Điên cuồng là một bệnh mà thần chí bị mất đi sự bình thường. Điên và cuồng thường dùng đối với nhau, nhưng thực sự vẫn có sự khác nhau, Vương Thái Phó nói: “Vui nhiều gọi là điên, giận (nộ) nhiều gọi là cuồng”.
Sách Nạn kinh cũng viết: “Trùng dương gọi là cuồng, trùng âm gọi là điên”. Hai chứng này thường là nhân quả cho nhau, điên lâu thành cuồng, cuồng lâu thành điên. Điên thuộc âm, thường yên lặng, đa hư; cuồng thuộc dương, thường táo và động, đa thực.
Về nguyên nhân phát bệnh:
Chứng điên đa số do tâm tình bị uất ức, ước nguyện không toại, tư lự, thái quá làm cho tâm và tỳ bị thương tổn, khí bị trệ, tân dịch bị tụ để kết thành đàm. Đàm khí nghịch lên trên lầm che lấp tâm bào lạc, thế là tâm thần không làm chủ được thần minh để rồi thành bệnh.
Chứng cuồng đa số do phẫn uất, bạo nộ (quá giận dữ), khí của can đởm bị nghịch, ngũ chi bị quá mức nên hoá hoả sinh đàm. Đàm hoả nội động, hoả của tâm và vị bị tích, tân dịch bị đốt khô để kết thành đàm, đánh lên đến tâm khiếu, thần chí bị nghịch loạn thành bệnh.
TRỊ LIỆU
Bệnh điên
+ Chứng trạng : Bệnh khởi lên có vẻ chậm, chứng trạng biểu hiện đa số thiên, về “tĩnh”, thường là trầm mặc như si dại, cười khóc thất thường, nói chuyện không đầu đuôi, cử chỉ thất thường, vui buồn không định… mạch đa số là huyền hoạt, rêu lưỡi mỏng.
+ Phép trị: Sơ can, lý khi, thanh tâm, khai khiếu.
+ Xử phương và châm cứu : Châm bách hội và mai hoa huyệt 2 phân, tiền bổ hậu tả; châm tả phong trì và phong phủ đều 3 phân; châm bình bổ bình tả nhân trung, thừa tương đều 3 phân; châm tả thái xung, can du đều 3 phân; châm tả dương lăng tuyền và phong long đều 5 phân.
Bệnh cuồng
+ Chứng trạng : Bệnh khởi lên có vẻ cấp thường là động, chứng trạng là cuồng táo, bạo nộ, vô cớ cùng mắng chửi không kể thân sơ, ưa leo lên cao, ưa chạy rong, khi ca khi khóc, có thể cầm đao để giết người, mạch huyền hoạt sác, rêu lưỡi vàng…
+ Phép trị: Trừ đàm khai khiếu, thanh tâm tả hoả.
+ Châm tả tâm du, giản sử, lao cung, thần môn đều 3 phân; châm bổ thận du, thân mạch đều 3 phân; châm tả khúc trì, hợp cốc đều 5 phân; bổ thượng tinh 3 phân.
+ Phép gia giảm: nếu bị nôn và ăn kém châm thêm bổ trung quản, khí hải đều 5 phân; nếu cuồng táo quá nặng, châm thêm tiền bổ hậu tả đại chuỳ 5 phân, thân trụ 5 phân, phong trì, bách hội đều 3 phân; nếu tiểu tiện bị bí châm tả thêm chi câu, nước tiểu vàng châm thêm tả tam tiêu du, cả hai đều 5 phân.
GHI CHÚ
Trị bệnh này, trước hết làm sao tạo điều kiện để cho bệnh nhân yên tỉnh, để phòng mọi bất trắc, sau đó mới thực hiện việc châm trị.
Y ÁN
Thí dụ 1: Bệnh cuồng
Anh Trương … 20 tuổi làm ruộng, ngày 8 tháng 7… đến khám.
+ Khám lần 1: Bệnh nhân thần trí thất thường, ý thức hỗn loạn, đập chén, đập nồi, xé toang quần áo, nổi cơn đánh cả người đi đường, cuồng ngôn mắng chửi lung tung không kỵ, thân sơ, mạch huyền hoạt hữu lực. Đây là chứng thuộc can đởm hoả đốt lên, đàm hoả thượng nghịch.
+ Phép trị: Thanh tâm tiết hoả, điều đàm thông khiếu.
+ Xử phương : Châm bình bổ bình tả bách hội 3 phân, cứu 3 tráng; châm phong phủ và phong trì, tả đều 5 phân; châm tả giản sử, hợp cốc đều 5 phân; châm tả thần môn, thái xung đều 3 phân; châm tiền tả hậu bổ túc tam lý 5 phân, cứu 3 tráng.
+ Khám lần 2 (ngày 9 tháng 7): Sau khi châm lần đầu bệnh nhân có vẻ an tĩnh, thần trí khá hơn; châm tiếp trung quản, khí hải đều 5 phân, bình bổ bình tả; châm phong long, dương lăng tuyền đều 5 phân; châm tả đởm du 3 phân; cứu trung quản, khí hải đều 3 tráng. Cứ cách ngày châm một lần theo phép củ gia giảm, châm 6 lần bệnh nhân khỏi bệnh.
Thí dụ 2 : Chứng điên cuồng
Ông Bùi Văn … 50 tuổi, ngày 9 tháng 3… đến khám.
Bệnh nhân bị bệnh từ một năm trước, từng trị liệu ở bệnh viện, nhưng có lần ông đánh vỡ cửa kính của cửa sổ để thoát ra, dùng búa bổ cúi rượt chém người, sau đó ông nhảy xuống giếng, được vớt lên… Cuối cùng người nhà đưa bệnh nhân đi trị liệu bằng châm cứu. Gần đây bệnh nhân thấy có người là rất kinh sợ, hay bỏ chạy. Khám thấy lưỡng quyền của bệnh nhân ửng đỏ, tinh thần suy giảm, lo sự không yên, mạch huyền tế mà hoạt. Đây là chứng điên do bệnh cuồng lâu ngày khí suy, thần chí mê loạn gây nên.
+ Phép trị: Lý khí giải uất, hoá đàm khai khiếu.
+Xử phương : Châm bách hội, mai hoa huyệt, tiền bổ hậu tả; nhân trung, thừa tương đều 3 phân bình bổ bình tả, châm tả giản sử, hợp cốc đều 5 phân, cứu trung quản, khí hải, túc tam lý đều 5 tráng. Sau đó, theo phép cũ châm và cứu gia giảm, châm trị trong khoảng 10 lần thì dứt bệnh.