thận, tỳ, vị, có tác dụng ôn trung khứ hàn. Dạng dùng: bột, rượu thuốc.
Dùng ngoài hồi có tác dụng chữa đau nhức, thấp khớp, bong gân.
– Tinh dầu hồi có tác dụng tương tự như dược liệu, thường được phối hợp trong nhiều thuốc khác. Ngoài ra tinh dầu còn dùng để tổng hợp các hormon oestrogen  (diethylstilbestrol, diethylstilbestrol propionat).
Quả hồi và tinh dầu hồi được được dùng làm gia vị và hương liệu cho rất nhiều sản phẩm trong kỹ nghệ thực phẩm: rượu mùi, kẹo gum, bánh kẹo, gelatin, puding, thịt và các sản phẩm của thịt. Hàm lượng tinh dầu tối đa được phép đưa vào thực phẩm là 0,07%. Ngoài ra tinh dầu còn được dùng trong kỹ nghệ sản xuất xà phòng, kem đánh răng, thuốc lá v.v.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng