NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ

Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu nhưng tác nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn.

  • Các vi khuẩn gây bệnh thường gặp là Gram âm như E.Coli và một số loại khác.
  • Đường vào chủ yếu là nhiễm trùng ngược dòng từ phía dưới lên.
  • Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn tiết niệu gồm:

+ Chèn ép: sỏi đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến ở nam giới, có thai, táo bón.

+ Các thủ thuật tiến hành không đảm bảo vô khuẩn: thông tiểu, soi bàng quang, can thiệp sản khoa.

+ Dị dạng đường tiết niệu.

+ Tiểu đường.

  • Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ, nhưng tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới và dễ tái phát hơn.

TRIỆU CHỨNG

Lâm sàng

  • Trường hợp nhiễm khuẩn gây viêm chủ yếu ở đường niệu thấp, triệu chứng lâm sàng chủ yếu là:

+ Tiểu rắt: Đi tiểu nhiều lần trong ngày, nhưng mỗi lần đi tiểu lượng nước tiểu rất ít.

+ Tiểu gấp: luôn cảm thấy mót đi tiểu và phải đi tiểu ngay.

+ Tiểu buốt: đau ở niệu đạo mỗi khi đi tiểu.

+ Nước tiểu đục có khi lẫn mủ hoặc máu.

  • Trường hợp biến chứng nhiễm khuẩn ngược dòng gây ra viêm thận bể thận cấp, bệnh nhân sẽ biểu hiện triệu chứng toàn thân nặng nề với hội chứng nhiễm trùng:

+ Sốt cao, rét run, dao động.

+ Môi khô, mắt trũng, thể trạng suy sụp nhanh.

+ Đau tức vùng thắt lưng một bên hoặc cả hai bên, khám thấy thận to, ấn đau tức, có dấu hiệu chạm thắt lưng nếu có ứ nước, ứ mủ bể thận.

Cận lâm sàng

  • Công thức máu: số lượng bạch cầu tăng cao, đa nhân trung tính tăng.
  • Nước tiểu:

+ Protein niệu < 1g/24h.

+ Cấy nước tiểu: để tìm vi khuẩn gây bệnh. Nếu có vi khuẩn mọc thì làm kháng sinh đồ. Đa số vi khuẩn là Gram âm.

  • Xét nghiệm urê máu, creatinin máu: tăng nếu có biến chứng suy thận.
  • Chụp X quang hệ tiết niệu: có thể tìm thấy sỏi, dị dạng đường tiết niệu.
  • Siêu âm thận tiết niệu có thể thấy sỏi hoặc thấy đài bể thận giãn.

TIẾN TRIỂN BIẾN CHỨNG

  • Tiến triển thường tốt nếu điều trị kháng sinh đúng, đủ liều thì bệnh sẽ giảm và khỏi.
  • Nếu điều trị không đúng, không đủ liều thì bệnh sẽ tái phát nhiều lần và gây biến chứng suy thận mạn.

ĐIỀU TRỊ

  • Kháng sinh:

+ Tốt nhất là theo kháng sinh đồ.

+ Thời gian dùng kháng sinh: từ 10 ngày đến 15 ngày.

+ Nếu không làm được kháng sinh đồ thì cho kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn Gram âm như: biseptol, gentamixin, ciproíloxacin.

+ Nếu có suy thận thì không được dùng kháng sinh độc cho thận.

  • Giảm đau: paverit, papaverin clohydrat, visceralgin…
  • Điều trị nguyên nhân: do sỏi hoặc u tuyến tiền liệt thì phẫu thuật loại bỏ.
  • Dinh dưỡng: ăn thức ăn nhẹ như súp, cháo, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước dưới dạng nước lọc.
  • Bù nước và điện giải: uống nhiều orezol, truyền dịch nếu mất nước nhiều.
  • Nếu có suy thận thì phải cho chế độ ăn giảm protid. Hạn chế nước và kali.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

  • Hỏi chi tiết bệnh nhân về các triệu chứng:

+ Có sốt cao và có rét run không?

+ Có các rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt không ?

+ Có đau vùng thắt lưng? xuất hiện đột ngột hay đau âm ỉ?

+ Màu sắc nước tiểu đục hay có máu không?

  • Khai thác các yếu tố nguy cơ gây bệnh:

+ Có tiền sử sỏi đường tiết niệu hoặc viêm đường tiết niệu?

+ Có bao giờ bị tăng huyết áp ?

+ Có phù ở mặt lần nào ?

  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sỹ:

+ Công thức máu.

+ Xét nghiệm nước tiểu.

+ Urê máu, creatinin máu.

+ Cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ.

+ Siêu âm thận.

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Làm giảm sốt và làm hết sốt cho bệnh nhân.
  • Bù nước và điện giải cho bệnh nhân.
  • Giảm khó chịu cho bệnh nhân.
  • Tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân.
  • Tăng cường sự hiểu biết về bệnh, phương pháp phòng và điều trị bệnh.

Thực hiện chăm sóc

  • Làm giảm và hết sốt cho bệnh nhân:

+ Để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi chỗ thoáng, nới rộng quần áo.

+ Chườm mát vùng trán, vùng bẹn…

+ Thực hiện y lệnh thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh.

+ Theo dõi thân nhiệt 3 giờ/1lần.

  • Bù nước và điện giải cho bệnh nhân:

+ Hướng dẫn bệnh nhân cách pha orezol và uống làm nhiều lần trong ngày.

+ Truyền dung dịch đường đẳng trương hoặc muối sinh lý nếu mất nước nhiều.

+ Chú ý theo dõi mạch, huyết áp.

+ Theo dõi số lượng nước tiểu trong ngày.

  • Giảm khó chịu cho bệnh nhân:

+ Giải thích cho bệnh nhân hiểu về tình trạng rối loạn tiết niệu.

+ Từ đó hướng dẫn bệnh nhân hằng ngày ngâm vùng chậu hông vào chậu nước ấm khoảng 15 phút để làm giảm cảm giác đau hoặc chườm ấm vùng hạ vị.

+ Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên và tự theo dõi khi đi tiểu tiện về màu sắc, số lượng nước tiểu và các biểu hiện khác.

+ Thực hiện y lệnh kháng sinh: đảm bảo đúng và đủ liều.

  • Tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân:

+ Khi chưa bị suy thận: khi cho ăn tăng cường chế độ ăn giàu protein và giàu calo, ăn lỏng để dễ tiêu dưới dạng súp cháo, ăn nhiều rau quả tươi bảo đảm đủ vitamin cho cơ thể.

+ Nếu có suy thận:

o Ăn giảm protid.

o Tăng cường ăn thức ăn giàu calo.

o Ăn nhạt, hạn chế uống nếu có tăng huyết áp.

o Hạn chế ăn hoa quả có nhiều kali.

  • Tăng cường sự hiểu biết cho bệnh nhân:

+ Thuyết phục và hướng dẫn cho bệnh nhân tăng cường vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên bằng nước sạch.

+ Hằng ngày tập rèn luyện thân thể, tránh nằm và ngồi nhiều, uống nhiều nước.

+ Khi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phải điều trị kịp thời và điều trị đúng, đủ liều sẽ khỏi.

+ Tránh hoặc loại bỏ các yếu tố gây nhiễm khuẩn tiết niệu.

+ Điều dưỡng khi tiến hành các thủ thuật ở bộ phận tiết niệu, sinh dục phải nhẹ nhàng và đảm bảo vô khuẩn tốt.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi người bệnh:

  • Hết sốt.
  • Hết khó chịu do rối loạn tiết niệu.
  • Biết cách phòng bệnh.
0/50 ratings
Bình luận đóng