Chứng nấc (ách nghịch) là chứng nấc lên thành tiếng nối nhau. Nếu tiếng kêu ngắn mà nhiều lần, đó là khí nghịch ở dưới đi lên mà chúng ta không ngăn được. Nội kinh nói: “Vị thành khí nghịch thành nấc”. Sách Chư bệnh nguyên hậu luận nhận định: “Tỳ vị đều hư lại thọ khí phong tà, cho nên khiến cho cốc khí mới vào vị không thể chuyên hoá. Khí của cốc khí cũ và khí của cốc khí mới cùng chạm nhau làm cho vị khí bị nghịch. Khi mà vị bị nghịch thì tỳ bị trướng, khí bị nghịch, nhân gặp khí lạnh làm gẫy đi, thế là thành nấc”. Trên lâm sàng, có thể do bốn nguyên nhân sau :

Ăn uống thất thường, hàn khí làm thương tổn tỳ vị, tích trệ ở trung tiêu, vị không thể làm nát, làm nhiệt cốc khí, tỳ không thể vận hoá tinh vi. Hoặc do khí cay (tân) nhiệt làm thương vị, vị khí không giáng xuống khí không ngăn được mà phát chứng nấc.

Con người có những mưu tính không toại, hoặc do ưu tư, phẫn nộ làm cho thất tình uất kết, can mộc hoành nghịch, can vị không hoà nhau, khí mới nhân đó xung lên trên thành nấc.

Thường để bụng đói đi xa, hoặc lao động quá độ làm cho khí trung tiêu bị hư tổn, trung khí hãm xuống dưới, tỳ khí không thăng, vị khí không giáng, sự thăng giáng bị thất điều, khí sẽ loạn ở trung tiêu để rồi nghịch lên trên, thành bệnh nấc.

Tuổi cao, thân thể suy; thêm vào đó lại bị bệnh nôn mửa hoặc ly, hoặc bệnh lâu ngày trở thành hư làm cho nguyên khí của thận bị suy đến mất đi khả năng bế tàng. Khí không quy vể căn để rồi trôi nổi lên trên như có một cái gì muốn thoát ra, gọi là chứng nấc do hư thoát.

TRỊ LIỆU

Chứng nấc do trung khí bị hư hàn

Chứng trạng: Tiếng nấc thấp và nhẹ, khi có hơi ấm thì giảm, ăn không ngon, không thèm ăn, bị tiêu chảy, vùng ngực và bụng bị trướng mãn, tứ chi không còn sức, mạch hoãn nhược, lưỡi nhạt, rêu trắng.

Phép trị: Ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí.

Xử phương và phép châm cứu : Châm bổ tất cả các huyệt trung quản, khí hải, quan nguyên, túc tam lý, chiên trung, vị du, chương môn. Sau khi châm thì cứu từ 5 đến 7 tráng, lưu kim 20 phút.

Phép gia giảm : Nếu trung tiêu bị tích trệ thì châm thêm tả kiến lý 2 phân, tả quan môn 2 phân.

Chứng nấc do vị nhiệt

Chứng trạng : Tiếng nấc kêu to rõ, khát và thích uống lạnh, miệng hôi, mặt đỏ, mạch huyền đại, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.

Phép trị: Thanh, giáng và tiết nhiệt khí.

Xử phương và phép châm cứu : Châm tiền tả hậu bổ tam âm giao 5 phân; tả thượng quản 5 phân, tả khí hải 5 phân, tả quan nguyên, túc tam lý đều 5 phân; tả chiên trung 2 phân, tả vị du, đại trường du, phong long đều 3 phân; tả nội đình 2 phân, tả thiên đột 2 phân, tả giải khê 2 phân.

Nấc do khí của can và vị bị nghịch

Chứng trạng: Miệng đắng, ngực sườn đau, nôn ra chất bẩn chua, tâm phiền bất an, nấc, vùng hông và hoãn bị bứt rứt và đầy, 2 vú bị trướng đau, mạch huyền sác hoặc huyền tế, lưỡi đỏ.

Phép trị: Thư can, lý khí, hoà vị, giáng nghịch

Xử phương và phép châm cứu: Tả dương lăng tuyền 5 phân, tả thái xung 3 phân, tả kỳ môn 2 phân, tả can du 2 phân, châm bình bổ bình tả các huyệt tỳ du 3 phân, trung quản 3 phân, túc tam lý 5 phân, lưu kim 10 phút không cứu.

Nấc do hư thoát

Chứng trạng : Tiếng nấc có khi đứt, có khi nối tiếp nhau, tiếng nấc thấp nhỏ, mồ hôi đầu, khí suyễn, môi xanh tím, mạch hư vị, lưỡi nhạt.

Phép trị: Cố bản, hồi dương

Xử phương và phép châm cứu : Cứu các huyệt quan nguyên, khí hải, trung quản, thận du, mệnh môn, không châm, cứu cho đến khi nào hồi dươmg thì thôi, dùng lão dương số hoặc thiếu dương số (số 9 lão dương, số 1 thiếu dương).

Phép gia giảm : Nếu mồ hôi ra không dứt châm tả thêm hợp cốc 3 phân, bổ phục lưu 3 phân, nếu đầu thống bổ thêm bách hội 2 phân, tả thái dương 3 phân, tả liệt khuyết 3 phân, bổ mệnh môn 3 phân. Nếu tai sưng cổ đau châm thêm cả bổ lẫn tả thiên đột 3 phân, tả hợp cốc 5 phân, tả ngoại quan 3 phân, châm xuất huyết thiếu thương.

GHI CHÚ

Phép cứu theo lão dương số hay thiếu dương sốlà căn cứ vào số dương hay số lẻ, thường huyệt chính cứu nhiều và huyệt phối hợp cứu ít.

Y ÁN

Thí dụ 1: Can vị khí nghịch

Bà Lưu Thị T… 40 tuổi

Khám lần 1: Người bệnh bị nấc liên tiếp, ngực và hông sườn trướng mãn, ợ ra nước chua, tâm cấp phiền táo, ăn uống giảm, bệnh phát đã mấy hôm, mạch huyền sáp. Đây là chứng thuộc can uất khí trệ, vị khí nghịch lên trên.

+ Phép trị: Sơ can, hoà vị, lý khí, giáng nghịch.

+ Xử phương: Châm tả kỳ môn 5 phân, tả trung quản, túc tam lý đều 5 phân, tả chương môn, thái xung, can du đều 3 phân, lưu kim 10 phút.

Khám lần 2 (14 tháng 10): Chứng nấc đã giảm phân nửa.

+Xử phương: Châm trung quản, khí hải, túc tam lý đều 5 phân, cứu 3 tráng, châm tả can du, thái xung đều 3 phân, lưu kim 15 phút. Bệnh khỏi.

Thí dụ 2 : Vị nhiệt khí nghịch

Cô Nguyễn Thị H… 21 tuổi, công nhân

Khám lần 1 (15 tháng 10): Bị chứng nấc đã hơn 10 ngày qua, tiếng nấc kêu to rõ, lúc phát lúc ngừng. Hai ngày gần đây trở nên nặng hơn, ăn vào thì thổ ra ngay, miệng khát, tiểu vàng, mạch huyền, rêu lưỡi vàng. Đây thuộc chứng vị nhiệt khí nghịch.

+ Phép trị: Thanh nhiệt, thông phủ, giáng hoả.

+ XỬ phương: Châm tả thiên đột kim nghiêng sâu 5 phân, tả cách du 2 phân, châm thượng quản, túc tam lý, khí hải đều 5 phân, tiền bổ hậu tả, tả vị du 2 phân, tả nội đình 2 phân, lưu kim 5 phút.

Khám lần 2 (18 tháng 10): Số lần nấc giảm xuống, ăn vào không còn nôn ra, đại tiện thông lợi, châm theo phép cũ.

Khám lần 3 (21 tháng 10): Chứng nấc đã giảm hẳn, nhưng ăn vẫn còn kém.

Tả dương lăng tuyền 5 phân, bổ trung hoãn, khí hải, túc tam lý đều 5 phân, lưu kim 10 phút. Bệnh khỏi.

0/50 ratings
Bình luận đóng